Nâng tầm việc biểu quyết, phát biểu trước Quốc hội

17/07/2014 03:00 GMT+7

Sáng qua, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến đánh giá về kỳ họp thứ 7 và chương trình nghị sự dự kiến của kỳ họp thứ 8. Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến nhấn mạnh yêu cầu đổi mới hơn nữa cách thức họp QH.

Nâng tầm việc biểu quyết, phát biểu trước Quốc hội

Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị có quy định chặt chẽ về việc bấm nút biểu quyết tại Quốc hội - Ảnh: Ngọc Thắng

Đánh giá về kết quả kỳ họp thứ 7, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo: ngay những ngày đầu kỳ họp, QH đã dành thời gian thảo luận sâu sắc, mạnh mẽ lên án hành động sai trái của phía Trung Quốc khi nước này hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng cho hay, cuộc họp tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 7 bà con khen ngợi bản lĩnh của QH về biển Đông, rõ nét nhất là bài phát biểu khai mạc và bế mạc của Chủ tịch QH, kể cả công thư của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH. “Bà con bất ngờ vì QH chúng ta quyết định dành ngân sách bổ sung 16.000 tỉ đồng cho lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển và ngư dân”, ông Giàu nói.

Chấm dứt tình trạng bấm nút hộ

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu... đều cho rằng, các báo cáo trình tại kỳ họp còn dài dòng. Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân thì băn khoăn trước tình trạng đại biểu bấm nút biểu quyết hộ. “Cùng một dự án luật nhưng số lượng đại biểu tham gia biểu quyết thay đổi liên tục, có nghĩa là người ta biểu quyết hộ, lúc bấm giúp, lúc quên. Phải có quy định nào không cho bấm nút biểu quyết hộ”, bà Ngân đề nghị.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ: “Rất là buồn khi tôi ngồi trên ghế chủ tọa điều hành, trên này thì hội ý nhưng ở dưới các đồng chí am hiểu nhất chẳng nói gì cả. Ví dụ với nội dung lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, Bộ Chính trị phát biểu, T.Ư thảo luận nhất trí rất cao, TVQH cũng thảo luận rất kỹ nhưng ra QH chẳng ông nào phát biểu cả. Hay luật Sĩ quan Quân đội nhân dân VN (sửa đổi), luật Công an nhân dân sửa đổi cũng thế, khi TVQH họp, bàn mãi nhưng ra QH cũng không có ý kiến phát biểu. Như thế là không được. Có đồng chí còn phát biểu bài người khác. Thế là không nghiêm túc”.

Chủ tịch QH đề nghị cần phải rút kinh nghiệm ngay vấn đề này trong nửa nhiệm kỳ còn lại.

Dành nửa ngày lấy phiếu tín nhiệm

Theo dự kiến, chương trình kỳ họp thứ 8 của QH sẽ khai mạc từ 20.10 và bế mạc ngày 29.11. Trong 35 ngày làm việc, QH dự kiến dành 24 ngày rưỡi cho công tác xây dựng pháp luật; nửa ngày để xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

9 ngày rưỡi còn lại, QH sẽ xem xét, quyết định các vấn đề KT-XH, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, trong đó dành nửa ngày cho việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp.

Bảo Cầm

>> Đề nghị bỏ quy định 20% ĐBQH yêu cầu mới bỏ phiếu tín nhiệm
>> Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Sẽ mở rộng quyền giám sát của ĐBQH
>> Cần cơ chế để cử tri giám sát hoạt động ĐBQH

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.