Náo nhiệt chợ "buôn người" ở miền Tây

22/11/2005 10:29 GMT+7

Một “giám đốc” khá nổi tiếng ở khu “chợ người” khoe: “Tụi này có cả một mạng lưới khắp các tỉnh miền Tây, thậm chí ở tận các huyện, xã nên muốn loại “hàng” gì, gái nào cũng có, mấy tụ điểm massage ngoài Bắc còn vô đây lựa hàng mà”.

Chúng tôi về huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) để tìm bà Chuyên - người được đánh giá cao với tài “săn hàng tuyển” và nguồn “hàng” luôn dồi dào.

Nghe giới thiệu là chủ quán ở Sài Gòn xuống tìm thôn nữ về làm tiếp viên, bà Chuyên cảnh giác: “Ai giới thiệu với mấy chú vậy, người đâu mà tôi tìm cho mấy chú? Bỏ nghề lâu rồi”. Nhưng khi nghe đúng ám hiệu, bà Chuyên mời chào: “Vậy mà cứ tưởng mấy chú là công an. Tìm đến chị là đúng địa chỉ rồi, chị giới thiệu người đi làm hai mươi mấy năm nay. Mấy quán cà phê ngoài Bình Dương, người của chị cả trăm cả ngàn đứa, gái ở đây giới thiệu toàn gái đẹp thôi. Nhưng dạo này hiếm lắm nên giá hơi cao...”.

Bà Chuyên trước đây có tiếng là người nhanh nhạy trong làm ăn, ai xuống tuyển người bà cũng dẫn đến tận từng nhà để lựa “hàng”. Những năm gần đây, thông tin về những đường dây đưa người về thành phố tìm việc làm nhưng thực chất là bán vào các động mại dâm, thậm chí bán ra nước ngoài càng rộ lên. Sau đó, công an “quần” dữ quá nên không chỉ bà Chuyên mà nhiều “đại lý” ở vùng nông thôn rất dè dặt.

Thường họ chỉ đưa người lên khu chợ đường Ba Tháng Hai, TP.HCM, sau đó sang tay cho các đầu nậu núp dưới danh nghĩa “trung tâm việc làm”. Số phận các cô gái trôi về đâu họ không cần biết, miễn sao tiền cò thanh toán sòng phẳng. Bà Chuyên trước đây nghèo xơ xác, nhưng từ hồi làm nghề “cò người” phất lên thấy rõ, xây nhà xây cửa, vàng vòng đeo đỏ tay. Không chỉ một mình bà mà ở tỉnh nghèo nhất nhì miền Tây này có hàng chục “đại lý” như thế.

Ở bến xe, người ta giới thiệu tới địa chỉ nhà Út Huệ - một trong những “đại lý” mát tay nhất nhì trong vùng vì “hàng” của Út Huệ đưa lên thành phố không cần phải chờ lựa chọn ở khu chợ người, mà được đưa vào thẳng những nhà hàng karaoke, massage cao cấp. Út Huệ có biệt tài “thổi lỗ tai” mấy cô thôn nữ, những viễn cảnh được làm việc trong các công ty, nhà máy lớn luôn làm mấy cô mất hồn, nhưng thật sự điểm đến lại là chốn buôn hương bán phấn. Tuy nhiên, khi đến, người nhà Út Huệ nói: “Nó vừa dắt sáu đứa đi Sài Gòn sáng nay rồi”.

Các “đại lý” vùng nông thôn bây giờ cạnh tranh nhau cũng rất ác, phải sục sạo đi tìm người. “Đại lý” Thành nói: “Bây giờ tìm đào đâu phải dễ, phải chạy khắp các tỉnh mới gom đủ người. Tuần rồi phải qua tới Cần Thơ “gù” được bảy đứa giao hàng cho chủ nhà hàng ở Phú Quốc. Hôm qua lại có người trên Sài Gòn đặt “hàng” cả chục đứa nên bây giờ không dám hứa với anh khi nào có hàng, phải đi tìm nữa, mà giá cao lắm à nghen”.

Sáng 26/10, "đại lý" Chuyên hẹn đến bến xe Trà Vinh để lựa “hàng”. Tờ mờ sáng, những chuyến xe chở hàng chục thôn nữ từ các xóm nghèo xa xôi khắp các huyện đổ về bến xe Trà Vinh. 6h sáng, “phiên chợ người” ở bến xe này trở nên nhộn nhịp với cảnh kẻ bán rao “hàng”, người mua trả giá, lựa “hàng”, những thầu chăn dắt chuyển nhượng, sang tay những cô gái ngờ nghệch lần đầu tiên mới được ra tỉnh...

Trong nhà chờ xe cạnh quầy bán vé, một phụ nữ đội chiếc mũ tai bèo dắt theo một cô gái và cậu con trai rao: “Coi con bé này được thì cứ dẫn về Sài Gòn, chị để rẻ cho, được thì dắt thằng nhỏ kia luôn. Hai đứa là chị em ruột, đứa gái 150.000 đồng, đứa trai 100.000 đồng, đồng ý chị giao luôn”.

Một phụ nữ cũng chen vào đưa tấm danh thiếp in tên “B.H., ấp Đa Hòa Nam, xã Hòa Lợi, Châu Thành”, và hỏi: “Tìm mấy đứa con gái bán cà phê bình thường hay cà phê quậy? Gái cà phê quậy phải trả tôi 200.000 đồng mỗi đứa. “Hàng” của tôi đẹp khỏi chê. Đưa tụi nó về làm anh lấy vốn nhanh lắm, nhưng nói tụi nó đi lên đó bán quán cơm nghe, tụi này nhát lắm” - chị này vừa nói vừa chỉ sáu cô gái chừng 17-18 tuổi, quê ở tận huyện Trà Cú, đang đứng khép nép ở góc nhà chờ bến xe.

Khác hẳn sự ồn ào, bát nháo đến thô lỗ, cộc cằn của các “đại lý” khi ra giá, trả giá, sang tay..., những thiếu nữ đến từ nông thôn mà tuổi có lẽ chưa quá đôi mươi luôn đứng túm tụm, co ro và im lặng nhìn một cách sợ sệt những người “chào hàng”, những người “xem hàng”...

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.