Nền kinh tế bộc lộ nhiều nút 'cổ chai' khi hội nhập

22/12/2016 06:00 GMT+7

Báo cáo của Chính phủ cũng nhìn nhận đã xuất hiện các điểm “cổ chai” về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực... gây cản trở cho quá trình phát triển.

Ngày 21.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) tiếp tục phiên họp thứ 5, thảo luận về một số nội dung, đáng chú ý là tình hình thực hiện Nghị quyết số 1052/NQ-UBTVQH13 ngày 24.10.2015 về một số định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo báo cáo của Chính phủ, với việc triển khai các nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết, công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực bao gồm: thông tin tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; cải cách thể chế, luật pháp phù hợp với các quy định và thông lệ quốc tế... Tuy nhiên, do mới trải qua một năm thực hiện nên một số nhiệm vụ mang tính chất dài hạn chưa đạt kết quả rõ rệt hoặc mới thu được kết quả bước đầu.
Cụ thể, hội nhập kinh tế quốc tế đã làm bộc lộ những yếu kém cơ bản của nền kinh tế. Trong đó, cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng vẫn chưa được cải thiện về căn bản. Tăng trưởng của VN thời gian qua phần nhiều dựa vào các yếu tố như tín dụng, lao động rẻ mà thiếu sự đóng góp đáng kể của việc gia tăng năng suất lao động hay hàm lượng tri thức, công nghệ. Hiệu quả đầu tư chưa được cao như mong muốn. Việc thu hút các dự án FDI tăng về số lượng, nhưng chất lượng chưa đảm bảo, công nghệ chưa tốt, đặc biệt công nghệ trong những lĩnh vực VN cần đổi mới mô hình tăng trưởng. Còn có những dự án đầu tư hàm chứa tiêu cực về môi trường, sinh thái...
Ngoài ra, sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp (DN) và sản phẩm mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn yếu so với các nước, kể cả các nước trong khu vực. Các ngành kinh tế, các DN mang tính mũi nhọn, có khả năng vươn ra chiếm lĩnh thị trường khu vực và thế giới chưa nhiều, chưa có khả năng đi đầu, kéo các ngành, các DN khác cùng phát triển. Một số sản phẩm đã bắt đầu gặp khó khăn trong cạnh tranh, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu có xu hướng giảm, cơ cấu hàng xuất khẩu còn nghèo nàn, tập trung vào các mặt hàng nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép…
Báo cáo của Chính phủ cũng nhìn nhận đã xuất hiện các điểm “cổ chai” về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực... gây cản trở cho quá trình phát triển. Nguồn nhân lực mới tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của các DN, đặc biệt trong những ngành cần công nghệ cao, nhân lực cao chỉ tập trung vào một số địa bàn dẫn đến mất cân đối và phân cực giữa các vùng miền và trong những ngành ta cần ưu tiên phát triển.
Báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá, Chính phủ đã cơ bản bám sát 8 nhóm nhiệm vụ nêu trong nghị quyết. Tuy nhiên, cơ quan đầu mối chủ trì việc theo dõi chưa có sự thống nhất, việc gửi báo cáo Ủy ban Thường vụ và Ủy ban Kinh tế chậm so với thời gian yêu cầu. Về vấn đề này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận thiếu sót và cho biết đến ngày 20.12 vẫn còn thay lại báo cáo vì thấy thành tích nhiều mà khuyết điểm ít quá nên phải chỉnh sửa. Sau khi chỉnh sửa, theo Phó thủ tướng, phần kết quả tại báo cáo của Chính phủ ngắn hơn nhiều phần những tồn tại, vướng mắc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.