Nền tảng đấu tranh chủ quyền

18/11/2012 03:00 GMT+7

Ngày mai, Hội thảo quốc tế về biển Đông lần thứ tư với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” sẽ khai mạc tại TP.HCM. Hội thảo do Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức. Tham gia hội thảo có đến 82 chuyên gia trên nhiều lĩnh vực đến từ khoảng 20 nước và vùng lãnh thổ.

Đây không phải là lần đầu tiên một hội thảo quy mô như thế về biển Đông được tổ chức. Thời gian qua, hàng loạt chương trình tương tự diễn ra ở nhiều nước từ Việt Nam đến Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Indonesia, Thái Lan... Chỉ riêng Hội thảo quốc tế về biển Đông ở trên cũng được tổ chức 3 lần và luôn có sự góp mặt của nhiều chuyên gia hàng đầu. Đó là vì vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận quốc tế.

Một lực lượng đông đảo các chuyên gia trong nước và quốc tế đang không ngừng nỗ lực nghiên cứu, thảo luận để tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề này. Tại những hội thảo như vậy, giới chuyên gia quốc tế từng nhiều lần kêu gọi cần giải quyết tranh chấp biển Đông bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS). Qua đó, Việt Nam cũng đưa ra những bằng chứng có giá trị về pháp lý lẫn lịch sử để nhấn mạnh chủ quyền không thể chối cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây sẽ là những cơ sở vững chắc góp phần khẳng định sự phi pháp trong việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với bản đồ “đường lưỡi bò” hầu như ôm trọn biển Đông.

Ai cũng hiểu, công cuộc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc đòi hỏi một quá trình lâu dài. Vì thế, chúng ta cần vận dụng hiệu ứng từ các sự kiện như Hội thảo quốc tế về biển Đông làm nền tảng cho chiến lược lâu dài trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia nói chung. Chúng ta vận dụng bằng cách tập hợp các đề xuất, tham luận, kiến nghị cùng những bằng chứng vững chắc nhằm hình thành hệ thống lý lẽ đầy đủ để chứng minh chủ quyền của đất nước.

Hệ thống này không chỉ đại diện từ phía Việt Nam mà còn là tiếng nói khách quan của giới chuyên gia thế giới. Dựa vào đó, chúng ta sẽ tăng cường cung cấp những dữ liệu đầy đủ hơn để cộng đồng quốc tế khai thác trong quá trình giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Quan trọng hơn, một nỗ lực như trên cần được tiếp sức hơn nữa bằng sức mạnh đồng thuận của toàn thể dân tộc Việt Nam. Đó mới đích thực là nền tảng vững chắc nhất mà ai cũng cần nhận thức rõ ràng.

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.