'Nếu không vì vụ lợi, đã không bổ nhiệm cán bộ ồ ạt'

27/10/2014 09:00 GMT+7

Như tin đã đưa, Thanh tra Chính phủ vừa họp báo, khẳng định trước khi nghỉ hưu, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã bổ nhiệm hàng loạt người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào chức danh quản lý ở cơ quan này. Vấn đề là ngoài Thanh tra Chính phủ, ở các bộ, ngành khác có tình trạng này không?

Ông Nguyễn Sĩ Cương
Ông Nguyễn Sĩ Cương - Ảnh: N.Thắng

Nguyên Chánh thanh tra Bộ Nội vụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Sĩ Cương đã trả lời Thanh Niên về vấn đề này.

* Thưa ông, ngoài vụ việc ở Thanh tra Chính phủ, dư luận lo ngại tình trạng trên cũng xảy ra ở ngành này, ngành kia, khi lãnh đạo nghỉ hưu đã ký bổ nhiệm cán bộ hàng loạt và có dấu hiệu không minh bạch?

- Vụ việc xảy ra ở Thanh tra Chính phủ với bằng chứng là nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền ký quyết định bổ nhiệm cán bộ thiếu tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm về chức vụ như thế và đã phải xử lý bằng cách cho đi đào tạo và hiện nay, phải rà soát, phân công lại. Việc này thực ra diễn ra lâu rồi. Trước đây cũng đã có những xì xào, bàn tán ở bộ này, ngành kia có việc bổ nhiệm trước khi lãnh đạo nghỉ hưu bổ nhiệm cán bộ ồ ạt. Hiện tượng này không phải bây giờ mới có. Nhưng nhà nước đã không có sự kiểm soát căn cơ. Những việc thế này, nói trách nhiệm thì có trách nhiệm của Bộ Nội vụ nhưng Bộ Nội vụ không kiểm soát hết được do thẩm quyền bổ nhiệm là của thủ trưởng cơ quan đó, của bộ trưởng, cục trưởng…

 

Anh không gương mẫu thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quy trình bổ nhiệm cán bộ để có căn cứ theo nhu cầu thực tiễn, mà anh cứ bổ nhiệm sai, vì cái gì đó, ồ ạt... đa số là vì vụ lợi thôi. Nếu không vì vụ lợi, anh chẳng bổ nhiệm cán bộ ồ ạt để làm gì. Đúng không?

Anh không gương mẫu thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quy trình bổ nhiệm cán bộ để có căn cứ theo nhu cầu thực tiễn, mà anh cứ bổ nhiệm sai, vì cái gì đó, ồ ạt… đa số là vì vụ lợi thôi. Nếu không vì vụ lợi, anh chẳng bổ nhiệm cán bộ ồ ạt để làm gì. Đúng không?

* Theo ông, để ngăn ngừa những việc lạm dụng quyền hạn, ký quyết định bổ nhiệm cán bộ thiếu khách quan, sai quy định như vậy thì phải làm thế nào?

- Khi thấy có những đơn tố cáo hoặc có những tố giác việc đó, có thể chưa có cơ sở nhưng các cơ quan có trách nhiệm, cơ quan thanh tra, kiểm tra của ngành, của Bộ Nội vụ phải vào cuộc ngay để xác minh xem, căn cứ vào quy định của pháp luật để xác định là có sai phạm trong việc bổ nhiệm cán bộ không. Bởi vì, bổ nhiệm cán bộ phải trên cơ sở quy hoạch và trên cơ sở nhu cầu số lượng, trình độ cán bộ vì những cái này nó có quy trình, quy định cả. Có điều, anh có làm đúng theo quy định không, nếu qua kiểm tra không đúng thì phải xử lý ngay. Lâu nay chưa có ai bị xử lý về việc đó cả, điều đó rất là đáng tiếc. Ít nhất anh cũng phải xác định vài vụ để xử lý thật nghiêm khắc, nó sẽ có tính răn đe tốt hơn.

* Cũng có những trường hợp khác, cũng tìm cách ký, ra văn bản có lợi cho doanh nghiệp, đơn vị, dự án mình sẽ làm việc sau khi nghỉ hưu như trường hợp nguyên Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng thì theo ông phải xử lý thế nào?

- Đó là việc rất không nên làm. Hơn nữa quy định pháp luật của mình chưa chặt chẽ. Nhiều nước họ còn quy định có những chức danh, ở những ngành nghề có yêu cầu sau khi anh kết thúc quá trình công tác tại đó, suốt đời không được tham gia hoặc có thời hạn để ngăn chặn anh lạm dụng chức vụ để làm lợi cho cơ quan, tổ chức nào có thể là sân sau của anh sau này, để thu lợi cho cá nhân mình.

* Những ví dụ trên cho thấy hiện nay có cả một khoảng trống về cơ chế, chính sách để kiểm soát cán bộ lãnh đạo các ngành trước và sau khi nghỉ hưu có những việc làm vụ lợi cá nhân?

- Việc này tôi nói nhiều lần rồi. Thứ nhất, việc thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng của mình vẫn còn rất hình thức. Như kê khai tài sản, tôi nói nhiều rồi, anh phải chốt được cái kê khai lần đầu và anh phải theo dõi quá trình tăng lên, giảm đi của khối tài sản người ta có: có thể bất động sản, là tiền... Nhưng trước nay, ai kê khai gì cứ kê khai mà không có sự xác minh. Bởi vì chừng nào anh không chốt được khối tài sản của người ta kê khai lần đầu thì anh không thể nào biết được tài sản của người ta tăng lên hay giảm đi. Đây là một kẽ hở.

Việc quản lý tài sản, thu nhập cán bộ, công chức đương nhiệm là đã có nhưng rõ ràng, việc kiểm soát cán bộ sau khi nghỉ hưu là bị bỏ trống. Bởi vì thực ra việc đó là bên chính quyền. Còn bên khối Đảng, thực tế là cán bộ sau nghỉ hưu cũng không để ý nữa. Nhưng đến lúc về hưu, có cán bộ mới bung tài sản của người ta ra thì lúc ấy, lại không có cơ sở xem xét, kiểm tra người ta nữa. Đó là điều đáng tiếc.

* Vừa rồi ông có chuyển đơn thư tố cáo những chuyện thi cử, tuyển dụng cán bộ, công chức ở một số cục của Bộ Công thương có dấu hiệu sai phạm, Bộ Công thương và Bộ Nội vụ đã trả lời ông thế nào?

- Bộ Nội vụ đang tiến hành thanh tra, chưa có kết luận.

Mạnh Quân (thực hiện)

>> Kiểm tra tài sản nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền
>> Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: Ưu tiên thu hồi tài sản đã bị chiếm đoạt
>> Ông Trần Văn Truyền, Tổng thanh tra Chính phủ: Có tình trạng đối phó sau kết luận thanh tra
>> Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: "Mình truy, nhưng họ quanh co đủ thứ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.