'Nếu là luật sư bào chữa, tôi sẽ nói Trịnh Xuân Thanh đang đi du lịch'

19/09/2016 13:07 GMT+7

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội khi phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự án luật Du lịch (sửa đổi) sáng 19.9.

Ông Nguyễn Mai Bộ cho rằng, việc giải thích về khái niệm “du lịch” trong dự Luật là chưa hợp lý.
Cụ thể, dự luật xác định “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 1 năm liên tục, nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tham dự hội nghị, hội thảo hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác”.
Theo ông Nguyễn Mai Bộ, nếu là luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh thì với cách giải thích này của dự thảo luật ông sẽ khẳng định "Trịnh Xuân Thanh đang đi du lịch". Ông Bộ cho rằng, cách giải thích từ ngữ tại dự Luật không thể hiện được bản chất của du lịch là rời khỏi nơi cư trú một cách hợp pháp.
“Khái niệm không nêu được bản chất đó dẫn tới việc nếu là luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh, chúng tôi sẽ giải thích một sự kiện nóng của đất nước về sự vắng mặt của ông Trịnh Xuân Thanh như thế”, ông Bộ phát biểu.
Góp ý cho dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, ngành du lịch có sự phát triển nhưng còn thấp so với tiềm năng. Theo ông Định, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có sự tham gia của nhiều ngành, do vậy để phát triển ngành du lịch, dự Luật cần xử lý vấn đề phối hợp giữa du lịch và các ngành khác như xuất nhập cảnh, hàng không…

tin liên quan

Toàn cảnh vụ ông Trịnh Xuân Thanh bị truy nã quốc tế

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên đại biểu quốc hội, nguyên tỉnh ủy viên, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (gọi tắt là PVC).

Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra dự Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, so với luật Du lịch 2005, dự thảo sửa đổi lần này không đề cập đến nội dung thanh tra chuyên ngành du lịch.
Trong khi đó, theo cơ quan thẩm tra, ngành du lịch hiện đang phải đối mặt với sự gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất, mức độ phức tạp của các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch. Dự Luật cũng có nhiều quy định liên quan đến công tác hậu kiểm đòi hỏi phải tăng cường kiểm tra, giám sát của lực lượng chuyên ngành.
Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định về thanh tra du lịch theo hướng gắn kết hoạt động thanh tra với hoạt động nghiệp vụ của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, đồng thời không làm tăng biên chế bộ máy.
Mặc dù nhất trí với đề xuất của Ban soạn thảo phân quyền mạnh hơn cho địa phương trong việc công nhận hạng cơ sở lưu trú từ hạng 3 sao trở xuống, nhưng cơ quan thẩm tra cho rằng, việc xếp hạng cơ sở lưu trú theo nguyên tắc tự nguyện sẽ tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo chất lượng, khó khăn trong việc quản lý, thống kê cơ sở lưu trú.
Theo ông Phan Thanh Bình, điều này dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tự mạo nhận sao, quảng cáo sai thứ hạng, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch; tạo kẽ hở về pháp luật và quản lý, tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh du lịch, đến diện mạo và uy tín của ngành.
Cấm lợi dụng du lịch để đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp
Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật Du lịch (sửa đổi) bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm để ngăn ngừa, răn đe và có cơ sở xử lý các hành vi vi phạm đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch.
Trong số này có các hành vi như lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người ra nước ngoài hoặc vào Việt Nam bất hợp pháp, phân biệt đối xử với khách du lịch, thu lợi bất chính từ khách du lịch… lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hối lộ, sách nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, khách du lịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.