"Ngán" đề án tăng giá điện

22/10/2008 00:34 GMT+7

Sau khi Tập đoàn Điện lực VN (EVN) chính thức đề xuất phương án tăng giá điện, các khách hàng lớn của ngành điện rất bức xúc.

Ông Đỗ Duy Thái - Tổng giám đốc Công ty Thép Việt lo lắng: Việc tăng giá điện sẽ khiến cho giá thành sản phẩm tăng lên, đặc biệt là ngành thép. Trong tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam phát triển chậm lại, việc tiêu thụ hàng hóa đều có xu hướng giảm xuống và giá cả cũng phải giảm xuống thì việc tăng giá điện là không hợp lý. Hơn nữa, giá dầu trên thế giới đã giảm và được dự đoán còn tiếp tục giảm trong thời gian tới nên chi phí sản xuất điện cũng sẽ giảm theo. Điện cũng là một hàng hóa nhưng trong khi giá cả nhiều hàng hóa khác giảm xuống mà EVN đòi tăng lên thì là chuyện ngược đời. Tình hình giảm cả mức tiêu thụ và giá cả hàng hóa có thể sẽ kéo dài đến cả năm 2009 nên việc tăng giá điện cũng phải đợi đến thời điểm đó mới xem xét được.

Với ngành thủy sản, ông Ngô Phước Hậu - Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish) cho rằng: Hiện nay các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản đang phải cạnh tranh rất gay gắt trên thị trường nước ngoài; thời gian qua chịu rất nhiều áp lực từ tỷ giá ngoại tệ, xăng dầu, lạm phát... Bây giờ lại chuẩn bị tăng giá điện. Trong khi giá cả đầu vào đang giảm thì việc tăng giá điện đang đi ngược xu hướng ấy. DN thủy sản thường xuyên sử dụng điện với công suất lớn, nếu tăng giá điện đồng nghĩa với tăng chi phí sản xuất và giảm khả năng cạnh tranh của DN.

Còn ông Trần Bảo Minh - Phó tổng giám đốc Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) nói: Nếu tăng giá điện như đề xuất của EVN thì Vinamilk phải mất thêm chi phí khoảng 6 tỉ đồng/năm. Nếu tính ra thì con số này không lớn nhưng người sử dụng điện đặt ra câu hỏi liệu ngành điện đề xuất tăng giá điện có hợp lý hay không. Nếu EVN tăng giá mà cung cấp điện với chất lượng tốt hơn thì còn có thể chấp nhận được, còn nếu tăng giá mà chất lượng chập chờn như thời gian qua thì không được. Bên cạnh đó cũng phải có một lộ trình hợp lý và ổn định để các đơn vị sản xuất có thể điều chỉnh kế hoạch sử dụng điện phù hợp.

Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) là đơn vị chủ lực trong sản xuất và cung cấp nước sạch cho TP.HCM. Ông Bùi Sỹ Hoàng, Phó tổng giám đốc Sawaco tính toán: chi phí điện năng trực tiếp dùng cho sản xuất nước sạch chiếm gần 10% giá thành. Sawaco đã lập phương án giá nước cho năm 2009, trong đó đã tính giá điện bình quân dùng cho sản xuất nước sạch là 1.100 đồng/kwh (theo giá điện hiện hành + 5% trượt giá). Với mức giá này, để sản xuất 1m3 nước sạch, Sawaco phải tốn chi phí điện là 610 đồng. Nhưng nếu EVN tăng giá điện thêm 16%, tương ứng với giá điện bình quân cho sản xuất nước sạch là 1.216 đồng/kWh, thì chi phí điện năng sẽ tăng lên 702 đồng, tức tăng thêm 92 đồng cho mỗi m3 nước sạch. Ông Hoàng cho rằng, đây mới là chi phí điện năng trực tiếp sản xuất, chưa kể các chi phí điện năng gián tiếp phân bổ vô giá thành sản xuất nước. Nếu tính chi phí gián tiếp bằng 50% chi phí trực tiếp, thì chi phí điện năng sẽ tăng thêm khoảng 140 đồng cho mỗi m3 nước. Nói tóm lại, nếu giá điện tăng thêm 16% thì giá nước sẽ tăng lên ít nhất là 10%. Gánh nặng này không chỉ doanh nghiệp chịu mà người tiêu dùng cũng phải gánh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Ngành điện phải suy nghĩ lại

 
Trao đổi với báo chí về phương án tăng giá điện mà Tập đoàn Điện lực (EVN) vừa trình Bộ Công thương, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền (ảnh) cho biết:

- Tôi nghĩ, trong thời điểm hiện nay, ngành điện vừa đề nghị tăng giá điện, vừa đề nghị tăng quỹ phúc lợi sẽ dễ gây ra phản cảm trong suy nghĩ của người tiêu dùng. Ngay chuyện đề nghị tăng giá điện, bản thân người tiêu dùng đã suy nghĩ rồi, đồng thời lại đề nghị tăng quỹ thưởng phúc lợi cho ngành này thì tôi nghĩ là không nên. Ngành điện phải suy nghĩ lại việc này.

* Ông nhận xét gì về việc EVN đề xuất tăng giá nhưng tình trạng cắt điện lại diễn ra thường xuyên?

- Phải xem xét, tại sao trong những năm vừa qua, điện liên tục thiếu; xem các dự án đầu tư của ngành điện như thế nào, từ khâu quy hoạch cho đến khâu tổ chức thực hiện có đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế. Vì năm nào cũng thấy thiếu điện, nước nhiều cũng thiếu, nước ít cũng thiếu, đây là điều mà Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng suy nghĩ. Nên mục đích thẩm tra, giám sát của ủy ban cũng là vì việc đấy. Năm ngoái đã có chương trình làm rồi nhưng chưa thực hiện được, năm nay sẽ tiếp tục.

X.Toàn (ghi)

M.Vọng - Q.Thuần - M.Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.