Ngày 30.4 không thể nào quên: Ám ảnh cái đói

28/04/2015 09:33 GMT+7

(TNO) Giữa mâm cơm, ông Miêng gắp cho ông Sinh một miếng thịt, bỗng dưng cả hai người đàn ông im lặng. Một người cất tiếng: “Ngày xưa, có những ngày chỉ ăn lá sắn già muối dưa trừ bữa, vừa ăn vừa nghĩ tới ngày thống nhất…”.

(TNO) Giữa mâm cơm, ông Miêng gắp cho ông Sinh một miếng thịt, bỗng dưng cả hai người đàn ông im lặng. Một người cất tiếng: “Ngày xưa, có những ngày chỉ ăn lá sắn già muối dưa trừ bữa, vừa ăn vừa nghĩ tới ngày thống nhất…”.

ngay-30.4-khong-the-nao-quen-am-anh-cai-doiNhững người lính Quảng Ninh năm xưa - Ảnh: Cẩm Giang
40 năm qua, không ngày 30.4 nào ông Phùng Viết Tiến, sinh năm 1950, ông Nguyễn Thành Miêng sinh năm 1949, ông Nguyễn Văn Sinh, sinh năm 1952 (đều trú ở thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) không ngồi lại với nhau, ôn lại những năm tháng chiến đấu ở miền Nam khói lửa.
Nhập ngũ vào cùng thời điểm năm 1971, cùng từ Sài Gòn ra Bắc trong năm 1977, những người lính năm xưa giờ đã là những ông nội, ông ngoại. Người còn những di chứng của sức ép bom năm nào, người vẫn còn ám ảnh bởi sốt rét rừng, những lần tưởng đã chết vì đói, khát, trước khi chết vì bom đạn chiến trường.
Ăn lá sắn già thay cơm
Ông Phùng Viết Tiến, trung đội 3, tiểu đoàn 3, trung đoàn 273, sư đoàn 341, lính bộ binh đến bây giờ nhiều đêm vẫn còn mơ tới những lần hành quân từ Bắc vào Nam. Năm 1971 ông Tiến nhập ngũ, từ Đông Triều, Quảng Ninh. Những người lính đều đặn mỗi ngày đi bộ 29 - 30 km, khoác trên vai gần 40 kg, gồm 1 tải gạo có thể ăn được trong 7 ngày, vũ khí, quân tư trang, giày, tất, võng, tăng, cuốc xẻng, nồi, bật lửa... Các nữ y tá được khoác nhẹ hơn, khoảng 28,5 kg. Đi đêm, nghỉ ngày hoặc đi cả ngày, đêm muộn mới được nghỉ. Mệt quá, có chiến sĩ vừa đi vừa ngủ, lăn xuống đê ở Hưng Yên, đồng đội phải nhảy xuống kéo lên. Cứ thế, đoàn đi ròng rã 3 tháng 15 ngày thì vào tới binh trạm 15, đường Trường Sơn.
“Lúc đó tinh thần hăng hái lắm. Dọc đường có gặp đồng đội được về phép, biết là về qua nhà mình đấy nhưng không kịp gửi cho nhà lá thư. Chỉ bảo đồng đội là về nói với u tao ở nhà, tao vẫn khỏe mạnh”, ông Tiến nhớ lại.
ngay-30.4-khong-the-nao-quen-am-anh-cai-doiÔng Phùng Viết Tiến và tấm ảnh ngày mình nhập ngũ năm xưa - Ảnh: Cẩm Giang
Trong suốt 5 năm là lính bộ binh, để vượt qua cái đói, ông Tiến và đồng đội không ít lần ăn lá sắn, nhưng không phải lá non, hiếm hoi mới được ăn nước canh nấu bằng lá sắn non. Gạo sấy được viện trợ không phải lúc nào cũng sẵn sàng, nhiều ngày trời trong rừng không có một hạt gạo vào bụng là chuyện quá quen thuộc với những người lính.
Ông Nguyễn Thành Miêng, chiến sĩ thuộc đội điều trị số 7, thuộc Cục Quân y, miền Đông Nam Bộ năm nào vẫn không thể quên những bữa húp canh lá rau tàu bay trừ bữa, đói đến xanh mặt, vàng mắt.
Bản thân ông Nguyễn Thành Miêng từng nhiều lần bị sốt rét. Người đàn ông bình thường nặng 58 kg, sốt rét xong còn 40 kg. Có những lần sốt rét liên tiếp trong 6, 7 tháng, nằm li bì, không ăn uống được gì. “Tôi ốm yếu đến mức không thể dậy được. Một ngày tôi bò dậy, giặt bộ quần áo, tức thì bị ngã rơi xuống nước, mãi mới bò lên được. Nằm dưới hầm, đang là mùa mưa ở Tây Nguyên, mọi nơi ẩm ướt, có con rắn nhao ra, to bằng cổ tay nhưng tôi không thể làm gì, chỉ biết thều thào không thành hơi, “rắn, rắn”.
ngay-30.4-khong-the-nao-quen-am-anh-cai-doiÔng Nguyễn Thành Miêng không thể quên những năm tháng ăn lá sắn, uống nước tiểu trong rừng - Ảnh: Cẩm Giang
Nước tiểu cũng không còn để uống
Sợ hơn cả cái đói, ám ảnh với ông Nguyễn Văn Sinh, sinh năm 1952, đang sống ở tổ 2 khu 1 phường Bãi Cháy, người lính lái xe Trường Sơn năm xưa là những lần suýt chết khát.
“Con đường 13 là con đường máu, từ đó vào TP.HCM rất gần, chúng ta duy trì lối đánh nở hoa trong lòng địch. Lần đó, chúng tôi bị địch bao vây, không thể thoát ra ngoài để tìm đồ ăn, nước uống. Lấy nước tiểu uống nhưng rồi sau cũng không còn nước tiểu để uống nữa, nhiều anh em sắp chết lả. Một cậu lính trẻ bảo, hay là bò ra ngoài, dù để ngụy bắt, nhưng còn hơn là chết hết. May mắn, một cậu tên là Trần Hồng Sơn, người Mông Dương đã thoát lọt tới một cái đồi, ở đó có hố bom tấn, đọng ở đấy một vũng nước. Sơn uống xong, mang nước lại, đổ vào miệng mỗi anh em một tý, miếng thứ nhất thì chúng tôi tỉnh lại. Miếng thứ 2 bỗng thấy trong mồm trơn trơn, nhè ra, một đám những con loăng quăng đang chạy lung tung. Thế mà khát quá, vẫn nhắm mắt ực xuống ruột”, ông Sinh nhớ lại.
ngay-30.4-khong-the-nao-quen-am-anh-cai-doiÔng Nguyễn Văn Sinh (phải), người lính lái xe đường Trường Sơn năm xưa - Ảnh: Cẩm Giang
Hạnh phúc là được sống
Sau năm 1975, ông Nguyễn Văn Sinh tiếp tục làm việc trong quân đội cho đến ngày về hưu, ông Phùng Viết Tiến, Nguyễn Thành Miêng trở lại miền Bắc năm 1977. Cả 2 đều mất một thời gian để tìm cách mưu sinh khi trở lại cuộc sống đời thường. Mọi thứ không dễ dàng, nhưng có khó khăn nào người lính đã không từng trải qua?
Năm 1977, ông Phùng Viết Tiến được nhận vào làm bảo vệ ở nhà máy chè Hạ Long. Sau này, đi học kế toán về, ông Tiến xin việc là kế toán viên, trợ lý phó giám đốc một công ty, sau đó về làm cán bộ thị ủy Hòn Gai, Chủ tịch, Bí thư phường Hùng Thắng kiêm Chủ nhiệm hợp tác xã đánh cá Quyết Thắng (Hạ Long, Quảng Ninhh).
Sau ngày giải phóng, ông Nguyễn Thành Miêng trở thành nhân viên bảo vệ trường cấp 1 Bãi Cháy. 6 năm ròng rã bác bảo vệ tốt bụng không chỉ làm nhiệm vụ gác cổng, đánh trống trường mà còn sửa chữa bàn ghế cho học sinh, giảng toán cho các học trò chậm hiểu. Ông Miêng được cử đi học chuyên môn, năm 1986, ông được phân công làm cán bộ theo dõi chính sách thương binh liệt sĩ của thị xã Hòn Gai, sau đó về làm Chủ tịch của UBND phường Hùng Thắng, Hội Nông dân thị xã Hòn Gai cho đến lúc nghỉ hưu.
Chưa có ngày 30.4 nào trong suốt 40 năm qua những người lính không ngồi lại với nhau, nấu một bữa cơm, thắp nén hương cho đồng đội, những người không may mắn đến được với chiến thắng. “Bình thường tôi không sao, nhưng chỉ cần có ai đó nhắc về những năm tháng chiến tranh là nước mắt lại ứa ra. Ngay như lúc vừa đó thôi, nhận được điện thoại của cháu gái bảo, muốn gặp bác để hỏi về ngày 30.4, thế là bỏ điện thoại xuống, ra ngoài hè cứ khóc như một đứa trẻ”, người đàn ông tóc đã hoa râm rưng rưng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.