Phản ứng càng chậm, thiệt hại càng lớn

10/12/2008 10:33 GMT+7

Đó là khẳng định của tiến sĩ Trần Triết, Trưởng Khoa Sinh học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM- người nghiên cứu lâu năm về cây mai dương ở Đồng Tháp, Kiên Giang

Phóng viên: Ngày 9-12, Báo NLĐ có thông tin cảnh báo về sự xâm hại của cây mai dương ở TPHCM, ông có thể dự đoán mức độ lan tràn của loại cây này trong thời gian tới?

- Tiến sĩ Trần Triết: Trước tiên, tôi khẳng định việc báo chí phát hiện và thông tin về sự bành trướng của cây mai dương ở TPHCM là rất cần thiết. Việc tiêu diệt cây mai dương phụ thuộc rất lớn vào nhận thức của các cấp chính quyền và cả người dân. Ở một số địa phương, do chính quyền và người dân không nhận thức đầy đủ về mức độ nguy hiểm của cây mai dương, phản ứng chậm chạp trong việc kiểm soát, nên cây mai dương lan tràn trên diện tích lớn và phí tổn cho việc diệt trừ ngày một gia tăng.

 
Cây mai dương có khả năng bành trướng, xâm lấn rất nhanh. Nghiên cứu ở Vườn Quốc gia Tràm Chim tỉnh Đồng Tháp cho thấy chúng có khả năng tăng gấp đôi diện tích xâm lấn trong vòng 1 năm. Cây mai dương tạo ra rất nhiều hạt. Hạt mai dương có thể tồn tại trong đất từ 7 đến 20 năm mà vẫn còn khả năng nẩy mầm.

Ở TPHCM, nhiều thửa ruộng đang bỏ hoang tạo điều kiện cho cây mai dương dễ dàng xâm lấn. Ngoài dòng nước, việc vận chuyển cát xây dựng là con đường lan tỏa quan trọng của hạt mai dương. Ở TPHCM, việc vận chuyển cát diễn ra tấp nập nên mức độ lan tỏa sẽ rất lớn.

. Nếu không kịp ngăn chặn sự phát tán của cây mai dương thì TPHCM gặp những thiệt hại gì?

- Cây mai dương có gai dễ gây xây xát, phát triển nhanh lấn chiếm đất đai. Trong thân cây lại có độc tố mimosine có thể ức chế tăng trưởng các loài thực vật gần nó. Khó khăn mà người dân TPHCM sẽ đối mặt là một số diện tích đất đai bị xâm lấn, trở ngại trong vấn đề đi lại, tốn tiền và công tiêu diệt, làm gia tăng chi phí sản xuất, các hoạt động đánh bắt cá, tôm ở các vùng ven sông rạch bị trở ngại. Riêng đối với nông dân, nếu không đủ khả năng tiêu diệt thì có thể mất đất sản xuất, diện tích chăn nuôi bị thu hẹp, diện tích ao nuôi cũng có thể bị xâm hại.

. Theo ông, nên tiêu diệt cây mai dương theo cách thức nào? Ai là người đủ sức cáng đáng việc này?

- Sở NNPT-NT TPHCM cần tiến hành khảo sát về tình hình xâm lấn của cây mai dương trên địa bàn TP, xác định các khu vực ưu tiên tiến hành diệt trừ sớm. Cần đặc biệt quan tâm diệt trừ ở những vùng ven kênh rạch, đất canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nơi có tiềm năng khai thác thủy sản tự nhiên, các khu vực bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, hồ chứa nước.

Trên các khu vực bị cây mai dương xâm lấn, tùy theo hiện trạng và quy hoạch sử dụng đất, sẽ xác định những biện pháp xử lý phù hợp. Một nguyên tắc quan trọng trong diệt trừ các loài sinh vật ngoại lai xâm lấn là phát hiện và can thiệp sớm. Đây là phương pháp hiệu quả và có phí tổn thấp nhất. Để có thể phát hiện sớm, cần có bộ phận chuyên môn tiến hành điều tra thường xuyên và cung cấp thông tin kịp thời.

TP cũng cần quy định trách nhiệm của các công trình san lấp mặt bằng trong việc kiểm soát sự lan tràn của cây mai dương. Phải tiêu diệt ngay từ khi cây con mới xuất hiện thì mới mong trấn áp được cây mai dương. Chủ trì việc này là Sở NN-PTNT và cần có sự hiệp lực của người dân và chính quyền địa phương.

Loài cây xâm hại nguy hiểm nhất thế giới

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện hiện đang làm cố vấn cho dự án “Phục hồi sinh cảnh đất ngập nước Đồng Tháp Mười tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp” do Quỹ Bảo vệ Động vật hoang dã (WWF) tài trợ.

Ông cho biết mai dương xuất hiện ở Đồng Tháp từ năm 1989 và Vườn Quốc gia Tràm Chim cũng chịu sự tấn công dữ dội của loài cây này. Bắt nguồn từ Trung Mỹ, cây mai dương càng sinh sôi nảy nở, các loài thực vật bản địa càng mất đất sống, ảnh hưởng đến hệ sinh thái toàn vùng. Do thân cây cứng nên rất khó chặt bỏ. Nếu dùng lửa đốt lại càng nguy hiểm hơn vì hạt cháy khô rơi xuống lại “bùng” lên một rừng mai dương mới.

Cũng theo ông Thiện, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (IUCN) xếp mai dương vào một trong 100 loài ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất thế giới.

M.Nhung

5 triệu USD để tiêu diệt cây mai dương

Theo nghiên cứu của thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Thi, giảng viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, riêng Vườn Quốc gia Kakadu (Úc) trong 12 năm đã tiêu tốn 5 triệu USD để diệt 80.000 ha cây mai dương bằng hóa chất và tốn 400.000 USD/năm để thuê người diệt mai dương trong 1.950 km2 đất ngập nước của vườn.

Ở Việt Nam, các vườn quốc gia đang đối mặt với những khoảng chi lớn nếu muốn bảo tồn sự đa dạng sinh học. Ngoài Vườn Quốc gia Tràm Chim, vườn quốc gia Cát Tiên cũng bị cây mai dương xâm hại nặng nề.

N.P

Theo  Như Phú / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.