'Nghìn lẻ một đêm' du ký: Chơi đêm ở Mashhad

16/08/2019 08:14 GMT+7

Torghabeh là địa chỉ đỏ, nơi những cô gái Iran ở Mashhad có thể thỏa chí cầm ống hút shisha phì phèo nhả khói, nơi không có khái niệm thời gian với những cuộc vui thâu đêm suốt sáng.

Những ngày sống ở Mashhad, hình ảnh từng nhóm phụ nữ Ba Tư lầm lũi trong bộ cánh đen che từ chân đến đỉnh đầu vào đền thiêng Imam Reza cầu nguyện đã trở thành quen thuộc với tôi. Nhưng ở nhà hàng, khu vui chơi công cộng, bóng dáng phụ nữ thật hiếm hoi.
Nhớ lại sắc luật không cho nữ giới xem bóng đá kể từ năm 1979, phải mất 40 năm sau rất nhiều đấu tranh, tháng 6.2018, nữ giới mới được vào sân vận động, xem bóng đá qua màn hình (sân Azadi, Tehran) nhờ lệnh “cởi trói” của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, chỉ đúng một giờ trước khi tuyển Iran gặp Tây Ban Nha trong khuôn khổ World Cup. 
Thế nên khi nghe chuyện ở ngoại ô Mashhad có những khu vực vui chơi thâu đêm, mở cửa tự do cho cả nam và nữ, khiến tôi thực sự tò mò.
Rasol bên cần shisha trong phố chơi đêm ở Torghabeh

Rasol bên cần shisha trong phố chơi đêm ở Torghabeh

Săn món ăn đêm
Những sầm uất, náo nhiệt cả ngày và đêm quanh khu đền Imam Reza chủ yếu để tiện cho khách hành hương nguyện cầu và mua sắm. “Hàng quán quanh khu vực trung tâm vừa đắt, vừa dở, chủ yếu là đồ... hợp chủng quốc dành cho khách du lịch. Muốn đặc sản phải đi chỗ khác”, dân bản xứ cho biết.
Phụ nữ hút shisha chốn trà khuya ở Torghabeh

Phụ nữ hút shisha chốn trà khuya ở Torghabeh

Người bạn dẫn đường Morteza cũng là tay chơi đêm có hạng ở Mashhad nên khi nghe tôi muốn khám phá thế giới đêm, anh nhiệt tình dẫn đường. Morteza mượn được chiếc xe máy CG125 nhập khẩu từ Ấn, máy mạnh và không nón bảo hiểm. Anh bảo sẽ dẫn tôi đến khu nhà cổ Baba Ghodrat Caravansary, được vua Ali Shah (1797 - 1834) xây dùng phục vụ khách hành hương đền Imam Reza. Khu nhà cổ giờ là nhà hàng đặc sản với các món nướng trứ danh Shishlik và bánh bột nướng than hồng trong lò bầu đặc trưng kiểu Ba Tư.
Đường sá Mashhad thênh thang, xe cộ ít nên di chuyển thật dễ chịu. Hơn 9 giờ tối mà trời vẫn còn mờ mờ sáng, đang hào hứng với con chiến mã CG125 thì bị hết xăng giữa đường. Thấy tôi lo lắng, Morteza trấn an: “Đừng lo, đứng trông xe hộ tôi một chút”. Nói rồi anh chạy ngay vào nhà bên đường, bấm chuông. Chủ nhà hé cửa, sau vài câu trao đổi Morteza chui tọt vào trong, lát sau đi ra cười tươi rói với chai xăng 1,5 lít đầy nhóc. Họ bán xăng à? Tôi hỏi. Morteza lại cười vẻ đắc chí: “Ai mà mua, xin đấy chứ. Ở đây xin nước mới khó, xăng thì đầy”. Hóa ra tôi quên mất mình đang ở trong một đất nước có giá xăng thuộc vào hạng rẻ nhất thế giới.
Một góc quán tấp nập khách uống trà khuya hút shisha lúc nửa đêm

Một góc quán tấp nập khách uống trà khuya hút shisha lúc nửa đêm

Ở khu Baba Ghodrat, tiệm ăn gợi lại cả tuổi thơ nhiều thế hệ cư dân Mashhad là một tiệm chuyên bán nội tạng nướng Jigari, ở góc đường Sanaee và vòng xoay Saheb al Zaman.
Đến quán Jigari đã gần 11 giờ khuya, đường vắng vẻ nhưng tiệm vẫn nườm nượp người. Morteza kể lại thời những năm 1980 khi cuộc sống khó khăn, được thưởng một bữa thịt nướng ở Jigari là mơ ước của nhiều trẻ con bấy giờ. Thịt ở đây có gan cừu, tim gà, mỡ cừu... tất cả được để mộc nướng trên than hồng, chấm ăn với sữa chua lên men nặng và uống cùng nước có gas không cồn. Món này dễ ăn, bởi không qua tẩm ướp hương liệu nặng mùi như những dòng ẩm thực Iran khác.
Mahdi, ông chủ quán, cho biết đã bán thịt nướng ở đây... 62 năm. Mahdi có hàng ria kẽm rậm rạp, trẻ nhiều so với tuổi và rất khoái chụp hình. Mỗi lần tôi đưa máy, Mahdi lại nhấm nhấm tay vào miệng rồi vuốt lên đôi ria con kiến để tạo dáng cho ria đẹp. Kết thúc bữa ăn đêm giản đơn mà ngon quên sầu, nhìn lên đồng hồ chỉ gần 2 giờ sáng. Liệu Mashhad có còn chỗ chơi khuya?
Mâm trà khuya dành cho 5 người chưa đầy 100.000 đồng tiền Việt

Mâm trà khuya dành cho 5 người chưa đầy 100.000 đồng tiền Việt

Đi uống trà khuya

Bia rượu là thứ cấm tiệt ở xứ Hồi giáo như Ba Tư, thế nên thú chơi đêm không hơi men cũng là một trải nghiệm... xa xỉ nếu so với quê nhà. Để cuộc vui đêm dài hơi hơn sau phần “thực” căng bụng, Morteza chuyển đề tài qua “ẩm”. Điểm chơi đêm ở cách trung tâm Mashhad gần 1 giờ xe chạy, có tên là Torghabeh.
Hẹn hò nơi một quán shisha, đội hình chơi đêm hôm ấy tính cả tôi là năm người. Bước qua cánh cổng khép hờ, rồi khoảng sân rộng có mái vòm duyên dáng, tôi bất ngờ đến giựt mình vì không nghĩ vào giấc khuya này, lại có một không gian đón khách rộng và đông vui đến vậy. Dọc theo chiều dài khu đất là dãy nhà áng chừng hơn 50 ô chia đều, đối xứng nhau, mỗi ô được trải thảm, khách uống trà ngồi kín hết chỗ.
Phải đợi hơn 15 phút, cả nhóm chơi đêm mới có chỗ an vị. Nhân viên phục vụ trên tay là mâm trà, vài loại trái cây khô, cùng một bầu shisha phối hương giữa hoa hồng và táo. Cả mâm trà nửa đêm cho 5 người, hỏi giá chỉ có 50.000 rial (chưa đầy 100.000 đồng). Rít từng hơi shisha rồi nhả khói đầy sảng khoái, Morteza bảo nếu cũng với nhiêu đây thứ, nhưng ở chỗ bình dân giá còn rẻ hơn nữa. Trong khi ở Dubai, một mâm trà và không gian hút shisha như thế dành cho hai người, nhẹ cũng mất trên 150 dirham (khoảng 1 triệu đồng).
Điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả, là đến Torghabeh mới thấy phụ nữ Iran xuất hiện nhiều ở chốn công cộng. Quán trà khi ấy cũng đầy khách nữ, họ ngồi vui vẻ quây quần, trò chuyện cùng những người đàn ông, thỉnh thoảng vít cần shisha, rít dài hơi rồi nhả khói đầy điệu nghệ.
Rasol, anh bạn cùng thưởng trà đêm ấy, rất thích chí khi nhìn các cô gái Iran hút shisha, anh bảo: “Những người sống hoặc đến chơi đêm ở khu Torghabeh, đa phần làm việc hoặc từng có thời gian ở nước ngoài nên cách sống, cách thể hiện của họ cũng cởi mở hơn so với lối tư duy truyền thống. Các cô gái đến đây cũng vậy, họ không e ngại hay rụt rè. Cứ nhìn cách họ hút shisha, cách ngồi nói chuyện vui đùa cùng nam giới lại ở khung giờ khuya thế này, trước đây không có chuyện đó đâu”.
Những hà khắc của luật lệ của định kiến với phụ nữ xứ Ba Tư, đang có nhiều biến chuyển tích cực. Chuyến lang thang Mashhad với những trải nghiệm gần gũi đời thường, mở ra cho tôi nhiều suy nghĩ khác với hình dung ban đầu về một đất nước đang trong thời kỳ cấm vận.
Đường từ Mashhad về lại Dubai, khi lên máy bay, những cô gái Ba Tư cùng chuyến vẫn trang phục truyền thống, trùm che kỹ lưỡng, nhưng khi máy bay hạ dần độ cao, không ít người trong số họ bỏ khăn trùm đầu, xõa tóc ngang vai, để lưng trần quá nửa với nội y lấp ló được che bởi mái tóc bồng bềnh, đầy quyến rũ. Vòng kềm tỏa, cùng những dồn nén như được bung ra, để thấy ở đó một góc riêng Iran rất khác.

Bất bình đẳng giới

Phụ nữ chịu những khắt khe, dễ thấy nhất là phải tuân thủ ăn mặc nghiêm ngặt. Phụ nữ không được phép xuất hiện trước công chúng với đàn ông không phải là chồng hoặc có quan hệ họ hàng thân thích.
Luật gia đình dành nhiều lợi thế cho nam giới trong đó có vấn đề đa thê. Phụ nữ ly dị chồng mà không có sự đồng ý của chồng là điều hiếm xảy ra, và khi đã ly hôn, phụ nữ cũng gần như mất luôn quyền nuôi con. Ở các vùng quê phụ nữ ngoại tình thậm chí có thể bị phạt bằng ném đá đến chết.
Một trong số ít những phụ nữ đi đầu ở Iran trong phong trào nữ quyền là Faezeh Rafsanć, bà là thành viên Quốc hội, là học giả, làm mẹ, chủ bút một tạp chí và là tay đua ngựa Olympic. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.