Người cộng sản ở Xứ Dừa: Giữ trọn tin yêu

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
22/02/2021 07:00 GMT+7

Dù ở cương vị hay thời điểm nào, ông Trương Vĩnh Trọng vẫn luôn giữ trọn tin yêu với người dân, với đồng đội...

Giải oan cho cán bộ

Tháng 7.1996, ông Phạm Chánh Trực (tức Năm Nghị) đang là Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM thì T.Ư điều ra Hà Nội làm Phó trưởng ban Kinh tế. Là cán bộ đảng viên, ông Trực chấp hành phân công của tổ chức nhưng trong lòng rất phân vân. Tìm hiểu ra mới biết, năm 1972 ông vượt ngục trở về chiến đấu, nhưng có người nghi vấn không phải vậy, đồn đại ra tận T.Ư, nên Bộ Chính trị phải cử cơ quan kiểm tra Đảng làm rõ.

Rất đông đoàn khách đăng ký viếng nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng

“Việc tôi bị địch bắt vào tù và vượt ngục đã được xác minh từ thời ông Mai Chí Thọ làm Bí thư Thành ủy TP.HCM. Câu chuyện rõ ràng như vậy nhưng giờ cơ sở, đồng đội người còn người mất, phải đi tìm hiểu từng người, tôi thấy rất ngại, giống như bị xúc phạm lòng tự trọng, sự trung thành của mình”, ông Trực nhớ lại và kể: Thời điểm này, ông Trương Vĩnh Trọng (Hai Nghĩa) là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư (phụ trách phía nam) được giao xác minh vụ việc của ông. Lần đầu gặp gỡ, ông Trọng rất cởi mở, chân tình xin ghi lại tên, địa chỉ của các cơ sở liên quan đến quá trình ông Trực vượt ngục. Sau đó, ông Trọng trực tiếp đi xác minh, không chỉ ở gia đình mà còn lần mò khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây. Để củng cố tư liệu, ông Trọng còn cho cán bộ đi lại thêm nhiều lần nữa xác minh thông tin.
“Quá trình xác minh, cũng có nhiều thông tin trái chiều ghê gớm, anh Trọng phải suy nghĩ cân nhắc. Có đưa ra tập thể trao đổi, nhưng anh là người cuối cùng đề xuất ý kiến, đưa ra cái đúng cái sai”, ông Phạm Chánh Trực cho biết và thở phào: “Hơn 3 năm sau, Ủy ban Kiểm tra T.Ư ra kết luận: Việc ở tù và vượt ngục là đúng sự thật. Anh Trương Vĩnh Trọng đã lấy lại sự trong sạch cho tôi và tôi thực sự an tâm”.
Nhiều cán bộ Ủy ban Kiểm tra T.Ư và Thành ủy TP.HCM vẫn nhớ: Ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Thường vụ Q.6, bị khai trừ khỏi Đảng do đã “phản bội, làm việc cho chính quyền cũ”. Mặc dù kêu oan khắp nơi, nhưng kiểm tra hồ sơ không đủ chứng cứ minh oan, nên vụ việc kéo dài, chuyển đi chuyển lại từ cấp này sang cấp khác. Nhận đơn, ông Trương Vĩnh Trọng nhận định: “Phải bị oan mới kiên trì như vậy” và dành nhiều thời gian đọc hồ sơ, tìm tài liệu trong hệ thống tàng thư của chế độ cũ. Cuối cùng, ông phát hiện ra bản gốc danh sách những người làm việc cho cảnh sát Việt Nam Cộng hòa không có tên ông Nguyễn Văn Thắng, nhưng bản sao sau này, ai đó lại thêm tên ông Thắng. Dù được minh oan, nhưng ông Thắng vẫn không được phục hồi sinh hoạt Đảng. Rút cục, ông Trương Vĩnh Trọng lại phải đôn đốc các cơ quan liên quan, thực hiện nghiêm kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư.

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng từ trần

Bó hoa của bà Ký

Tháng 4.2001, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, ông Trương Vĩnh Trọng được bầu lại làm Ủy viên T.Ư Đảng, được Ban Chấp hành T.Ư Đảng bầu vào Ban Bí thư, phân công giữ chức Trưởng ban Nội chính T.Ư.
Ông Vũ Minh, nguyên Phó vụ trưởng, Văn phòng T.Ư Đảng, nhớ lại quá trình ông Trương Vĩnh Trọng xử lý vụ “cả chục năm đòi chế độ cho chồng” liên quan bà Nguyễn Thị Ký (P.Bắc Hà, TP.Hà Tĩnh). Chuyện là, bà Ký ra Hà Nội ăn nằm cả chục năm, khiếu nại việc chồng bà - ông Hồ Bá Khuông, không được nhận tiền trợ cấp thương binh. Tìm hiểu mới biết, ông Khuông còn có tên là Hồ Khương (họ và tên trong hồ sơ làm chế độ thương binh); Sở Tư pháp Hà Tĩnh sẵn sàng đổi lại giấy tờ tùy thân cho thống nhất để ông có thể nhận được chế độ thương binh và hưu trí. Tuy nhiên, giấy tờ gốc của ông Khuông đều do bà Ký mang ra Hà Nội và nhất định không mang về.
Đang trong quá trình đó thì bà Ký bị ốm nặng, phải vào phẫu thuật tại Bệnh viện Xanh Pôn. Biết tin, ông Trương Vĩnh Trọng và cán bộ cảnh vệ vào tận giường bệnh thăm hỏi, động viên. Ông cũng bỏ tiền túi ra đóng viện phí cho bà Ký và đề nghị bệnh viện làm hết sức để cứu sống bà. Khỏi bệnh xuất viện, bà Ký thu dọn hết đồ đạc vốn “cố thủ” ở số 1 Mai Xuân Thưởng (trụ sở tiếp công dân của T.Ư Đảng và Nhà nước), mang giấy tờ về quê làm chế độ cho chồng. Trước khi lên tàu, bà mua bó hoa mang đến tận nhà công vụ của ông Trương Vĩnh Trọng, khóc: “Tôi là người đi kiện hơn 10 năm. Nay tôi không mang đơn, mà chỉ mang bó hoa để cảm ơn người cứu mạng mình”...
Trong hồi ức của mình, cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu kể: Những lần gặp nhau, anh Trọng thường tâm sự nỗi lòng của người phụ trách lĩnh vực khiếu nại, tố cáo. Theo anh, bà con đi khiếu nại tố cáo, không phải ai cũng sai. Có điều, do điều kiện lịch sử, ta chưa giải quyết được. Bà con ta không xấu, nếu xấu thì trong chiến tranh làm gì có phong trào “xe chưa qua, nhà không tiếc”. Ta phải thấy, cũng những người dân ấy, nay chỉ cần phân phối thiếu 1 mét vải, họ cũng kiện. Phải chăng, chính sách của ta vẫn chưa “thấu lý đạt tình”...

Chậu hoa nghĩa tình

Tháng 7.2011, nhận quyết định nghỉ hưu hôm trước, hôm sau ông Trương Vĩnh Trọng gọi ngay cán bộ hành chính - quản trị đến làm thủ tục trả căn nhà công vụ ở số 11 Chùa Một Cột (Ba Đình, TP.Hà Nội). Những vật dụng tự mua sắm, phần thì cho tặng anh em phục vụ, số còn lại ông nhờ anh em của một đơn vị Bến Tre ra công tác, bốc lên chiếc xe tải, thuê chở từ Hà Nội về căn nhà ở Bến Tre.
“Hôm trước nhận quyết định nghỉ, hôm sau ổng dọn đồ ngay nên cơ quan chẳng kịp sang giúp. Vợ chồng bay vô TP.HCM, ở lại với con cháu 1 đêm, sáng hôm sau ổng hối về ngay Bến Tre chờ đồ chuyển vào, sắp xếp lại nhà cửa và hít hà: Từ giờ, chính thức tôi với bà là vợ chồng ở bên nhau. Tôi làm vườn, bà làm nội trợ”, bà Hồ Công Cẩn, vợ ông Trương Vĩnh Trọng, kể.
Khoảnh đất rộng 5.000 m2 được ông bà mua từ năm 1983 (khi ông còn công tác ở huyện) và qua gần 30 năm rửa mặn..., tới lúc ông nghỉ hưu mới thành hình khu vườn vuông vức, mương nước chia lô từng loại cây trái, rau củ.
Từ sáng sớm đến tối mịt, nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đội mũ vải rộng vành, áo công nhân dài tay che nắng, quần xà lỏn và… chân đất, cặm cụi cuốc đất, trồng cây, tỉa cành, bơm nước. Cây trong vườn nhà, nhiều nhất là bưởi da xanh, toàn giống Chợ Lách (Bến Tre), Bến Cát (Bình Dương); sau đến cam sành, bơ và xanh mướt rau cải, muống, khoai lang chen lẫn hành ngò, gừng, ớt, rau thơm…Rau quả thu hoạch, ông bà mang sang tặng chùa Lương Thuận và cho bà con lối xóm. Cuối năm, ông trồng cả trăm chậu cúc vạn thọ để gần tết biếu mỗi gia đình trong xóm 2 chậu “trưng cho đẹp, đỡ phải đi mua”…
Hôm nay (22.2), ông nằm ngủ giấc dài bên những anh em đồng đội ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bến Tre. Những đóa hoa trong vườn vẫn lặng lẽ tỏa hương thơm. Hương thơm tình nghĩa, trọn vẹn và đủ đầy, của một người cộng sản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.