Người đang sống bỗng dưng bị…khai tử

15/12/2015 19:00 GMT+7

Một người phụ nữ khuyết tật đang sinh sống ở Cát Bà (TP.Hải Phòng) bỗng dưng nhận được… giấy chứng tử và phát hiện bộ hồ sơ khống mang tên mình để lấy tiền trợ cấp.

Một người phụ nữ khuyết tật đang sinh sống ở Cát Bà (TP.Hải Phòng) bỗng dưng nhận được… giấy chứng tử và phát hiện bộ hồ sơ khống mang tên mình để lấy tiền trợ cấp.

Bà Nguyên phát hiện ra bỗng dưng mình bị khai tử - Ảnh: Thành TríBà Nguyên phát hiện ra bỗng dưng mình bị khai tử - Ảnh: Thành Trí
Với lý do bị ốm chết, giấy chứng tử bản sao mang tên bà Phạm Thị Nguyên, 65 tuổi, được làm vào ngày 25.11.2014 tại quê nhà là xã Đại Hợp, H.Kiến Thụy. Văn bản này do bà Phạm Thị Thúy, Chủ tịch UBND xã Đại Hợp ký và đóng dấu. “Khắp làng trên xóm dưới xôn xao chuyện tôi bị “chết”. Nhiều người nghe tin còn đến nhà mấy đứa em tôi hỏi thăm, “chia buồn” thì gia đình tôi mới biết chuyện, gọi điện báo cho tôi”, bà Nguyên nói.
Bà Nguyên là người khuyết tật nặng, chuyển ra Cát Bà ở từ năm 1997 nên không còn liên quan đến mọi thủ tục, chính sách ở xã Đại Hợp. Khi tìm hiểu về tờ giấy chứng tử, bà bất ngờ biết mình có chế độ trợ cấp hàng tháng dành cho người khuyết tật từ năm 2006, ở xã này. Hồ sơ xét hưởng trợ cấp xã hội của bà Nguyên có chữ ký của bà Phạm Thị Tờ, em ruột bà Nguyên. Tuy nhiên, khi xem các loại văn bản này, bà Tờ khẳng định: “Tôi chưa hề ký vào những tờ giấy này. Nhìn nét chữ là biết đã có người giả mạo tôi ký”.
Với hồ sơ này, từ năm 2013 cho đến khi “chết”, số tiền chi trả hàng tháng cho bà Nguyên là 360.000 đồng. Theo bà Nguyên, đã có người lập khống hồ sơ để “ăn” tiền trợ cấp và lập giấy chứng tử là cách để “chốt hạ” sai phạm này. Trong đơn gửi đến các cơ quan chức năng, bà Nguyên cho biết, ông Phạm Bình Thủy, nguyên Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Đại Hợp đã từng đến gặp bà nói rằng sẽ làm bảo hiểm hỗ trợ cho bà nhưng sau đó không thấy gì.
Lập khống giấy chứng tử
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Phạm Thị Thúy, Chủ tịch UBND xã Đại Hợp thừa nhận đã ký vào giấy chứng tử này. “Tôi đã không xác minh kỹ lưỡng mà tin tưởng vào cấp dưới đưa lên là ký”, bà Thúy nói. Trong khi đó, ông Hoàng Văn Đông, cán bộ tư pháp xã Đại Hợp khẳng định nét chữ trên tờ giấy chứng tử không phải là của mình. 
Ông Đông nói: “Đã có người tự ý lập khống giấy chứng tử này vì kiểm tra sổ lưu trữ giấy chứng tử của xã Đại Hợp thì không có thông tin nào về bà Nguyên. Hơn nữa, giấy chứng tử bản sao có thể lên mạng lấy xuống rồi điền thông tin rất dễ dàng”.
Khi tìm hiểu về việc ai đã nhận tiền trợ cấp hàng tháng của bà Nguyên, chúng tôi được Bà Hoàng Thị Tuyết, cán bộ chính sách xã hội xã Đại Hợp cho biết, chính ông Phạm Bình Thủy là người đã thụ hưởng và viết giấy chứng tử để hoàn tất thủ tục cắt trợ cấp xã hội cho bà Nguyên. 
“Ông Thủy nói bà Nguyên là bác ruột, bị ốm không đi lại được nên nhờ ông ấy nhận tiền trợ cấp giúp. Ông ấy là cấp trên nên tôi cũng không nghi ngờ gì cả”, bà Tuyết trần tình. Khi PV hỏi ông Thủy về vụ việc này thì ông Thủy nói “không nhớ gì cả” và từ chối trả lời.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Bùi Đức Thảo, Chủ tịch UBND H.Kiến Thụy cho biết, đây là việc kéo dài trong nhiều năm nên đã lập đoàn thanh tra xuống cơ sở để làm rõ và sẽ có báo cáo cụ thể. “Sau vụ việc này, UBND huyện sẽ chỉ đạo rà soát các trường hợp hưởng chế độ trợ cấp xã hội trên địa bàn toàn huyện chứ không riêng gì xã Đại Hợp. Nếu xảy ra những trường hợp sai phạm tương tự, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”, ông Thảo nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.