>> Mai Thanh Hải

“Bố con tôi chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển Tổ quốc như bao người khác, có gì đặc biệt đâu mà viết”, đại tá phi công cấp 1 Nguyễn Ngọc Hiển nói vậy, khiến tôi càng tò mò. Tìm hiểu mới biết: Ông đã có thâm niên hơn 30 năm bay phản lực, trong đó 30 năm bay tiêm kích bom Su-22M4 bảo vệ Trường Sa, vùng biển phía nam.

Đại tá Nguyễn Ngọc Hiển (giữa) trao đổi kinh nghiệm bay biên đội với con trai cả Nguyễn Phi Long (phải), Nguyễn Long Phi (trái).

53 tuổi, đại tá Hiển điềm đạm trong từng câu chuyện, đúng tác phong quân sự. Anh Hiển sinh ra, lớn lên ở Chân Mộng (Đoan Hùng, Phú Thọ). Bố là liệt sĩ Nguyễn Ngọc Bích, hy sinh tại chiến trường Campuchia năm 1979.

Đầu năm 1979, Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh xâm lược ở các tỉnh biên giới phía bắc nước ta. Để tạo nguồn phi công cho quân đội, một lớp dự bị bay đặc biệt được thành lập với sự tuyển chọn kỹ lưỡng từ các địa phương. 124 cậu bé tuổi từ 13 - 15 được chuyến bay C-130 chở từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội) vào Trà Nóc (Cần Thơ) tham gia lớp học mang tên Dự bị bay C6. “Vào trường chỉ học văn hóa và ăn ngủ, mọi sinh hoạt đều theo sự hướng dẫn của tiểu đội trưởng. Lớp học sau này chuyển ra trường chính ngoài Mai Lĩnh, Hà Tây (nay thuộc Q.Hà Đông, Hà Nội)”, đại tá Hiển nhớ lại: “Đây là lớp thiếu sinh quân đầu tiên và duy nhất của Không quân VN. Sau này không mở thêm nữa vì sau thời gian học tập rèn luyện, chính thức khám tuyển vào phi công, nhiều người không đủ tiêu chuẩn và đến nay chỉ còn 7 người lái máy bay”.

Riêng với học viên Nguyễn Ngọc Hiển, đủ tiêu chuẩn vào học khóa 3, L39 - Mig-21 Trường sĩ quan chỉ huy - kỹ thuật không quân (nay là Trường sĩ quan không quân), đóng tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa). Tốt nghiệp với quân hàm thiếu úy, phi công Hiển nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn không quân 929 (Sư đoàn 372) đóng tại TP.Đà Nẵng và lái tiêm kích Mig-21, bảo vệ vùng trời miền Trung của Tổ quốc.

Đại tá Nguyễn Ngọc Hiển, Trung đoàn trưởng 937 (đứng giữa) quán triệt mệnh lệnh chiến đấu trong diễn tập thực binh NT-14, năm 2014 (ẢNH: TƯ LIỆU TRUNG ĐOÀN 937)

Đầu tháng 4.1988, Trung Quốc đánh chiếm một số đảo của VN ở quần đảo Trường Sa. Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ngày càng phức tạp và quyết liệt, tiềm ẩn nguy cơ xung đột vũ trang với hậu quả khó lường. Thực hiện chủ trương “tăng cường sức mạnh quân sự cho hướng Biển Đông, bảo vệ Trường Sa, khu vực đặc quyền kinh tế biển và dầu khí phía nam”, đầu tháng 6.1988 Quân chủng Không quân (nay là Quân chủng Phòng không - Không quân) cơ động 2 biên đội Su-22 của Trung đoàn 923 vào sân bay Phan Rang.

Trong hai ngày 24 và 28.6.1988, biên đội Su-22 thực hiện chuyến bay đầu tiên của không quân chiến đấu ra đảo Trường Sa và đảo Phan Vinh. Cuối tháng 6.1988, quân chủng điều tiếp hàng chục máy bay Su-22 từ sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) vào Phan Rang làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu trên hướng Biển Đông. Đặc biệt, trước yêu cầu bức thiết của tình hình, cuối tháng 5.1988, trung tướng Đỗ Văn Đức, Phó tổng tham mưu trưởng đã ký quyết định giao quân chủng khôi phục phiên hiệu Trung đoàn không quân 937, trực thuộc Sư đoàn không quân 372 và đóng quân tại sân bay Phan Rang. Ngày 25.11.1988, lễ công bố chính thức diễn ra.

Đại tá phi công Nguyễn Ngọc Hiển (trái) và đại tá phi công Trần Trọng Tuyến, Chính ủy sư đoàn 370 (phải) tại sân bay quân sự Biên Hòa.

Ít ai biết, trước khi Trung đoàn 937 được thành lập, quân chủng đã chọn 20 phi công và 60 cán bộ kỹ thuật sang Liên Xô chuyển loại sử dụng tiêm kích bom Su-22M4. Trung úy Hiển nằm trong số này.

“Su-22M4 là tiêm kích bom hiện đại thời bấy giờ, vượt bậc so với Mig-21 và Su-22 thường, nên chúng tôi phải học trong hơn 1 năm trời. Giữa năm 1989 mới hoàn thành. Ai cũng tập trung học ngày học đêm để mong về sớm làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, bởi cuối năm 1988, chuyến hàng viện trợ đầu tiên của Liên Xô gồm 4 máy bay Su-22M4 đã cập cảng Đà Nẵng, được sư đoàn tổ chức tiếp nhận, lắp ráp chờ chúng tôi về bay”.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN, khẳng định: “Đại tá phi công Nguyễn Ngọc Hiển là một trong những phi công bay Su-22M4 giỏi nhất của Không quân VN. Cách đây 30 năm (1988) tôi vinh dự được cùng tổ bay chuyển loại tiêm kích Su-22M4 ở Trường Không quân Krasnodar (Liên Xô) với trung úy Hiển.

Đầu tháng 3.1989, Trung đoàn 937 tiếp nhận 4 chiếc Su-22M4 đầu tiên về sân bay Phan Rang làm nhiệm vụ. Từ tháng 4 - 12.1989, quân chủng không quân tổ chức tiếp nhận, lắp ráp và bay thử toàn bộ gần 40 chiếc Su-22M4, huấn luyện USu-22M4 và sân bay Phan Rang trở thành căn cứ huấn luyện làm chủ vũ khí trang bị, bay biển đảo... dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Liên Xô. Ngày 19.10.1989, biên đội 2 chiếc Su-22M4 với 2 phi công Vũ Kim Điến, Nguyễn Văn Thận đã lần đầu tiên cất cánh từ sân bay Phan Rang ra tuần tiễu trên quần đảo Trường Sa, đánh dấu khả năng tác chiến của Không quân nhân dân VN trên biển xa, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Thời điểm từ cuối 1989, phi công Nguyễn Ngọc Hiển thường xuyên bay tuần tiễu Trường Sa cùng đồng đội. "Phi công bay biển nói chung và bay Trường Sa nói riêng, không chỉ giỏi chuyên môn mà phải có tâm lý cực vững vàng. Bay đất liền còn phân biệt được đất và trời, nhưng bay biển thì trời và biển đều giống nhau", đại tá Hiển nói và giải thích: Thời tiết ở biển rất thất thường, khi ra rất tốt nhưng khi quay về gặp giông gió, mây mù bất thường là chuyện thường tình. Nguy hiểm nhất là cảm giác sai trong định vị không gian, nhìn biển cứ nghĩ là trời và... lao thẳng xuống. Nhiều phi công, nhất là phi công trẻ còn mắc cảm giác cô đơn khi bay liên tục vài tiếng đồng hồ mà không thấy vật chuẩn, không có nhiều đài dẫn đường... “Từ đất liền ra Trường Sa, có khi chỉ 1 - 2 đài dẫn, trong khi bay đất liền thì đến đâu cũng có anh em các đài trạm nói bên tai. Ở Trường Sa, chỉ cần đi lệch 10 km là sang khu vực khác”, đại tá Hiển nhấn mạnh.

Trong phòng làm việc của đại tá Hiển tại Sư đoàn 370 có 2 kỷ vật được ông trân trọng lưu giữ, đó là chiếc đồng hồ Poljot mặt sau khắc chữ “Phi công Trường Sa” và tấm huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa”. Nghe tôi hỏi, ông cười: “Đồng hồ được tặng sau 26 năm bay Trường Sa, huy hiệu là chuyến thăm, làm việc tại 11 đảo Trường Sa theo tàu hải quân năm 2009” và bảo: “Nếu cứ bay được tặng 1 huy hiệu thì chắc nhận… cả thùng”. (còn tiếp)

Đồ họa: Lâm Nhựt |  Ảnh: Hải An

Báo Thanh Niên
12.11.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.