Nhà nước sẽ bồi thường nếu chậm thực hiện quy hoạch

13/06/2014 15:20 GMT+7

(TNO) Tại cuộc họp vào sáng nay 13.6 của UBND TP.HCM với lãnh đạo các sở ngành và 24 quận, huyện trên địa bàn, lãnh đạo thành phố đã thống nhất nhiều nội dung liên quan đến vấn đề nhà đất của người dân.

(TNO) Tại cuộc họp vào sáng nay 13.6 của UBND TP.HCM với lãnh đạo các sở ngành và 24 quận, huyện trên địa bàn, lãnh đạo thành phố đã thống nhất nhiều nội dung liên quan đến vấn đề nhà đất của người dân.

Chủ trương mới của TP.HCM tháo gỡ vướng mắc về nhà đất
Nhà ở hiện hữu thuộc hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch sẽ được cấp phép sửa chữa - Ảnh: Đình Sơn

Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín khẳng định quan điểm xử lý của UBND TP.HCM đối với những dự án chưa có quyết định thu hồi đất, thì tất cả các quyền lợi về nhà đất của dân phải được đảm bảo theo đúng quy định pháp luật; đất có quy hoạch nhưng chưa tổ chức thực hiện thì được cấp giấy chứng nhận và được phép xây dựng mới.

Cụ thể, quy mô công trình được cấp phép xây dựng mới theo hiện trạng hoặc tối đa không quá 3 tầng (không kể tầng lửng tại tầng 1 và mái che cầu thang tại sân thượng nếu có).

Thời hạn sử dụng công trình, nhà ở riêng lẻ ghi trong giấy phép xây dựng là thời gian thực hiện quy hoạch theo kế hoạch thực hiện quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá 5 năm kể từ ngày 1.7.2013 hoặc kể từ ngày quy hoạch được công bố (đối với trường hợp quy hoạch được duyệt sau ngày 1.7.2013).

Nếu trong vòng 5 năm kể từ ngày công bố công khai quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2.000), nhà nước thu hồi đất để thực hiện quy hoạch thì không được bồi thường; sau 5 năm nhà nước mới thực hiện quy hoạch thì bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành.

Đối với nhà ở riêng lẻ có một phần hoặc toàn bộ diện tích nằm trong phạm vi quy hoạch lộ giới mở rộng của các tuyến đường, hẻm hiện hữu trong đô thị đã được phê duyệt và công bố nhưng chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền để thực hiện theo quy hoạch, thì cũng được xem xét cấp phép xây dựng…

Riêng đối với trường hợp nhà ở hiện hữu thuộc hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch (không áp dụng cho khu vực có nguy cơ sạt lở hay khu vực đã có dự án cải tạo, chỉnh trang) tồn tại trước thời điểm Quyết định số 150 của UBND TP.HCM ngày 9.6.2004 có hiệu lực thi hành: tính từ mép bờ cao vào 20 m chỉ được phép sửa chữa, cải tạo theo quy mô hiện trạng nhà cũ; trong phạm vi từ 20-50 m tính từ mép bờ cao thì được cấp phép sửa chữa, cải tạo theo quy mô hiện trạng nhà cũ hoặc được cấp phép xây dựng mới với quy mô 1 tầng.

“Bây giờ là phải nghiêm túc, khẩn trương”

Đó là yêu cầu của ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đối với lãnh đạo các sở ngành và 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố. 

Ông Tín nêu lại một phản ánh về nỗi khổ của người dân để lãnh đạo các sở ngành và 24 quận, huyện có thể đánh giá lại hiệu quả giải quyết, thực hiện chủ trương, chính sách đã đưa ra: “Nhà của tôi, đất của tôi mà xin xây không cho, xin sửa cũng không cho. Cứ nói là sắp giải tỏa làm đường nhưng dân chờ hoài vẫn không thấy làm đường gì cả”.

Theo ông Tín, có những quy định khi đưa ra thì tất cả đều đồng ý nhưng sau đó sở ngành, quận huyện thì không động đậy gì cả. “Nói thì ai cũng thông nhưng khi thực hiện thì bảo là bị vướng. Bây giờ là phải nghiêm túc, khẩn trương. Nếu người dân ở quận, huyện nào còn phàn nàn thì ủy ban xử lý trách nhiệm lãnh đạo quận, huyện đó”, ông Tín nói.

Đình Phú

>> Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín: Xử lý chuyện của dân đừng có quá cứng nhắc
>> Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín: Có gì mà phải chập chờn!
>> TP.HCM không thể quản lý kiểu 'hạch toán báo sổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.