Nhà vua Nhật Bản thích thú với những hiện vật ở bảo tàng sinh học

02/03/2017 20:45 GMT+7

Chiều nay 2.3, Nhà vua Nhật Bản Akihito đã thăm quan Bảo tàng Sinh học (Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) và kéo dài thời gian thăm quan tại đây gần gấp đôi so với dự kiến.

Theo TS Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Bảo tàng Sinh học, có lẽ do ấn tượng và rất quan tâm tới những hiện vật của Bảo tàng nên thời gian Nhà vua và Hoàng hậu dành chuyến thăm bảo tàng đã kéo dài gần gấp đôi dự kiến.
Cụ thể theo kế hoạch dự kiến ban đầu được Đại sứ quán Nhật Bản đặt ra là nhà vua và hoàng hậu thăm bảo tàng sẽ kéo dài khoảng 30 phút từ 15 giờ 40 đến khoảng 16 giờ 10. Tuy nhiên,  nhà vua và hoàng hậu đã dành hơn một giờ để thăm quan và trao đổi về các mẫu vật được trưng bày. Đến 16 giờ 40 hhà vua và hoàng hậu mới từ Bảo tàng lên xe trở về chuẩn bị cho hoạt động tiếp theo.
Trước đó để chuẩn bị cho chuyến thăm này, Bảo tàng Sinh học đã phải lựa chọn ra 18 mẫu vật từ tổng số hơn 100.000 mẫu gồm cả thực vật, động vật có xương sống, không xương sống và dựng một gian trưng bày riêng ở tầng 1 tòa nhà Đại học Tổng hợp cũ (19 Lê Thánh Tông).
“Bảo tàng có hơn 100.000 mẫu vật nhưng do yêu cầu thời gian hạn chế nên chúng tôi chỉ chọn ra những mẫu tiêu biểu, quý hiếm nhất trong đó có những loài nằm trong sách đỏ Việt Nam như báo Hoa mai, sơn dương, cá Anh vũ, kỳ đà hoa...để phục vụ chuyến thăm quan của nhà vua và hoàng hậu”, TS Nguyễn Thành Nam cho biết.
Nhà vua và Hoàng hậu nghe giới thiệu tại Bảo tàng Ảnh N.Thắng
Trong số những mẫu vật tiêu biểu này có mẫu cá bống trắng là tiêu bản paratype của do Hoàng thái tử (nay là Nhà vua Nhật Bản Akihito) tặng Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội năm 1976 và mẫu gà trống đuôi dài do hoàng tử Nhật bản Akishino tặng Bảo tàng hồi 8.2012 khi ông viếng thăm Việt Nam với tư cách cá nhân để nghiên cứu về gà hoang dã.
Trước đó vào những năm 70 của thế kỷ 20, Hoàng thái tử Akihito đã thực hiện luận án tiến sĩ nghiên cứu về cá ở miền Nam Việt Nam. Trong quá trình nghiên cứu ông đã thu được 9 mẫu vật của một loài cá bống trắng.
Qua nghiên cứu Hoàng thái tử Akihito và cộng sự là Katsusuke phát hiện đây là loài cá mới cho khoa học thế giới. Ông đã mô tả và đặt tên khoa học là Glosssogobius sparsipapillus và gửi tặng tiêu bản mẫu cá bống này cho Bảo tàng Động vật Trường ĐH học Tổng hợp Hà Nội (nay là Bảo tàng Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên).
Là người trực tiếp thuyết minh cho nhà vua và hoàng hậu thăm quan Bảo tàng, ông Nguyễn Thành Nam, cho biết, ông rất ấn tượng trước sự quan tâm và am hiểu sâu sắc của nhà vua cũng như hoàng hậu về các loài sinh vật cũng như công tác bảo tồn.
Khi TS Nguyễn Thành Nam giới thiệu cho Nhà vua về kỳ đà hoa, một loài nằm trong sách Đỏ Việt Nam, Nhà Vua bất ngờ đặt câu hỏi : “Trước đây nhiều nơi có ăn loài này, vậy ở Việt Nam có ăn không?”.
Trả lời câu hỏi này, TS Thành Nam cho biết trước đây cũng có chuyện đó nhưng sau khi được đưa vào sách Đỏ Việt Nam và Nhà nước có những quy định cấm, đi cùng chế tài nghiêm khắc thì việc săn bắt, giết thịt loài kỳ đà này đã được hạn chế.
Nhà vua và Hoàng hậu vẫy chào người dân Nhật Bản và Việt Nam chào đón trước ĐHKHTN Ảnh: N.Thắng
Một điểm thú vị khác khi nghe giới thiệu về mẫu gà trống đuôi dài do Hoàng tử Nhật bản Akishino tặng Bảo tàng hồi 8.2012, Nhà vua Akihito đã vui vẻ cho biết Hoàng tử Akishino đã bảo vệ học vị tiến sĩ ngành Điểu cẩm học.
Trong cuộc trao đổi sau đó của nhà vua và hoàng hậu với lãnh đạo ĐH Khoa học tự nhiên và Bảo tàng Sinh học, TS Nguyễn Thành Nam cho biết, nhà vua đã bày tỏ vui mừng và thích thú khi thăm lại mẫu vật mà ông đã gửi tặng Đại học Tổng hợp Hà Nội từ cách đây hơn 40 năm. Nhà vua và Hoàng hậu cũng đã cảm ơn Bảo tàng, ĐH Khoa học tự nhiên đã lưu giữ, bảo quản chu đáo mẫu vật này.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.