Nhận dạng tàu cá Trung Quốc - Kỳ 5: Phá rối thăm dò khảo sát dầu khí

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
31/08/2020 10:00 GMT+7

Với cán bộ công nhân làm công tác khai thăm dò dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, việc bị tàu cá dân binh Trung Quốc phá rối là chuyện 'thường ngày ở huyện'

Không chỉ áp sát các giàn khai thác, các tàu cá dân binh Trung Quốc này còn theo dõi, đeo dọa, khiêu khích các tàu khảo sát thăm dò của ta và thậm chí còn… cắt cáp khảo sát.

Các tàu hải giám Trung Quốc đe dọa, ngăn cản tàu Bình Minh 02 đang thực hiện khảo sát trong vùng biển Việt Nam, cách mũi Đại Lãnh 120 hải lý, ngày 26.5.2011.

Ảnh: Thục Linh

Ông Nguyễn Quang Bô, nguyên Phó tổng giám đốc công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (nay là Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí - PVEP) kể lại: "Từ tháng 3 đến đầu tháng 7.1993, PVEP thực hiện Chương trình thu nổ địa chấn đầu tiên nhằm đánh giá cấu trúc địa chất và tiềm năng dầu khí của khu vực bãi Tư Chính (TC-93). Chúng tôi thuê tàu khảo sát “M/V Akademik Gambursev” của Liên đoàn địa vật lý Viễn Đông (DMNG) thực hiện thu nổ thành công 9.500 km tuyến địa chấn... Quá trình thu nổ thực địa, nhiều tàu Trung Quốc lởn vởn và máy bay họ lượn trên đầu.

Cáp địa chấn của tàu Bình Minh 02 bị tàu cá dân binh Trung Quốc cắt ngày 30.11.2012 ở khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ.

Ảnh: Thục Linh

Năm 1995, PVEP tiếp tục tiến hành khảo sát địa chấn phương án TC-95 với gần 3.000 km tuyến (do tàu Zephyr của DMNG thu nổ, xử lý). Năm 1998, PVEP thu nổ phương án TC-98 với gần 4.000 km tuyến và kết hợp thu nổ khoảng 2.000 km lô 133 - 134. Năm 2006, thu nổ TC-06 gần 18.000 km tuyến, phục vụ chương trình nghiên cứu chung khu vực các lô 155-159.
Cũng năm 2006, PVEP được Bộ Ngoại giao ủy quyền ký hợp đồng với Liên đoàn địa vật lý Biển Bắc (SMNG) thuê tàu Polshkov khảo sát địa chấn, xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc cản phá quyết liệt, phải làm đi làm lại nhiều lần nhiều đợt, mãi 2008 mới xong.
“Từ rất lâu, ngành dầu khí chúng tôi đã lăn lộn tìm dầu ở bãi Tư Chính, thực hiện quyền chủ quyền trên thềm lục địa nên không ai có thể đe dọa, cản phá được”, ông Nguyễn Quang Bô khẳng định.

Tàu bảo vệ dầu khí của Việt Nam (trái) đuổi tàu hải giám Trung Quốc khỏi khu vực Bình Minh 02 đang khảo sát địa chấn

Ảnh: Mai Thanh Hải

Nhật ký trên tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 thuộc Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) còn ghi lại các lần bị tàu Trung Quốc đe dọa, ngăn cản và cắt cáp khảo sát:
  • Ngày 26.5.2011, khi đang thu nổ tại khu vực cách mũi Đại Lãnh 120 km, 3 tàu Trung Quốc chạy tốc độ cao lao vào, dùng thiết bị chuyên dụng sâu 30m dưới mặt biển và cắp cắt.
  • Ngày 30.11.2012, tàu Bình Minh 02 đang di chuyển ở khu vực cửa vịnh Bắc Bộ chuẩn bị khảo sát thì tàu cá dân binh Trung Quốc chạy phía sau cắt cáp địa chấn của tàu, cách phao đuôi khoảng 25 m.
  • Ngày 22.3.2017, tàu Bình Minh 02 đang hoạt động ở khu vực tiếp giáp giữa lô 120 và 143, cách đảo Lý Sơn 90 hải lý thì tàu hộ vệ tên lửa 545 của hạm đội Nam Hải tiếp cận, yêu cầu Bình Minh 02 rời khu vực. Do các tàu bảo vệ ngăn cản, tàu 545 tách ra xa và buổi chiều lại đột ngột lao vào gần, ra lệnh cho Bình Minh 02 “thu cáp và rời khu vực khảo sát”, buộc các tàu bảo vệ kiên quyết ngăn cản…

Kỹ sư và công nhân trên tàu Bình Minh 02 nối lại cáp, sau khi bị tàu cá dân binh Trung Quốc cắt, ngày 30.11.2012.

Thục Linh

Đối với các tàu Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ khảo sát dầu khí, việc ngăn cản các tàu Trung Quốc vào cắt cáp, thường diễn ra cách cả chục hải lý và đây là cuộc chiến không hề đơn giản.
“Các tàu cá dân binh Trung Quốc đóng cửa, chạy tốc độ cao vào khu vực khảo sát, bỏ qua mọi cảnh báo trên kênh liên lạc, tín hiệu cờ - đèn - còi. Chúng tôi buộc phải áp sát, ép họ đổi hướng”, một cán bộ Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết vậy, và lắc đầu: “Khi vào vùng biển của ta để ngăn cản, phá hoại việc thăm dò khảo sát của tàu ta, các tàu dân binh Trung Quốc đều xóa số hiệu thật, mang số giả và nhiều lúc không hợp tác tránh đường, khiến cả biên đội bảo vệ và tàu khảo sát ta phải vòng tránh”…
Một số hình ảnh tàu cá Trung Quốc ngăn cản, phá hoại việc thăm dò khảo sát của tàu Việt Nam, do phóng viên Thanh Niên thực hiện, lưu trữ từ nhiều năm qua:

Tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam thường xuyên bị các tàu Trung Quốc đe dọa, phá rối

Ảnh: Mai Thanh Hải

Tàu dân binh Trung Quốc với giàn đèn led và lưới chụp đặc thù

Ảnh: Mai Thanh Hải

Tàu dân binh Quỳnh Lâm Ngư 90002 của tỉnh Hải Nam, Trung Quốc

Ảnh: Mai Thanh Hải

Tàu dân binh này in số hiệu Quỳnh Chiêm Ngư 18066, nhưng nhìn kỹ thì đây là số hiệu giả, in đè lên số hiệu thật bị sơn phủ

Ảnh: Mai Thanh Hải

Tàu dân binh viết số hiệu Quỳnh Xương Giang 10678 (Hải Nam) nhưng cũng rất ẩu tả và vội vã

Ảnh: Mai Thanh Hải

Phá quấy tàu Bình Minh 02 làm nhiệm vụ tháng 4.2017, còn có sự xuất hiện của tàu giả dạng Đài Loan, số hiệu BJ5122.

Ảnh: Mai Thanh Hải

Tàu dân binh Quế Bắc Ngư 63133 cũng tham gia nhóm tàu ngăn cản, quấy phá hoạt động của Bình Minh 02

Ảnh: Mai Thanh Hải

Tàu cá giả dạng Đài Loan số hiệu Xuân Ức 217 liên tục tìm cách cắt mũi các tàu bảo vệ Bình Minh 02, tháng 4.2017

Ảnh: Mai Thanh Hải

Tàu cá Trung Quốc Xuân Ức 217 giả dạng tàu Đài Loan.

Ảnh: Mai Thanh Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.