Người phụ nữ khiến các tổng thống Mỹ đau đầu

06/12/2007 08:39 GMT+7

(TNO) Bà đã chất vấn đến 9 đời tổng thống, từ thời Kenedy cho đến vị tổng thống Bush đương nhiệm. Suốt 40 năm qua, trong chương trình truyền hình trực tiếp về các cuộc họp gặp gỡ của tổng thống đối với giới ký giả, người dân Mỹ luôn thấy bà đứng lên từ hàng ghế đầu nhìn thẳng vào mắt tổng thống để truy vấn. Đó chính là nữ nhà báo nổi của Nhà Trắng- Helen Thomas…

Khi Helen đến gần, các tổng thống gần như phát run lên

Từ năm 2000, khi ông Bush đắc cử tổng thống thì cũng là lúc Thomas chấm dứt vai trò ký giả của mình ở Nhà Trắng. Tuy nhiên trong một bài viết chuyên đề của mình sau đó, bà đã không chút e ngại khi gọi tổng thống Bush là vị “tổng thống hoàng đế” và rằng đó là “tổng thống tồi tệ nhất của lịch sử nước Mỹ”. Không những thế, bà còn gọi người đàn ông quyền lực nhất nhà Trắng này bằng cái tên đầy mỉa mai là: “nhà hoang ngôn” tức kẻ nói dối. Rời Nhà Trắng không có nghĩa là Thomas bị tước quyền tham gia các cuộc họp chiêu đãi của tổng thống như trước đây, tuy nhiên bà luôn bị gạch tên trong danh sách ký giả tham gia cuộc họp.

Mặc dù vậy, với sự nỗ lực không ngừng, lần đầu tiên sau 3 năm, bà đã có được cơ hội truy hỏi tổng thống đương nhiệm George Bush. “Câu hỏi của tôi là tại sao ngài lại muốn khai chiến, ngay từ khi mới bắt đầu bước vào Nhà Trắng. Đâu là nguyên nhân, Ngài nói không phải là do dầu mỏ vậy thì cuối cùng là do điều gì?”, Helen hùng hồn “tra khảo” Bush. “Tôi không hề muốn khai chiến, nghĩ tôi muốn khai chiến là hoàn toàn sai lầm bà Helen ạ”, tổng thống Bush đáp trả. Chưa dừng ở đó, bà Thomas phản bác: “Nhưng họ (Iraq) không làm gì đối với chúng ta cả?”. Ông Bush tiếp lời: “ Xin lỗi, để tôi nói hết. Họ ( Afghanistan) đã làm đấy thôi…”. Bà Thomas lại phản kích: “Nhưng tôi hỏi Iraq cơ mà?”…Đó là một đoạn đối thoại đầy khó chịu của nữ nhà báo nổi tiếng Helen với tổng thống George Bush đương nhiệm.

Đứng trước các câu hỏi hóc búa của Helen, mỗi vị tổng thống đều có một “ngôn ngữ cử chỉ” rất riêng: Carter rụt rè, Reagan cuối đầu còn Bush cha thì hất tay: “Không cần bà Helen đâu”. Trong mỗi cuộc họp gặp gỡ giữa tổng thống và đoàn ký giả Nhà Trắng được truyền hình trực tiếp, lúc nào vị nữ trưởng đoàn Thomas cũng đem theo 2 chiếc đồng hồ để canh giờ. Đúng 30 phút, bà sẽ đứng dậy và cất lời kết thúc cuộc họp: “ Cảm ơn ngài tổng thống”.

Đệ nhất phu nhân làng báo

Helen là người con thứ 7 trong gia đình gốc Syria có 9 người con. Sau khi tốt nghiệp đại học ở tuổi 22, Thomas không chịu làm việc cho bất cứ một tòa báo nào ngoài tờ Washington Post. Thời điểm Kenedy đắc cử tổng thống năm 1960 cũng là lúc Helen bước sang tuổi 40. Bà được nhận vào làm việc cho tờ báo của Nhà Trắng. Trong số những ký giả của Nhà Trắng, gần như Thomas là người đi sớm nhất và về muộn nhất. 6 giờ sáng, Thomas đã đến sở làm, uống 1 tách cà phê, lướt qua các thông tin sớm nhất trong ngày đợi đến cuộc họp của người phát ngôn Nhà Trắng.

Trong mấy chục năm nay, Helen có thể xuất hiện bất cứ đâu và bất cứ lúc nào bên cạnh các tổng thống, đến nỗi trong tiết mục “Ký sự truyền hình” của đài phát thanh truyền hình Hoa Kỳ, người ta gọi Helen là “Thiết bị cố định bên cùi tay của tổng thống”. Tổng thống Kenedy từng nói rằng: “Thomas có thể là một cô gái tốt nếu ném đi ngòi bút trong tay và những lời phỏng vấn của mình”. Còn tổng thống Clinton thì cho biết: “Theo ước tính của tôi,  Helen đã làm việc tại đây được khoảng 1 vạn buổi sáng, xài hết mấy ngàn quyển sổ tay, mấy ngàn cây bút  và uống hết vài ngàn ly cà phê”.

Theo Reuters, Thomas cũng là nữ nhà báo đầu tiên có được đặc quyền nói câu “cảm ơn ngài tổng thống” để kết thúc mỗi cuộc gặp giữa đoàn ký giả Nhà Trắng với tổng thống. Trong nhiều năm qua, Thomas là ký giả Nhà Trắng được xếp thứ tự đầu tiên hoặc người thứ hai được đặt câu hỏi cho tổng thống. Năm 1975, bà được bầu làm trưởng đoàn ký giả Nhà Trắng và trở thành nữ trưởng đoàn đầu tiên trong lịch sử của đoàn ký giả Nhà Trắng.

Năm 1984, Helen nhận được giải thưởng “Quyền lực thứ tư” của CLB báo chí toàn quốc của nước Mỹ. Lúc đó, tổng thống Reagan đã chúc mừng Thomas bằng những lời khen đầy nể phục: “Bà không chỉ là một người ưu tú mà còn được rất nhiều nhân sĩ tôn kính. Bà cũng đã trở thành một bộ phận của tổng thống Mỹ”. Năm 1995, để mừng sinh nhật lần thứ 75 của “đệ nhất phu nhân làng báo”, Tổng thống Clinton đã tặng Thomas món quà đặc biệt là một cuộc đối thoại 15 phút giữa hai người. Clinton đã tự tay cầm chiếc bánh sinh nhật và đưa cho nữ ký giả đã từng phỏng vấn mình vô số lần để bà thổi nến.

Mặc dù không còn đến Nhà Trắng và uống cà phê mỗi sáng ở đó nữa, nhưng thi thoảng Thomas vẫn rất “xương” trong các câu hỏi chất vấn tổng thống. Và người Mỹ vẫn còn ấn tượng mãi về hình ảnh nữ ký giả đứng lên từ hàng ghế đầu và đặt câu hỏi khiến cho nhiều tổng thống phải ngập ngừng với những cử chỉ vô cùng lúng túng…

Trí Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.