Nhu cầu của dân về quốc tịch còn rất lớn

23/05/2010 10:11 GMT+7

Bộ Tư pháp cho biết, đến nay các cơ quan chức năng của Việt Nam đã giải quyết được hơn 80.000 trường hợp thôi quốc tịch Việt Nam, hơn 300 trường hợp nhập quốc tịch Việt Nam và hơn 50 trường hợp trở lại quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, nhu cầu của người dân trong vấn đề liên quan đến quốc tịch còn rất lớn. >> Nhập quốc tịch cho người Việt Nam ở nước ngoài

Các nhu cầu liên quan đến vấn đề quốc tịch của người dân phổ biến là nhập quốc tịch của người Việt Nam ở nước ngoài, nhập quốc tịch của những người không quốc tịch sống tại Việt Nam, xin thôi quốc tịch,…

Trao đổi với Luật gia Lê Văn Hà (Hà Nội) về nội dung này, ông cho biết hiện nay, các cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương đang tích cực triển khai các quy định pháp luật mới để giải quyết các vướng mắc, tồn đọng liên quan đến quốc tịch, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.

Cũng để thỏa mãn nguyện vọng của nhiều người dân tìm hiểu các quy định của Luật Quốc tịch có hiệu lực thi hành từ 1/7/2009, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã đề nghị Luật gia Lê Văn Hà phối hợp, hướng dẫn chi tiết một số quy định thiết thân cho nhân dân, góp phần để Luật Quốc tịch đi sâu vào cuộc sống.

Điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam

Theo quy định của Luật Quốc tịch và Nghị định 78/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, điều kiện để được nhập quốc tịch Việt Nam là biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam.

Luật gia Lê Văn Hà phân tích, khả năng này được đánh giá trên cơ sở giao tiếp bằng tiếng Việt với công dân Việt Nam trong cuộc sống, phù hợp với môi trường sống và làm việc của người đó. Giấy chứng minh trình độ tiếng Việt là một trong những giấy tờ sau: bản sao bằng tốt nghiệp sau đại học, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông hoặc trung học cơ sở Việt Nam; bản sao văn bằng hoặc chứng chỉ chứng nhận trình độ tiếng Việt do cơ sở đào tạo tiếng Việt của Việt Nam cấp.

Người muốn nhập quốc tịch Việt Nam phải là người đang thường trú tại Việt Nam và được cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp thẻ thường trú; có khả năng đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam. Người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc người mà việc nhập quốc tịch của họ có lợi cho Nhà nước Việt Nam (là người có tài năng trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, thể thao...) thì được miễn một số điều kiện khi nhập quốc tịch Việt Nam. Trong hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam, người xin nhập quốc tịch có thể sử dụng giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch nước ngoài của mình để thay thế Giấy khai sinh, Hộ chiếu.

Trường hợp chưa được thôi quốc tịch Việt Nam áp dụng với người đang nợ thuế Nhà nước hoặc đang có nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân ở Việt Nam mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó có văn bản yêu cầu chưa cho người đó thôi quốc tịch Việt Nam thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ không giải quyết việc cho thôi quốc tịch Việt Nam.

Giải quyết tất cả các vướng mắc về thủ tục quốc tịch

Luật gia Lê Văn Hà cho biết, tuy Luật Quốc tịch và Nghị định 78/2009/NĐ-CP có hiệu lực từ năm 2009, nhưng trên thực tế các cơ quan chức năng và người dân vẫn gặp khó khăn, việc giải quyết các hồ sơ về quốc tịch vẫn rất chậm chạp do chưa có hướng dẫn cụ thể về thủ tục, giấy tờ. Do đó, sau khi thông tư liên tịch số 05 của liên Bộ Tư pháp, Công an, Ngoại giao có hiệu lực thi hành từ 15/4/2009, các vướng mắc thủ tục về quốc tịch về cơ bản được giải quyết.

Nếu như trước đó quá trình triển khai cho thấy còn lúng túng trong việc giấy xác nhận quốc tịch thì theo thông tư 05, để xác định quốc tịch Việt Nam đối với người đăng ký quốc tịch Việt Nam, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được áp dụng các văn bản pháp luật về quốc tịch Việt Nam được ban hành từ năm 1945 đến trước ngày 1/7/2009 để xác định người đăng ký giữ quốc tịch có hay không có quốc tịch Việt Nam tại thời điểm đăng ký. Ngoài ra, các giấy tờ về nhân thân, hộ tịch, quốc tịch do các chế độ cũ cấp trước ngày 30/4/1975 cũng là căn cứ để cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xem xét, xác định quốc tịch Việt Nam của người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.

Luật gia Lê Văn Hà nhận định, việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch được xây dựng trên cơ sở cân nhắc bảo đảm quyền lợi của người dân và yêu cầu quản lý nhà nước về quốc tịch.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.