Những dấu ấn khó quên từ một Đại hội Đảng ở Nam Nộ

01/02/2005 23:48 GMT+7

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đến năm 1947, đã sang năm thứ ba ở Nam Bộ, còn trên toàn quốc thì năm thứ hai.

Mặc dù lực lượng cộng sản ở Nam Bộ đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, quy tụ đông đảo quần chúng yêu nước và thể hiện được bản lĩnh vững vàng trong hình thái kháng chiến vũ trang, đặc biệt kết hợp được đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị ngay tại Sài Gòn là sào huyệt của chủ nghĩa thực dân, nhưng vẫn chưa khắc phục hoàn toàn những thiệt hại trong khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 và nhất là chưa thống nhất được tổ chức vốn còn ít nhiều khác biệt do quá khứ để lại. Cuộc kháng chiến đòi hỏi Đảng phải nhanh chóng trở thành lực lượng lãnh đạo duy nhất để ứng phó với thử thách hết sức gay gắt của sự nghiệp cứu nước. Do vậy, Xứ ủy lâm thời chuẩn bị và tiến hành một đại hội - đại hội đầu tiên của Đảng bộ Nam Bộ và cũng là đại hội duy nhất của Đảng bộ từ đó trở đi.

Các văn kiện còn lưu giữ đặt ra hai vấn đề với đại hội: một là, gọi "Hội nghị đại biểu" hay "Đại hội"; hai là, thời gian tiến hành đại hội.

Là người dự đại hội ấy, tôi cố gắng nhớ lại và nhớ không thật cụ thể lắm. Về danh nghĩa, tôi nhớ những người dự họp đều gọi là "Đại hội", còn tính chất của đại hội, trong hoàn cảnh cụ thể của Nam Bộ, không phải được bầu từ dưới lên, mà đại biểu do Xứ ủy lâm thời chỉ định từ các Tỉnh ủy, Thành ủy. Thời gian diễn ra đại hội là khoảng tháng 11/1947. Tôi có căn cứ để nói về ngày giờ này: đại hội tiến hành sau lễ Độc lập tại Thiên Hộ vào tháng 9/1947.

Địa điểm thì rõ ràng - tại Khu bộ Khu 8, lúc ấy hai anh Trần Văn Trà và Nguyễn Văn Vịnh đóng tại kinh Năm Ngàn, giữa Đồng Tháp Mười; nửa chừng có tin báo địch sẽ đánh vào Đồng Tháp Mười, nên hội nghị tạm di chuyển sang sông Vàm Cỏ Tây, xã Long Ngãi Thuận, thuộc địa phận tỉnh Tân An.

Số đại biểu dự đại hội, có lẽ nay chỉ còn 2 người: Anh Lê Đức Anh và tôi. Anh Lê Đức Anh, đại biểu của tỉnh Thủ Dầu Một và tôi, đại biểu của Sài Gòn. Còn tôi, nói thật chính xác, lúc dự đại hội, đã được Xứ ủy bố trí công tác khác - ở Văn phòng Xứ ủy và Kỳ bộ Việt Minh - chứ không ở Sài Gòn nữa, nhưng danh sách thì vẫn kê Sài Gòn có 2 đại biểu là anh Nguyễn Văn Cúc (sau này lấy tên Nguyễn Văn Linh - Bí thư Thành ủy) và tôi.

Kháng chiến Nam Bộ đang cần phải giải quyết một cách triệt để hàng loạt vấn đề cơ bản: thống nhất cả tư tưởng và tổ chức trong Đảng, thực hiện đoàn kết các tầng lớp để kháng chiến, rút các bài học ấu trĩ tả khuynh của thời kỳ đầu Chủ trì đại hội là Xứ ủy lâm thời mà lúc bấy giờ anh Phạm Hùng làm Bí thư, với sự chỉ đạo trực tiếp của phái viên Trung ương là anh Lê Duẩn. Thành phần dự đại hội gồm Việt Minh cũ, Việt Minh mới và Việt Minh không cũ, không mới - ấy là tôi nói theo thói quen, chứ bấy giờ, dù Đảng ta đã tuyên bố tự giải tán, vẫn tồn tại trong thực tế qua danh nghĩa công khai là Việt Minh và Ủy ban Việt Minh các địa phương được hiểu là cấp ủy Đảng địa phương. Tôi không nhớ rõ số lượng của đại biểu, nhưng khá đông, chắc trên 50 người. Điều đáng lưu ý: số đại biểu từng không đoàn kết với nhau ở địa phương lại ngồi chung trong hội trường, thảo luận các vấn đề mà đoàn chủ tịch đặt ra. Báo cáo của Xứ ủy lâm thời do anh Nguyễn Văn Kỉnh trình bày phản ánh bao quát cuộc kháng chiến, tình hình Đảng và những sai sót trong chỉ đạo nơi này, nơi khác. Đại hội có 2 khách mời không là đại biểu: Nguyễn Phương Thảo (Nguyễn Bình), Tư lệnh Nam Bộ và Phạm Ngọc Thuần, Phó chủ tịch, đang quyền Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ. Đại hội tiến hành theo thể thức biểu quyết công khai các vấn đề trao đổi, chỉ bỏ phiếu kín khi bầu Xứ ủy.

Các vấn đề tranh luận nói chung rất sôi nổi, gồm thái độ đối với các tôn giáo, đối với cuộc "tảo thanh" Bình Xuyên, phương thức tiến hành kháng chiến. Tôi còn nhớ như in cuộc tranh luận đối với lực lượng Cao Đài do Pháp tổ chức giữa hai xu hướng - xu hướng "lính Cao Đài đốt nhà dân, cướp trâu bò dân thì ta cũng đánh trả tương tự" và quan điểm khác là phê phán sự trả đũa kia - người theo quan điểm "trả đũa" là Chủ nhiệm chính trị Khu 7 Nguyễn Văn Trí và người chống lại quyết liệt là Phạm Thái Bường, đại biểu tỉnh Trà Vinh. Anh Bường từ chỗ ngồi phía sau, vừa đi lên, đối mặt với anh Trí. Người kết luận là anh Lê Duẩn và toàn thể đại biểu đã đưa tay tán thành quan điểm của anh Bường. Vấn đề "tảo thanh" Bình Xuyên cũng được trình bày sâu. Bình Xuyên bấy giờ có lực lượng quân sự hùng hậu, nhưng từ khi Lê Văn Viễn (Bảy Viễn) đầu hàng Pháp, nội bộ phân hóa. Số yêu nước tích cực, nối tiếp chí hướng của Dương Văn Dương (Ba Dương, đã hy sinh ở Bến Tre), tập hợp quanh Nguyễn Văn Mạnh (Tám Mạnh), Dương Văn Hà (Tư Hà), Mai Văn Vĩnh (Hai Vĩnh), Huỳnh Văn Trí (Mười Trí). Tuy nhiên, lực lượng Phòng Nhì Pháp len lỏi vào một số đơn vị đóng ở rừng Sác, nên Phân khu Duyên hải tổ chức "tảo thanh". Tình thế khá phức tạp, bởi Chính ủy Phân khu Duyên hải là Nguyễn Huy chủ trương xử lý không phân biệt, gán cho một số đông chiến sĩ và chỉ huy các đơn vị Bình Xuyên là Phòng Nhì Pháp, sự kết án chính trị hiểm độc, lấy mạng sống con người. Nhưng Nguyễn Huy bản thân lại là một lính kín của Pháp, làm tay sai cho Pháp từ trước Cách mạng Tháng Tám. Qua vụ "tảo thanh" rừng Sác, chân tướng của Nguyễn Huy bị lộ và đã phải chịu trừng phạt. Di hại của "tảo thanh" rất nghiêm trọng, đại hội đã dành thời gian để phân tích toàn bộ vụ án và nêu lên thành bài học lớn cho lãnh đạo của Đảng.

Một vấn đề nữa cũng được đại hội mổ xẻ, đó là sự đoàn kết giữa Đảng Cộng sản với Đảng Dân chủ qua hai điểm "nóng" là Thanh niên Cứu quốc và Thanh niên Dân chủ. Đại hội xác định mối quan hệ giữa hai đảng là mối quan hệ anh em, có từ tiền khởi nghĩa và từng là động lực đoàn kết để làm cuộc Cách mạng Tháng Tám và bắt đầu cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Chính thái độ của đại hội đã giải tỏa nhiều vướng mắc của cả đôi bên, nó giúp cho năm sau thực hiện được thống nhất Thanh niên Dân chủ vào Thanh niên Cứu quốc và Bí thư Kỳ ủy Nam Bộ Đảng Dân chủ là Nguyễn Việt Nam viết trên tờ Độc Lập, cơ quan của Đảng Dân chủ Nam Bộ, bài viết chân tình "Chúng tôi đầu hàng giai cấp vô sản".

Về phương châm kháng chiến, tại đại hội, đồng chí Lê Duẩn nêu vai trò của đô thị trong kháng chiến, vai trò của đấu tranh chính trị trong kháng chiến và đưa ra khái niệm "Người công nhân, lao động ở thành phố đấu tranh đòi tăng một đồng tiền lương cũng là hành động kháng chiến". Cơ sở của chiến tranh nhân dân được đại hội làm sáng tỏ. Xây dựng căn cứ và vùng tự do không có nghĩa kháng chiến phân tuyến, phân vùng...

Tại đại hội, đồng chí Lê Duẩn dành nhiều thì giờ nhấn mạnh vai trò của Cụ Hồ đối với dân tộc, đối với kháng chiến, sự tuân thủ chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ Trung ương và của Quân ủy Trung ương... Chuyện diễn ra đã hơn nửa thế kỷ, tôi chỉ còn có thể nhớ những gì gây ấn tượng nhất với một đảng viên bấy giờ còn rất trẻ như tôi. Xứ ủy do đại hội bầu trực tiếp cả Bí thư, Phó bí thư và các ủy viên thường vụ. Qua lá thăm bầu kín, Đảng bộ Nam Bộ đã trưởng thành một bước lớn về quan điểm, về đường lối chung và về tổ chức nội bộ Đảng. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư, hai đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh và Nguyễn Đức Thuận làm Phó bí thư, các đồng chí Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Hoàng Dư Khương - Ủy viên Thường vụ. Trong Xứ ủy được bầu lần này, có đủ nhóm Tiền phong, Giải phóng và không Tiền Phong, không Giải phóng. Đó là thành công lớn giải quyết dứt điểm sự thống nhất Đảng mà trước đó chưa giải quyết được. Tôi nhớ, kết thúc đại hội, đồng chí Lê Duẩn phát biểu, đại ý: "Đảng ta phải là một khối thống nhất để làm nòng cốt cho khối thống nhất dân tộc, cố gắng tìm chỗ giống nhau hơn là tìm chỗ khác nhau".

Sau này, tôi còn dự rất nhiều cuộc họp cấp Nam Bộ của Đảng nhưng có lẽ đại hội Đảng bộ Nam Bộ lần đó để lại trong ký ức của tôi nhiều dấu ấn sâu sắc nhất. Kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng, tôi nhắc lại kỷ niệm này bởi dẫu sao nó vẫn chưa hết tính thời sự.

2/2005
Trần Bạch Đằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.