Những điểm đen chết người - Kỳ 2: Cung đèo tử thần

18/06/2013 02:46 GMT+7

Nhiều con đèo đã trở thành “cửa tử” với giới lái xe, trong đó có đèo Gió, đèo Giàng (Bắc Kạn), nơi tính chất hiểm nguy được nhân đôi khi nhiều lái xe coi thường mạng sống của chính mình và người khác.

Hung thần container

 

Dân lái xe container đa phần đều rất ẩu, chạy theo chuyến để lấy hàng nên khi xe không tải toàn phóng bạt mạng. Nhiều anh nghiện nặng, xe lại được bảo hiểm tai nạn nên cậy thế phóng rất nhanh

Tài xế Nông Văn Tín (Bắc Kạn)

Có thâm niên lái xe hơn chục năm trên tuyến Cao Bằng - Hải Phòng, anh Nông Văn Tín (H.Chợ Đồn, Bắc Kạn) vẫn căng thẳng mỗi lần bẻ lái trên đoạn đường đèo Gió (H.Ngân Sơn, Bắc Kạn). “Dân chạy xe chúng tôi vẫn hốt và căng tay khi qua đèo, nhất là mấy đoạn cua gập tay áo đã có “dớp” lật, tai nạn hàng chục xe. Sợ nhất là mùa mưa, tầm nhìn bị hạn chế, đường cua nhiều nhưng chẳng có gương cầu lồi lõm gì để quan sát đường. Mà dân lái xe container đa phần đều rất ẩu, chạy theo chuyến để lấy hàng nên khi xe không tải toàn phóng bạt mạng. Nhiều anh nghiện nặng, xe lại được bảo hiểm tai nạn nên cậy thế phóng rất nhanh, mình thấy đều phải dẹp trước”, anh Tín kể.

Chỉ cho chúng tôi đoạn cua đã lấy đi tính mạng và làm bị thương nhiều tài xế, anh Tín kể, mùa mưa, dốc dài, cung phanh nhiều, nên chỉ cần anh nào non tay, phanh sâu quá dẫn đến trơ má phanh là toi rồi. Vì đường dốc, lại cua gập nhưng gờ đường đoạn này lại cao lên, nếu phóng nhanh lại phanh gấp xe sẽ bị vặn nghiêng vỏ đỗ, văng mâm xe khỏi đầu xe. Không có biển báo, lại không có CSGT thường xuyên cắm chốt những đoạn này, nên lái xe càng mặc sức thả đèo, phóng tít.

Dừng lại quan sát từng đoạn hộ lan mềm bị uốn cong queo, thậm chí mất cả hộ lan như điểm đen Km 210 phải thay... hàng rào tre, ngay chúng tôi cũng nhiều lần đứng tim khi những chiếc xe container kềnh càng không hàng lao dốc, phóng vụt sát qua người. Nằm trên tuyến QL3 chạy lên cửa khẩu của Cao Bằng, nên tuyến đường này tấp nập các xe hàng trọng tải lớn, nhất là xe container. Trung tá Triệu Tài Chu, Phó trưởng Công an H.Ngân Sơn, cho hay mỗi ngày qua địa bàn huyện chỉ tính riêng xe container đã tới trên 200 lượt xe. Mật độ tai nạn xe container tại khu vực đèo Gió và một số điểm đen khác trên tuyến đường qua huyện vô cùng nhiều, ngoài lý do đường khó đi, phần lớn là tại lái xe phóng nhanh, mất phanh, mất đà.

Trung tá Nông Quang Thông, Đội trưởng CSGT H.Ngân Sơn, thì chia sẻ toàn tuyến đèo chỉ dài hơn 15 km nhưng có nhiều điểm đen như Km 210, Km 201, 203, 224. Đặc biệt nguy hiểm là điểm đen Km 210, cứ làm lan can kiên cố một thời gian ngắn đã thấy lan can bay xuống vực, nên hiện nay cũng chỉ rào tạm bằng rào tre. Tại các điểm đen này, mỗi năm xảy ra cả chục vụ tai nạn.

Nhớ lại những vụ tai nạn tại điểm đen 210, trung tá Thông vẫn chưa quên được vụ tai nạn thương tâm giữa năm 2012 khi một xe tải cóc đã bị xe container ngược chiều “xóa sổ”, làm chết hai vợ chồng người lái xe tải. Xe container biển số 16H-6983 kéo theo rơ moóc đi hướng Hà Nội - Cao Bằng khi đi đến Km 210 QL3 (xã Vân Tùng, Ngân Sơn) đã bị sút chốt khiến rơ moóc trôi tự do, va mạnh làm bẹp ô tô tải nhỏ đi ngược chiều. Người lái xe tải chết ngay tại chỗ, còn vợ anh cũng mất trên đường cấp cứu tại bệnh viện.

Gần đây nhất, đầu tháng 4 vừa qua, cũng tại điểm đen 210, một xe tải chở nặng bị mất phanh đổ nghiêng xuống đường, đẩy thêm một xe máy ngược chiều. Hậu quả, hai xe cùng rơi xuống vực khiến tài xế xe tải chết tại chỗ, người điều khiển xe máy bị thương nặng. Theo thống kê, trong 2 năm, điểm đen này đã xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông, chưa kể các vụ va chạm, tự lật xe diễn ra như “cơm bữa”.

Những điểm đen chết người
Chiếc xe khách vượt xe tải tại điểm đen giao thông trên đèo Gió - Ảnh: Mai An

Đường càng đẹp càng... dễ chết

Anh Thanh, CSGT H.Ngân Sơn kể, người dân trong huyện đi lại trên đường rất bức xúc, vì xe container không hàng cứ giữa cua chạy với tốc độ chóng mặt, nhiều người đi xe máy sợ phải nhảy cả xuống mương để tránh. Đường đèo hẹp, đầu vào được cua thì đuôi xe đã chiếm hết đường. Chưa kể, giới hạn tốc độ chỉ áp dụng trong khu vực thị trấn, thị tứ, nên đường đèo dân lái xe mặc sức vít ga, phóng tít. “Vài năm nay đã có vài chục xe container bị tai nạn chỗ Km 210, đa phần là do lái xe chủ quan, tưởng đến đấy là hết dốc nên lao nhanh, lại thêm đường bị nghiêng nên càng dễ lật, hoặc đuôi xe container “vả” vào xe ngược chiều”, anh Thanh cho hay.

Dọc theo đèo Gió, có 4-5 điểm cua tay áo khuất tầm nhìn, nhưng đều không có gương cầu, nên mức độ rủi ro càng cao. Đây là tuyến đường cấp 4 miền núi với nhiều khu vực đèo dốc tốc độ thiết kế tối đa chỉ cho phép xe chạy 40 km/giờ, nhưng mặt đường đẹp lại nhiều đoạn xuống dốc nên các tài xế có thể vít ga tới 50 - 60 km/giờ. Theo trung tá Thông, vì không có biển hạn chế tốc độ, nên CSGT cũng bất lực.

QL3 từ Bắc Kạn đi Cao Bằng nổi danh trong giới xe chạy đường dài vì những “con đèo tử thần” với hàng loạt điểm đen từng cướp đi sinh mạng của cả chục người mỗi năm. Đèo Gió (Km 198 - Km 213) vừa dài, dốc nguy hiểm, nhiều đoạn đường cong, cua, độ dốc lớn, bán kính đường cong nhỏ, từ năm 2011 đến tháng 3.2013 ở đây đã xảy ra 43 vụ tai nạn giao thông, chưa kể hàng loạt vụ va chạm lớn nhỏ khác. Đèo Khau Khang (Km 213 - Km 225) cũng sở hữu địa hình hiểm trở không kém với nhiều đoạn đường cong cua, độ dốc lớn trong khi bán kính đường nhỏ, với 14 vụ tai nạn từ năm 2011 - 2012. Đèo Cao Bắc từ năm 2011 tới tháng 3.2013 cũng xảy ra tới 29 vụ tai nạn. Đặc biệt, Km 300 +280 (đèo Kéo Pựt, đoạn qua H.Trà Lĩnh, Cao Bằng) cũng là điểm đen về tai nạn, nhiều đường cong liên tiếp, vị trí này nằm lưng chừng dốc, có độ dốc dọc lớn, đường cong nhỏ, đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn. Thương tâm nhất là vụ tai nạn ngày 9.12.2012, khi người đi đường và người dân địa phương đang quan sát vụ việc và tìm cách giải cứu tài xế xe tải 1,5 tấn bị mất lái lao xuống vực sâu gần 10 m thì chiếc container biển số 15C-021.82 lao tới, tài xế đạp chân phanh khiến thùng container văng ngang, quất vào đám đông khiến 7 người chết, 17 người bị thương.

Mai Hà - Hà An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.