Những động thái "khó hiểu" của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội

23/01/2007 23:40 GMT+7

Sau khi Báo Thanh Niên ngày 10.9.2007 đăng bài Trung tâm Y tế Thanh Trì bị buộc phải nhận thiết bị chưa rõ nguồn gốc và không đúng hợp đồng, qua tìm hiểu bản án và những tài liệu liên quan, chúng tôi đã phát hiện những dấu hiệu bất thường từ phía Sở Y tế Hà Nội.

Lần ngược quá trình diễn ra đấu thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán máy nghe tim thai, liên hệ những chi tiết liên quan đến Sở Y tế Hà Nội, chúng tôi thấy có những điều thật khó hiểu.

Một là, nội dung bổ sung cấu hình của Sở Y tế Hà Nội chính là nội dung đính chính cấu hình của nhà thầu CDC.

Hai là, khi Trung tâm Y tế Thanh Trì (TTYT) có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Sở về việc đính chính cấu hình của CDC thì Sở có 2 văn bản trả lời khác nhau: văn bản đầu tiên yêu cầu TTYT phải thực hiện đúng hợp đồng kinh tế; song sau hơn 3 tháng, Sở lại có văn bản thứ hai nêu "trong cấu hình của máy Doppler nghe tim thai Model FD-390 của Hãng Toitu (Nhật Bản), bộ biến năng chính là đầu dò 2,5 MHz", và "TTYT có đủ điều kiện để xem xét và tiếp nhận máy Doppler nghe tim thai Model FD-390 của Hãng Toitu (Nhật Bản)". Điều khó hiểu ở đây là: Sở Y tế là cơ quan quy định cấu hình của thiết bị, song khi thiết bị được giao không đúng cấu hình đó, TTYT xin ý kiến thì Sở lại chỉ xác nhận cấu hình của cái máy Doppler nghe tim thai Model FD-390 của Hãng Toitu (Nhật Bản) và chỉ nêu là "TTYT có đủ điều kiện để xem xét và tiếp nhận máy Doppler nghe tim thai Model FD-390 của Hãng Toitu, mà không có chỉ đạo và xác nhận về việc máy Doppler nghe tim thai Model FD-390 của Hãng Toitu có đáp ứng được với cấu hình tiêu chuẩn do Sở đã quy định và có phù hợp với hợp đồng kinh tế của TTYT đã ký kết hay không.

Điều thứ ba gây khó hiểu, đó là: trong cấu hình tiêu chuẩn của mặt hàng máy nghe tim thai mà Sở Y tế đã xây dựng để quy định cho các đơn vị trực thuộc mua cho dự án năm 2006 lại chỉ có 1 đầu dò 2,5 MHz mà không có bộ biến năng (cấu hình của năm 2005 có cả đầu dò 2,5 MHz và bộ biến năng). Điều này nên được hiểu như thế nào? Phải chăng buộc người ta phải đặt vấn đề là catalogue của nhà sản xuất Toitu đã có một vai trò nào đó ở đây? Nếu TTYT Thanh Trì vội vã thực hiện theo hướng dẫn của Sở Y tế, vô hình trung TTYT đã vi phạm quy chế đấu thầu, tiếp nhận hàng hóa mua sắm không đúng hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu và hợp đồng mà Sở Y tế sẽ không liên đới trách nhiệm gì trong trường hợp các cơ quan chức năng phát hiện ra sai trái này. Nếu Sở Y tế Hà Nội nhận thấy rằng các máy nghe tim thai đều có "Bộ biến năng" chính là "đầu dò" thì Sở Y tế Hà Nội phải sửa sai bằng cách hủy bỏ Công văn khẩn số 2180/SYT-KHTCKT ngày 1.11.2005 để Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì ra quyết định hủy kết quả đấu thầu và tổ chức đấu thầu lại. Liên kết các sự kiện mà Sở Y tế Hà Nội hướng dẫn cho TTYT Thanh Trì trong quá trình tổ chức đấu thầu, tiếp nhận hàng hóa có thể nhìn thấy một hành vi được cho là không minh bạch trong đấu thầu.

Qua các phân tích trên cho thấy, việc Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên bản án số 124/2006/KDTM-ST ngày 28.12.2006 về việc tranh chấp hợp đồng mua bán trong đó có nội dung buộc TTYT phải tiếp nhận 12 chiếc máy Doppler nghe tim thai Model FD-390 của Hãng Toitu có cấu hình tiêu chuẩn không đúng với quy định của hợp đồng kinh tế là điều cần được tòa án cấp trên xem xét lại để bảo về quyền lợi hợp pháp của TTYT.

Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.