Những ký ức không thể nào quên

10/10/2008 00:20 GMT+7

Không ai trong số họ - những cựu cán bộ Đoàn Hà Nội năm xưa - kìm được xúc động khi hồi tưởng lại những năm tháng lịch sử ấy. Ký ức của một thời tuổi trẻ sôi nổi từ hơn 50 năm trước lại ùa về, sống động...

"Chúng tôi là con em các gia đình ở Hà Nội, vì những lý do khác nhau mà phải sống trong vùng địch tạm chiếm nhưng tấm lòng luôn hướng về cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc" - ông Dương Tự Minh, cựu đoàn viên thanh niên cứu quốc Chu Văn An thời kỳ 1947 - 1954, bồi hồi nhớ lại. "Vì vậy, ngay khi Đoàn thanh niên cứu quốc nội thành Hà Nội thành lập tổ chức Học sinh - sinh viên (HS-SV) kháng chiến năm 1947, chúng tôi liền đăng ký tham gia và hoạt động bí mật ngay trong lòng địch".

“Khi bọn thực dân, đế quốc xâm lăng Tổ quốc ta, bất kể bố mẹ như thế nào, trong lòng mỗi người thanh niên đều bùng lên ngọn lửa yêu nước mãnh liệt, quyết tâm đánh đuổi quân xâm lăng, giải phóng đất nước”.
Dương Tự Minh, cựu đoàn viên thanh niên cứu quốc Chu Văn An thời kỳ 1947 - 1954

Đến bây giờ, dù đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Minh vẫn nhớ rõ những hoạt động chống Pháp do lực lượng HS-SV kháng chiến thực hiện, mà đặc biệt là buổi lễ truy điệu anh Trần Văn Ơn tại Hà Nội. Ông kể: Khi nhận được tin kẻ địch giết hại SV Trần Văn Ơn, các hiệu đoàn HS-SV kháng chiến chủ trương tổ chức lễ truy điệu thật lớn để biểu thị lòng căm giận kẻ địch và tỏ tình đoàn kết.

Ngày 20.1.1950, HS-SV toàn thành mặc đồng phục trắng, mang ảnh anh Trần Văn Ơn cùng nhiều băng-rôn, khẩu hiệu diễu hành trên đường phố rồi đến Nhà thờ lớn và chùa Quán Sứ làm lễ truy điệu. Sau đó, tất cả cùng tham gia vào một đại hội văn nghệ có một không hai trong lịch sử ngay tại Nhà hát lớn thành phố.

Giữa vòng vây trùng điệp của quân thù, anh chị em vẫn hiên ngang hát các bài ca kháng chiến như Trường ca Sông Lô, các nữ sinh mặc áo dài đỏ, đeo nơ vàng tượng trưng cho lá cờ đỏ sao vàng, biểu diễn nhiều bài hát, vở kịch yêu nước khác, phối hợp với việc tung truyền đơn kêu gọi đấu tranh. Bọn mật thám địch lồng lộn bắt dừng cuộc biểu diễn nhưng chúng đã thất bại trước khí thế sôi sục của quần chúng.

Ông Lê Sỹ, nguyên Thường vụ Đoàn thanh niên cứu quốc Hà Nội thời kỳ chống Pháp, thì nhớ mãi buổi sáng tháng 6.1954, khi ông cùng đồng đội tổ chức phá cuộc mít tinh chào mừng Ngô Đình Diệm ra Hà Nội. "Lúc đó tôi đang hoạt động bí mật trong nội thành thì được lệnh của Thường vụ Thành ủy ra căn cứ Phú Xuyên (Hà Đông) nhận chỉ thị. Về lại thành, chúng tôi họp ngay và quyết định lấy lực lượng HS-SV kháng chiến từ các trường Nguyễn Trãi, Chu Văn An và trường Albert Sarraut do anh Nguyễn Gia Thể phụ trách để thực hiện.

 
Nữ sinh trường Trưng Vương diễu hành trong lễ thượng cờ chào mừng ngày giải phóng thủ đô 10.10.1954 (Lê Quang chụp lại từ bộ ảnh gia đình của bà Nguyễn Thị Minh Hà)

Sáng hôm đó, địch huy động hàng ngàn người dân ra bờ hồ Hoàn Kiếm để chào mừng Ngô Đình Diệm, chúng tôi chỉ vài chục người đứng len lỏi trong dân. Khi Diệm đến, anh Thể rồi sau đó tất cả chúng tôi đồng loạt hô to: đả đảo Ngô Đình Diệm. Cảnh sát ập đến đánh anh Thể và bắt đưa về đồn. Nhưng điều đó càng khiến quần chúng thêm sôi sục, rất nhiều người đã đồng thanh hô theo chúng tôi khiến ý đồ tung hô Ngô Đình Diệm của địch hoàn toàn phá sản".

"Điều chúng tôi xúc động nhất là phong trào HS-SV kháng chiến nhận được sự hưởng ứng gần như tuyệt đối của toàn thể HS-SV Hà Nội tạm chiếm, kể cả con em thuộc các tầng lớp giàu có, quan chức, sĩ quan cao cấp của ngụy quyền" - ông Dương Tự Minh kể. Ông cho biết, Bí thư Hiệu đoàn HS-SV kháng chiến Minh Khai của trường Albert Sarraut - trường Pháp, dành riêng cho tầng lớp nhà giàu ở Hà Nội lúc bấy giờ - là chị Hoàng Nga Châm, cháu nội của đại thần Hoàng Cao Khải.

Chị đã tập hợp được đông đảo quần chúng tham gia mọi hoạt động đấu tranh. Hoặc con đẻ của Thị trưởng Hà Nội Thẩm Hoàng Tín cũng tham gia HS-SV kháng chiến và chính người này đã rải truyền đơn ủng hộ cách mạng ngay trong buổi Đại hội văn nghệ toàn thành.

Sáng qua 9.10, lễ mít tinh kỷ niệm 54 năm ngày giải phóng thủ đô và biểu dương "Người tốt, việc tốt" năm 2008 do Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội tổ chức đã diễn ra trọng thể tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô.

Trong diễn văn khai mạc, sau khi ôn lại không khí hào hùng của thời khắc lịch sử 54 năm về trước, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định: trong 54 năm qua, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ phát triển kinh tế; Đảng bộ và nhân dân thành phố quyết tâm xây dựng thủ đô ngày càng giàu mạnh, xứng đáng là trái tim của cả nước.

Nhân dịp này, lãnh đạo thành phố đã biểu dương và tặng quà cho 29 cá nhân tiêu biểu, đại diện cho hơn 10.000 gương "Người tốt, việc tốt", "Gia đình tốt", "Tập thể tốt" của thủ đô trong năm 2008. 

Lê Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.