Ngày bé, Ngô Văn Khương rất thích thú nghe tiếng rít của động cơ và ngắm những chiếc máy bay chiến đấu gầm rú, bay lượn trên đầu khi anh gặt lúa giúp cha mẹ trên cánh đồng. 

Đại úy Ngô Văn Khương, Phó phi đội trưởng thuộc Đoàn Lam Sơn

Khương là một chàng trai cao 1,75 m, nặng 70 kg, có nước da khoẻ như một ngư dân vùng biển; hàm răng trắng, đều và nụ cười luôn sẵn trên môi. Khương có lúc ăn tới 8 bát cơm, gánh lúa như đi chơi. Cha mẹ Khương không bao giờ nghĩ có ngày con trai họ sẽ trở thành phi công lái máy bay chiến đấu.

Cơ duyên đến với Khương khi đoàn khám tuyển của Quân chủng PK - KQ ghé thăm làng. Khương trúng tuyển và trở thành lính bay.

Đại uý Đồng Đại Dương, Biên đội trưởng thuộc Đoàn Lam Sơn, Quân chủng PK – KQ

Cùng trở thành học viên bay như Khương có Đồng Đại Dương. Dương quê gốc Thái Bình nhưng sinh trưởng trong một gia đình có bố mẹ làm trong ngành y tại Hoà Bình. Dương đi khám tuyển vì chỉ muốn kiểm tra sức khoẻ. Nhưng khi trúng tuyển, được gia đình động viên, anh nhập ngũ và “làm quen” với bầu trời.

Ở Đoàn Không quân Lam Sơn anh hùng, các phi công đều có chung một khuôn mặt thanh tú và nụ cười tỏa nắng, đốn tim bao cô gái.

Chàng phi công quê thành phố biển Hải Phòng Lê Đình Thành

Có người tình cờ, có người ước ao và có những chàng trai khát khao cháy bỏng được làm chủ “hổ mang chúa”, tên gọi của dòng máy Sukhoi Su 30Mk2 như Lê Đình Thành, một “hotboy” đến từ thành phố biển Hải Phòng.

Thành thường trốn cha mẹ, lên gác thượng ngắm máy bay. Nhà anh gần sân bay Kiến An (Hải Phòng). Thành trúng tuyển và nhập ngũ khi 17 tuổi, cao 1,72 m và nặng 52 kg. Sau 11 năm quân ngũ, được chăm sóc, tập luyện theo tiêu chuẩn đặc biệt dành cho phi công chiến đấu, Thành cao 1,77 m, nặng 77 kg.

“Không phải ai cũng có thể trở thành phi công và đặc biệt là phi công chiến đấu. Ngoài sức khoẻ, ý chí tập luyện chiến đấu, lòng yêu nước, bản lĩnh, đam mê bay, người phi công phải trải qua nhiều gian nan thử thách, kiên trì tập luyện và giữ gìn bản thân”, Thành nói.

“Khi bay, khi tập luyện chiến đấu, chúng tôi phải tập trung cao độ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mọi chuyến bay dù bay bài bay huấn luyện hay bay làm nhiệm vụ. Khi đó, chúng tôi chỉ có thể nghĩ về điều duy nhất, đó là bình yên của Tổ quốc”, đại uý Dương chia sẻ.

Dương và Khương là đôi bạn thân. Họ đều 32 tuổi đời, 14 tuổi quân, cùng mang quân hàm đại uý. Dương là Biên đội trưởng còn Khương là Phó phi đội trưởng kiêm Tham mưu trưởng. Cả hai cưới vợ cùng năm, cùng có hai cô con gái và cả hai cô vợ cùng mang quân hàm trung uý.  “Để có thể phục vụ lâu dài trong lực lượng không quân, phi công cũng cần phải có hậu phương vững chắc”, đại úy Dương nói.

Nếu không nằm trong kế hoạch bay huấn luyện sẵn sàng chiến đấu hoặc nằm trong phiên trực, phi công bắt đầu đón bình minh lúc 5 giờ 30 dù trời nắng hay trời mưa, dù mùa đông hay mùa hè và tắt điện lên giường lúc 21 giờ 30. 

“Môi trường sinh hoạt lành mạnh, giấc ngủ đầy đủ, điều kiện sinh hoạt chuẩn mực là điều kiện bắt buộc đối với chế độ sinh hoạt của phi công chiến đấu”, Ngô Văn Khương nói.

Sau khi vệ sinh cá nhân, khởi động thể dục nhẹ nhàng, họ sẽ dùng bữa sáng lúc 6 giờ sáng để chuẩn bị cho ngày làm việc. Một ngày có 3 bữa theo đúng giờ giấc và định lượng. Nếu có kế hoạch bay, họ sẽ ăn thêm một bữa nhẹ.

Bữa ăn luôn đảm bảo đủ dinh dưỡng. Mỗi ngày là 4860 kilo kalo

Để chuẩn bị cho một ngày bay, lính bay sẽ bắt đầu với việc tập trong buồng lái. Sau đó, họ nghiên cứu lại bài bay theo kế hoạch. Tiếp đến là nhận chỉ huy bay. Nếu đảm bảo đủ điều kiện, chỉ huy đơn vị sẽ cho phép họ bay vào hôm sau. Tiếp đến là phần tự chuẩn bị, kiểm tra lại kiến thức, đọc lại tiêu chuẩn hướng dẫn và tài liệu quy định về bay. Cuối ngày là 1 tiếng tập thể dục bắt buộc.

Với phi công, một ngày phải tập 1 tiếng thể dục bắt buộc. Thể thao hàng ngày bắt buộc phải có chạy 2x50 m để luyện sức nhanh; 1.500 m sức bền; rèn khéo léo thì có xà đơn, xà kép.  Ngoài ra, 1 tuần sẽ có 1 giờ thể thao hàng không, là tập với đu quay, quay trụ, thang quay.

“Ai cũng phải tập luyện thể thao dù là phi công mới ra trường hay chỉ huy, tới đoàn trưởng”, Khương cho biết.

Khương và Dương là hai trong số các học viên được tuyển lên học lái máy bay Sukhoi năm 2013, sau khi tốt nghiệp. Khi còn là học viên, họ học lái máy bay Yak30 và máy bay Il39. Thành học sau đó 3 năm và cũng được chuyển thẳng lên lái Sukhoi.

Mỗi ngày họ đều tập chạy 2x50 m rèn sức nhanh nên khi có báo động, từ chỗ trực đến máy bay chỉ tính bằng giây


Ở Đoàn Lam Sơn, phi công sống tập trung ở một khu vực có rất nhiều cây. Cây xanh bao quanh ngôi nhà trắng nằm trên một khu đồi và có rất nhiều hoa hồng. Trong mỗi căn phòng có nhiều nước uống và sách. 

Họ đọc sách mỗi ngày, gồm sách an toàn bay, sách kinh nghiệm chiến đấu, sách lịch sử hàng không. Dương thích đọc cuốn Cánh én bạc của Lê Hải, Khương thích đọc cuốn Tôi và Mig 17 của anh hùng phi công Lưu Huy Chao, người mà Khương từng đóng vai ông trong một bộ phim dàn dựng. Thành thì còn có cuốn Đại Việt sử ký toàn thư Lĩnh nam chích quái vì thích đọc sách lịch sử. Tuy nhiên, tất cả họ đều có chung những cuốn sách về chân dung các anh hùng phi công và kinh nghiệm bay. Ngoài ra, ai cũng thích bài hát Phi đội ta xuất kích. Thành thì còn thích cả bolero, bài Duyên phận.

Một ngày bắt đầu của họ với một cốc nước khi dậy và cũng một cốc nước trước khi đi ngủ. Thường thì họ sẽ gọi điện cho vợ con vào buổi chiều tối và nhắn tin sau khi hoàn thành một chuyến bay. Họ sẽ gặp gia đình sau khoảng 2 đến 3 tuần một lần.

Họ cũng chơi game, nhưng đó không phải là thói quen vì theo Khương, nếu chơi nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự tập trung bay, ảnh hưởng tới mắt và tư tưởng cũng như kế hoạch bay.

Tất cả họ đều thành thạo tiếng Nga và có thể giao tiếp, đọc tài liệu bay bằng tiếng Anh. Cùng học, cùng làm quen với Su30 vào năm 2013 nhưng Khương có may mắn hơn Dương khi được làm việc nhiều với chuyên gia huấn luyện, hướng dẫn nên giờ bay của Khương nhiều hơn Dương.

Khương đã có 850 giờ bay và có thể bay mọi thời tiết. Dương có 600 giờ bay. Thành cũng có 370 giờ bay và thuộc nhóm đầu trong quân chủng so với những người cùng tuổi.

Khương và Dương đều là những phi công trẻ xuất sắc. Khương còn là phi công bay ở tốc độ tối đa 2125 km/giờ, 2 lần nhanh hơn tốc độ âm thanh.

Xung quanh phòng ngủ của phi công có rất nhiều hoa hồng


Vì điều kiện khắc khổ của tập luyện và sẵn sàng chiến đấu, họ rất “nhát” khi yêu và thường bị các cô gái “cưa”.

“Có lẽ, các cô gái rất yêu chúng tôi nên mới thông cảm được cho điều kiện và hoàn cảnh của lính bay như chúng tôi”, thượng uý Thành nói.

Thành đặt tên vợ trong điện thoại là “trung uý”. Với anh, vợ cũng là một người lính. Người lính lo hậu phương. Họ quen nhau qua mạng xã hội khi Thành là học viên bay năm thứ 2. “Bố vợ tôi cũng là quân nhân, yêu nhau lâu nên cô ấy rất thông cảm và là hậu phương vững chắc”, Thành tự hào khoe về vợ.

Lê Đình Thành hỏi thăm gia đình khi rảnh. Họ gặp nhau 2 tuần 1 lần

Vợ Thành không bao giờ báo cho anh về bất kỳ việc bất thường nào ở gia đình để anh phải phân tâm trong công việc. Cô chỉ báo khi biết anh vừa hoàn hành kế hoạch bay. Tất cả quần áo của Thành đều do vợ mua. Kể cả lọ nước hoa Chanel trong phòng của anh ở đơn vị cũng do “trung uý vợ” mua tặng nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12).

Khi về nhà, anh thích ăn hải sản. Món vợ anh hay chuẩn bị là hàu nướng phô mai hay hàu nướng mỡ hành.

Khương thì thích món nướng và ghét món luộc. Khi về nhà, các bà vợ tranh thủ “tầm bổ” và chuẩn bị những “bộ cánh” đẹp cho chồng, những phi công chiến đấu đẹp trai nhất trong những người đẹp trai mà họ tự hào “chinh phục” được.

Vợ Khương và Dương cùng tên trên điện thoại chồng. Họ đều tên là “vợ yêu”. “Có lẽ 90% những bà vợ của lính bay đều tên vợ yêu”, Dương cười tươi khi khoe điện thoại.

Khương quen vợ, một cô gái Phú Yên trong chương trình giao lưu thanh niên khi anh là học viên bay. Sau 5 năm yêu nhau, họ thành hôn. Cô gái miền Trung theo chồng đi bất kỳ nơi nào mà anh đóng quân. Giờ đây, cô cũng là quân nhân thuộc cùng Đoàn nhưng họ chỉ có thể gặp nhau 2 tuần một lần. Dương thì nhút nhát. Vợ là em gái một người bạn cũng là học viên bay. Mỗi lần vợ đẻ, anh được về nhà chăm vợ 5 ngày.

Khi được hỏi, các anh có bị các cô gái khác “tấn công” không? Họ cười bẽn lẽn, làm sao biết được họ thích mình không? Nhưng các phi công vẫn luôn nhận được sự trầm trồ trong các cuộc tiếp xúc, giao lưu.

Vậy thì các bà vợ có ghen không? “Ớt nào mà ớt chả cay”, Thành nói. “Nhưng điều kiện sinh hoạt “cấm trại” và kỷ luật khắc nghiệt với phi công chiến đấu, các bà vợ cũng luôn hiểu rằng, chúng tôi là những người nghiêm chỉnh nhất trong những người nghiêm chỉnh”, Thành cười rất tươi. “Nếu không kiên định vững vàng tư tưởng, chúng tôi không thể làm công việc này”, Khương nói.

Tất cả họ đều ghét trời mưa. Mưa không thuận lợi cho công việc. “Nhưng không để Tổ quốc bị động, bất ngờ trước mọi tình huống, mưa hay nắng, ngày hay đêm, chúng tôi luôn sẵn sàng cất cánh”, Khương nói. Ai cũng thích ngắm bình minh nhưng trạng thái thay đổi đột ngột ngày đêm luôn là những điều khó chịu với phi công. 

Khi còn ở nhà, Khương ngồi dưới đồng lúa ngắm nhìn phi cơ gầm rú trên thời. Bây giờ, mỗi lần bay trên bầu trời H.Lục Nam, Bắc Giang quê anh, anh vẫn thấy thích nhất. Thành thì thấy vùng Cát Bà, Hải Phòng đẹp nhất. Dương lại yêu khoảnh khắc ven bờ biển miền Trung. Nhưng quê hương đẹp vậy, khi bay, họ phải tập trung hết mức vào buồng lái để đảm bảo tuyệt đối an toàn, làm chủ mọi tình huống. 

Khi Tổ quốc chọn và giao cho mình nhiệm vụ, hạnh phúc là khi hạ cánh an toàn và hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch. “Bạn sẽ thấy phi công xách mũ và cười tươi khi rời máy bay. Đó là lúc chúng tôi hạnh phúc nhất bởi vừa kết thúc một nhiệm vụ”, Dương nói.

Với phi công chiến đấu, tình yêu lớn nhất là tình yêu Tổ quốc. Họ không chỉ có khuôn mặt đẹp, nụ cười tươi mà họ còn có trái tim thật rộng lớn.

Ngô Văn Khương thần tượng anh hùng Phạm Tuân và phi công Sergey Bogdan của Nga. Dù chưa bao giờ được gặp nhưng Khương còn thích Phạm Tuân bởi ông là người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ. Trong bộ sưu tập của Khương ngoài cuốn sách Chúng tôi và Mig 17 của anh hùng phi công Lưu Huy Chao, còn có cuốn sách Lính bay của phi công Phạm Phú Thái.

Anh hùng Phạm Phú Thái là một trong 10 anh hùng tiêu biểu của Đoàn Lam Sơn. Ông tham gia trận đánh ngày 27.6.1972. Trận này 4 phi công đã tiêu diệt 4 máy bay F-4 của Mỹ, đây là một trong 6 trận đánh tiêu biểu nhất của Đoàn Lam Sơn anh hùng. Trong chiến tranh chống Mỹ, Đoàn Lam Sơn đã bắn rơi 43 máy bay Mỹ. Riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không (12.1972), Đoàn Lam Sơn hạ 5 máy bay, trong đó phi công Vũ Xuân Thiều hạ một chiếc B52.

Mỗi phi công đều có những thần tượng của riêng mình. Họ nhìn vào để học tập. Dương yêu thích anh hùng Nguyễn Văn Bảy, phi công lái Mig17 và bắn rơi 7 máy bay Mỹ. Thành thì thần tượng anh hùng Nguyễn Văn Cốc, bắn rơi 9 máy bay (3 F-4, 3 F-105, 1 F-102, 2 UAV tầng cao AQM-34A). Cả hai đều là phi công được công nhận danh hiệu Ace, danh hiệu cho các phi công quân sự bắn hạ được từ 5 máy bay của đối phương trở lên, không phải phi công nào trên thế giới cũng làm được. Đoàn Lam Sơn có 4 người đạt danh hiệu Ace là Nguyễn Tiến Sâm, Nguyễn Đức Soát, Lê Thanh Đạo và Nguyễn Văn Nghĩa.

Phi công Hoàng Tam Hùng hy sinh trong ngày mà anh tiêu diệt được 2 máy bay Mỹ. Ngoài ra, còn có các tên tuổi tiêu biểu khác là Nguyễn Hồng Nhị, Mai Văn Cương và Nguyễn Nhật Chiêu. Đoàn Lam Sơn và các đơn vị thành viên đã 6 lần được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang. Những anh hùng của Đoàn Lam Sơn đều là những người lính trẻ tại thời điểm đó và là những thần tượng cho lớp thế hệ sau.

Hiện nay, phi công trẻ ở độ tuổi trên dưới 30 của Đoàn Lam Sơn chiếm đa số. Theo Thượng tá Ngô Quang Huy, Đoàn trưởng, thì lịch sử của Đoàn Lam Sơn có sự đóng góp to lớn của những đoàn viên thanh niên trong lịch sử và nó hun đúc truyền thống để thế hệ sau noi theo. Hiện nay, lớp trẻ là các đoàn viên thanh niên của Đoàn Lam Sơn vẫn vững vàng làm chủ bầu trời, giữ vững bình yên cho Tổ quốc.

Những chàng trai trẻ như Khương, như Dương hay như Thành đang viết tiếp lịch sử anh hùng của Đoàn Lam Sơn. Họ đang ngày đêm học tập, rèn luyện sẵn sàng chiến đấu. Nụ cười tươi trên khuôn mặt lúc nào cũng rạng rỡ của họ càng toả nắng khi họ dành cả tuổi thanh xuân, trí tuệ và tình yêu cho Tổ quốc.

Trong họ có một tình yêu lớn hơn cả, tình yêu Tổ quốc.

“Hổ mang chúa” xuất kích trong một chuyến bay thực hiện nhiệm vụ - Ảnh: ST
Báo Thanh Niên
28.03.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.