Những nước có IQ cao thì có đường sắt cao tốc?

08/06/2010 13:51 GMT+7

(TNO) Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM khi đưa ra thảo luận rộng rãi tại nghị trường sáng nay (8.6) vẫn chưa đạt được sự đồng thuận, nhất trí cao giữa các đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) về việc QH có nên thông qua chủ trương đầu tư dự án hay không.

ĐB Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) là người đầu tiên “châm ngòi” cho chủ đề xây dựng đường sắt cao tốc liên quan tới IQ (chỉ số thông minh) bằng nhận xét: "Một số nước tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Pháp, Đức… đã có đường sắt cao tốc, Brazil, Nga, Indonesia đang triển khai. Tôi thấy những nơi có chỉ số IQ cao thì họ có đường sắt cao tốc, Việt Nam ta cũng có chỉ số IQ cao".

ĐB này đề nghị QH thông qua chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM vì Việt Nam hội đủ các yếu tố về sự cần thiết, về địa hình, nhu cầu đi lại hai miền rất lớn và sự phát triển kinh tế của đất nước.

“Dự án được quan tâm đặc biệt cũng bình thường vì có vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay. Người ủng hộ hay không ủng hộ thì cũng chỉ vì tương lai của đất nước, vì vậy, cần bình tĩnh, đừng cho là nếu tán thành thì IQ cao còn không tán thành thì IQ thấp mà mất lòng nhau”, ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) phát biểu sau khi nghe nhiều “phản biện”.

Nói như vậy không có nghĩa là ông Thanh không tán thành chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM vì cho rằng, đường sắt này có thời gian thu hồi vốn chậm nhưng sẽ có sức lan tỏa về hiệu quả kinh tế, nhất là về du lịch và “nếu không làm bây giờ sẽ có lỗi với tương lai. Cứ để hệ thống đường sắt xập xệ như hiện nay cũng là có hại cho thế hệ con cháu”.

Tuy nhiên, ông Thanh vẫn tỏ ra băn khoăn khi “dự án không thấy đề cập đến cầu vượt và hầm chui mà có khi cần tới cả nghìn cái, đường hành lang bao cũng chưa nói trong khi riêng khoản này có khi cũng tốn tới hàng tỉ USD?”.

Không tán thành chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) bày tỏ chính kiến: “Có một số đại biểu ví von là dự án đường sắt này sẽ "đánh thức nàng tiên ngủ trong rừng". Tôi thấy ví von rất lãng mạn, nhưng tôi rất hồi hộp xem câu đầu tiên mà nàng tiên lúc mở mắt ra nói gì? Chắc là sẽ hỏi: Anh ơi, tiền đâu? Như thế rất nguy hiểm. Tôi xin nói thật với QH là chỉ số IQ của tôi hơi thấp, cho nên chắc chắn tôi không tán thành dự án này”.

Theo nhận xét của ĐB Thuyết, đọc Báo cáo của Chính phủ, các Tờ trình và những văn bản kèm theo, thấy âm hưởng chủ đạo của tất cả văn bản ấy là bác bỏ mọi giải pháp phát triển giao thông, mọi giải pháp phát triển đường sắt để áp đặt vị trí độc tôn của dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Nhưng những lập luận trong các Tờ trình và các báo cáo đó rất nhiều lập luận thiếu sự thuyết phục.

Sự thiếu thuyết phục đó, theo ông Thuyết, là báo cáo của Chính phủ đưa ra luận cứ việc cần thiết phát triển đường sắt cao tốc xuất phát từ một nguyên do là lâu nay chúng ta quá tập trung phát triển giao thông đường bộ, trong khi thực tế thì sao? Đồng bào ở nhiều nơi còn gặp rất nhiều khó khăn về giao thông đường bộ, trong đó có đồng bào Kon Tum còn phải đánh đu qua sông để đi qua con sông Pôcô chảy siết rất nguy hiểm. “Tôi không biết những người viết những báo cáo và tờ trình này ngồi ở đâu, sống ở đâu, có sống ở đất nước Việt Nam không mà nhận định là chúng ta đã quá tập trung về phát triển đường bộ”, ông Thuyết cật vấn.

Đồng tình, ĐB Hà Tuấn Hải (Phú Thọ) cho rằng, nếu tiếp tục đi vay nước ngoài làm đường sắt cao tốc chỉ để chuyên chở người thì nền kinh tế sẽ thêm gánh nặng, trong khi còn có nhiều mục tiêu dự án cần ưu tiên. Nhiều chuyên gia nước ngoài khuyên nên lùi thời hạn đầu tư dự án sau năm 2020 để ưu tiên nguồn lực giải quyết các vấn đề bức xúc trước mắt đã.

Hơn nữa, theo ĐB Hải, giá vé tàu cao tốc như dự kiến là cao so với thu nhập của dân, không mang tính đại chúng, chỉ phù hợp với số thu nhập khá, không phù hợp với nhu cầu số đông. Việc thực hiện dự án sẽ phải giải tỏa số lớn các hộ gia đình, nhưng trong tờ trình của Chính phủ chưa đưa ra phương án giải quyết vấn đề trên thỏa đáng. “Tôi đề nghị chưa đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc hiện nay, lùi lại sau 2020, đầu tư vốn cho giao thông nông thôn, vùng sâu vùng xa để rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn - đô thị”, ĐB này nhấn mạnh.

ĐB Trần Văn (Cà Mau) cho rằng, dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM đang được nghiên cứu là một cơ hội để rà soát lại tổng thể chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông của nước ta cho giai đoạn phát triển cực kỳ quan trọng trong thời gian tới trong bối cảnh ngành GTVT đang thực hiện rất nhiều công trình dự án trọng điểm khác với tổng mức đầu tư các dự án lên tới hàng chục tỉ USD.

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.