Những qui định bị “bỏ rơi” - Kỳ 3: Trao quyền “gác cổng” cho Bộ Tư pháp

20/03/2013 01:47 GMT+7

Luật gia Vũ Xuân Tiền, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Luật gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam, trao đổi với PV Thanh Niên xoay quanh loạt bài Những quy định bị “bỏ rơi”.

Vừa rồi qua khảo sát của Thanh Niên cho thấy có rất nhiều quy định được ban hành nhưng trên thực tế gần như bị lãng quên hoặc vừa ban hành đã phải sửa do vấp phải phản ứng của dư luận. Ông nhìn nhận như thế nào về căn nguyên dẫn tới thực trạng khá phổ biến này?

 

Vừa rồi Bộ Tư pháp cũng được giao thí điểm gác cổng các thông tư của các bộ và tới đây nên giao nhiệm vụ chính thức này cho Bộ Tư pháp. Khi đã giao nhiệm vụ và trao quyền này cho Bộ trưởng Tư pháp thì nếu để lọt các văn bản tùy tiện, thiếu khả thi... thì ông Bộ trưởng phải bị miễn nhiệm

Điều đó cho thấy nhiều chính sách ban hành không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, chưa tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Luật quy định trước khi ban hành văn bản quy phạm đều phải lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động liên quan. Nhưng thực tế thì nhiều nghị định, thông tư đã ban hành và phải ngừng thực hiện hoặc phải sửa đổi đã không lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động hoặc chỉ lấy ý kiến một cách chiếu lệ, hình thức. Lấy ví dụ quy định về thu phí bảo trì đường bộ, quy định về phạt khi đi xe không chính chủ, phạt vì đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng... nhiều đối tượng liên quan đâu có được lấy ý kiến và dù dư luận phản đối vẫn quy định.

Nguyên nhân khác dẫn tới việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tùy tiện hoặc kiểu “thò ra thụt vào” là xuất phát từ lợi ích cục bộ của chính ngành, cơ quan ban hành quy định đó.

Điều này sẽ dẫn tới những hệ lụy gì, thưa ông?

Trước tiên là quy định như vậy sẽ làm tổn hại đến tính nghiêm minh của pháp luật. Ngoài ra việc ban hành văn bản, quy định một cách tùy tiện, thiếu khả thi sẽ gây khó khăn cho các đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi quy định đó. Tôi ví dụ trước đây chúng ta có quy định cấm ăn tiết canh, thế nhưng thực tế thì quán tiết canh vẫn nhan nhản và người dân có nhu cầu họ vẫn ăn. Quy định cấm không khả thi, nhưng vì cơ quan quản lý nhà nước không tuyên bố hủy quy định này, sẽ dẫn tới nguy cơ người thực thi công vụ có thể bình thường thì cho qua chuyện đó, nhưng khi cần thì họ có thể đưa quy định này ra dọa phạt người vi phạm để chia chác. Cho nên những quy định như vậy đã tạo ra kẽ hở về tham nhũng và khiến người dân thêm mất tín nhiệm, niềm tin vào cơ quan quản lý, những người thực thi công vụ.

Còn tình trạng nể nang nhau

Thực tế thì nhiệm vụ thẩm định nghị định và một số văn bản liên quan cũng như việc kiến nghị “tuýt còi” văn bản phạm luật đã được giao cho Bộ Tư pháp, nhưng thực tế vẫn “lọt” nhiều văn bản tréo ngoe như đã nói?

Quy định thì đã tương đối rõ ràng, cái chính là giữa các cơ quan hành pháp với nhau cũng có những chuyện nể nang, e ngại với tâm lý tôi không đụng đến anh thì anh cũng không thể đụng đến tôi. Cho nên cách tốt nhất là im lặng hoặc cho qua, hoặc thẩm định chưa tới.

Còn với các văn bản trái luật, có vấn đề, ông Cục trưởng Cục Kiểm soát văn bản quy phạm pháp luật mà đề nghị đình chỉ một quy định, văn bản một ông bộ trưởng ở bộ khác ký hoặc quyết định thì lại rất khó.

Những qui định bị “bỏ rơi”
Luật gia Vũ Xuân Tiền

Vậy có cách nào để khắc phục tình trạng trên?

Có nhiều biện pháp để khắc phục vấn đề này, nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của người thi hành. Ngoài việc yêu cầu tuân thủ quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cách khắc phục khác là trao quyền cho Cục Kiểm soát văn bản quy phạm pháp luật được quyền kiến nghị Bộ trưởng Tư pháp kiến nghị lên Thủ tướng “gác” lại những văn bản, quy định có vấn đề của các bộ, ngành. Vừa rồi Bộ Tư pháp cũng được giao thí điểm gác cổng các thông tư của các bộ và tới đây nên giao nhiệm vụ chính thức này cho Bộ Tư pháp. Khi đã giao nhiệm vụ và trao quyền này cho Bộ trưởng Tư pháp thì nếu để lọt các văn bản tùy tiện, thiếu khả thi như đã dẫn chứng thì ông Bộ trưởng phải bị miễn nhiệm.

Về lâu về dài, để ngăn ngừa các loại văn bản, quy định “bị lãng quên” hay quy định thiếu khả thi, đẩy khó cho người dân, giải pháp tốt nhất là nên quy chuẩn hóa từ việc xây dựng luật đến các nghị định của Chính phủ. Trước hết, về xây dựng luật, hiện nay các bộ quản lý lĩnh vực được giao dự thảo các luật có liên quan. Chẳng hạn, các luật về lĩnh vực GTVT thì do Bộ GTVT dự thảo, các luật về thuế thì do Bộ Tài chính dự thảo... Điều đó là không hợp lý và bản chất là "vừa đá bóng, vừa thổi còi" trong lĩnh vực xây dựng luật. Để khắc phục tình trạng đó, cần nâng cao năng lực chuyên môn của các ủy ban của Quốc hội và đội ngũ ĐBQH chuyên trách và giao cho các ủy ban của Quốc hội chịu trách nhiệm chính trong dự thảo các luật trình Quốc hội.

Thứ hai, luật cố gắng chi tiết đến mức cao nhất để hạn chế các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, điều đó gặp những khó khăn lớn do nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn chuyển biến khá nhiều và nhanh. Vì vậy, có không ít vấn đề buộc phải chuyển cho Chính phủ quy định cho phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng thời kỳ. Song, Nghị định của Chính phủ phải được kiểm soát chặt chẽ về quy trình xây dựng và nội dung. Nghị định phải chi tiết để không cần có thêm thông tư hướng dẫn.

Thanh Mai
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.