Nỗi lòng góa phụ Ô Kha

25/10/2016 14:41 GMT+7

3 phi công trên chiếc trực thăng huấn luyện EC-130T2 hy sinh vào ngày 18.10 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, khiến chị Nguyễn Thị Lan (vợ phi công Nguyễn Quang Vinh, cơ trưởng trực thăng cứu hộ Mi-8) nhớ lại câu chuyện cách đây 24 năm về trước.

Trong lúc nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay Yak 40 mang số hiệu VN-474 chở 31 hành khách rơi xuống thung lũng Ô Kha (xã Sơn Trung, H.Khánh Sơn, Khánh Hòa), đoàn cứu hộ trên chiếc trực thăng Mi-8 chở 7 người, do cơ trưởng Nguyễn Quang Vinh cầm lái cũng không may gặp nạn tại Ô Kha.
Lá thư cuối cùng của phi công Nguyễn Quang Vinh, cơ trưởng trực thăng cứu hộ Mi-8 gửi về cho chị Lan trước lúc anh hy sinh Ảnh: Nguyễn Tiến

Thư cuối
Chị Nguyễn Thị Lan chia sẻ: “Năm ấy, chiếc trực thăng Mi-8 cũng rơi ở địa hình rừng núi hiểm trở, như chiếc trực thăng EC-130T2 bây giờ. Các anh đều hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ, khi tuổi đời còn rất trẻ. Vì là người từng chịu nhiều đau thương mất mát, nên tôi hiểu được nỗi đau của những thân nhân 3 chiến sĩ ấy. Tôi đã sống trong chờ đợi, với bao nỗi hy vọng ròng rã suốt 1 tháng trời. Hy vọng rằng, chiếc trực thăng của chồng mình chỉ hạ cánh đâu đó trong rừng sâu và mọi người sẽ tìm ra. Nhưng rồi, bao nhiêu hy vọng ấy lại dần vụt tắt, khi tôi chẳng có chút tin tức gì về anh”.
Kìm nén nỗi đau, chị Lan nhớ lại hình ảnh của chồng mình trước lúc anh hy sinh. “Lúc đó, anh nói rằng, mình sẽ trở về sau 2 tuần làm nhiệm vụ trực cấp cứu ở sân bay 937, Phan Rang. Vì tôi cũng đang mang thai, nên luôn ngóng trông từng ngày để được đoàn tụ cùng anh. Rồi ngày cuối cùng của tuần thứ 2 cũng đến, đó là ngày 14.11.1992. Cũng ngay lúc này, chiếc máy bay Yak 40 bị rơi, nên anh được chỉ đạo tiếp tục ở lại và đến Ô Kha để đi tìm kiếm”, chị Lan ngậm ngùi.
Những năm ấy, hầu như việc liên lạc qua lại giữa chị Lan và chồng mình chỉ qua thư từ. Ngày phi công Nguyễn Quang Vinh tiếp tục lên đường nhận nhiệm vụ, anh có viết gửi cho vợ mình một lá thư. Đó là lá thư duy nhất kể từ ngày anh đi và cũng chính là lá thư cuối cùng. Anh đã nhờ 1 người bạn ở tổ bay 831 gửi thư cho chị Lan, sau khi anh tiếp tục thay thế cho tổ bay này để tìm kiếm chiếc máy bay Yak 40.
“Trong thư, anh nói rằng mình phải lên Nha Trang thay thế cho chiếc 831 đã hết giờ, nên không thể nào về nhà như đã hẹn. Anh nói nhớ tôi và con nhiều lắm. Anh luôn tính từng ngày, từng giờ để được trở về đoàn tụ cùng tôi và con. Anh còn nói, anh luôn nằm mơ thấy tôi và đứa con của chúng tôi đang lớn dần trong bụng. Anh đã dặn dò tôi đủ điều, nào là phải biết giữ gìn sức khỏe, nào là phải cố gắng ăn ngủ đúng giờ lúc anh không có ở nhà...”, chị Lan kể.
Dự định dang dở
Cho đến khi trực thăng cứu hộ Mi-8 gặp nạn, chị Lan vẫn không hề hay biết.
“Hôm đó khoảng 2 giờ chiều, tôi đang ngồi nói chuyện cùng một người bạn, thì bỗng nhiên nhìn thấy chiếc máy bay bay ngang qua nhà. Vì nghĩ rằng anh về, nên tôi vội vàng vào nhà vét hết cơm và thức ăn để mang vào trong đơn vị cho anh. Khi đến cổng đơn vị, tôi gặp một chiếc ô tô chở tốp chiến sĩ đi ra, nên liền hỏi: “Đi đón anh Vinh hả?”. Nghe vậy, mấy anh trong xe nói vọng ra: “Anh Vinh chưa về”. Khi đó, mọi người đã biết chuyện chiếc trực thăng của anh Vinh bị rơi và đang ra sân bay chuẩn bị cho các chuyến bay khác đến Ô Kha để tìm kiếm tổ bay 832 của anh. Nhưng có lẽ họ thấy tôi đang mang thai, nên đã cố giấu”, chị Lan nhớ lại.
Linh cảm có chuyện không hay, chị Lan tiếp tục vào Sở chỉ huy để hỏi. “Lúc này, người ta nói rằng: “Vinh chỉ hạ cánh đâu đó chứ làm sao rơi được. Vinh vào, ra đồi A1 (vùng địa hình hiểm trở và nguy hiểm ở Camphuchia - PV) như cơm bữa còn không sao”. Nghe xong, dù bất an nhưng trong lòng tôi cũng được an ủi phần nào. Cho đến khi nghe tin anh mất, tôi cứ như người mất hồn. Lúc tỉnh lại, tôi mới nhận ra mình đã thật sự mất anh rồi. Vì không chịu nổi cú sốc này, tôi cứ gào thét lên và chỉ muốn chết đi vì nghĩ không có anh, cuộc sống của tôi cũng chẳng còn ý nghĩa gì cả”, chị Lan xúc động.
Lau vội đi giọt nước mắt, chị Lan nói tiếp: “Tôi còn nhớ, mình và anh đến với nhau được 2 năm 2 tháng và 22 ngày. Anh luôn yêu thương, chăm sóc cho tôi rất chu đáo. Lúc anh lên đường nhận nhiệm vụ, tôi đang mang thai hơn 3 tháng và anh đã rất mong chờ ngày con mình chào đời đến nhường nào. Di vật cuối cùng đơn vị chuyển về từ chuyến công tác không trở lại của anh cho tôi đó là bộ quần áo, bình sữa của em bé. Cứ nghĩ khi con mình sinh ra chưa một lần được gọi tiếng ba, là tôi lại khóc. Rồi tôi nhận ra mình có khóc thì anh cũng không quay trở lại, cái quan trọng là phải thực hiện được nguyện ước cuối cùng của anh”.
“Nguyện vọng của anh là khi trở về, anh sẽ cùng tôi dọn về nhà mới và chăm sóc, nuôi dạy con cái đến khi trưởng thành. Anh còn nói với tôi, nếu sinh con gái thì sẽ đặt tên là Trâm Anh, nếu con trai thì đặt tên Bảo Trung. Sau khi anh mất, tôi hạ sinh con gái đầu lòng. Thế là tôi quyết định lấy tên “Bảo” trong Bảo Trung, “Anh” trong Trâm Anh để tên ghép lại đặt tên cho con và nuôi dạy con khôn lớn, trưởng thành và hiếu thảo như bây giờ để anh được an lòng”, chị Lan chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.