Nội trú - Góc khuất sau cổng trường: Những cuộc tình... fast food

17/10/2018 08:22 GMT+7

Không điện thoại, không internet, không giao du với thế giới bên ngoài nên mỗi ngày của học sinh nội trú chỉ quanh đi quẩn lại những gương mặt đã quá quen...

Để giải trí và giết thời gian, nhiều học sinh bắt cặp yêu đương ngay trong trường.
Những mối tình chớp nhoáng, những tình yêu dễ dãi không ngày mai vẫn diễn ra hằng ngày dưới cặp mắt của giáo viên quản nhiệm nhưng họ thường không phản đối. Thậm chí chấp nhận chuyện yêu đương của học sinh như cách để giúp những đứa trẻ mới lớn giải tỏa căng thẳng.
Yêu cho qua ngày đoạn tháng
Khu hành lang lầu 4 Trường THPT P.H (Q.12) khoảng từ 15 - 20 giờ mỗi ngày đều nhộn nhịp trai gái hẹn hò. Việc nắm tay, thể hiện tình cảm diễn ra tự nhiên. Trong số đó, có những học sinh yêu nhau đã vài tháng nhưng có những em mới yêu nhau vài ngày.

Vừa chia tay người yêu, P.T.T (học sinh lớp 8) chạy sang phòng nhờ tôi cắt tóc. Mấy học sinh khác nói vui: “Mày bị bỏ nên xuống tóc hả?” T. hồn nhiên kể: “Thằng kia bỏ con rồi, con buồn quá, con không muốn chia tay nhưng nó bảo con với nó không hợp. Con là người thương nó trước nhưng lúc đầu nó không đáp lại nên con yêu người khác. Được một thời gian thì nó ngỏ lời, sao mà không động lòng chứ? Vậy mà mấy hôm nay bạn trai con cứ đòi chia tay”.
Trước câu hỏi yêu vậy có ảnh hưởng tới việc học không? Khi một trong hai bạn ra khỏi trường nội trú thì tình cảm có tiếp tục không? T. trả lời: “Yêu trong trường chỉ cho vui thôi. Đâu phải một mình con, hầu hết các bạn vào đây vài ngày đã có người yêu rồi. Dù bên ngoài đã có người yêu nhưng vào trường tù túng, buồn quá chẳng có việc gì làm nên yêu cho vui và cũng để ngày tháng qua nhanh”.

Để chăm sóc cho người yêu bị bệnh, trước giờ cơm N.T.Vân (học sinh lớp 11) hớt hải chạy lại hỏi tôi cách pha trà gừng rồi nói: “Bạn trai con bị sốt, cô cho nhiều gừng chút nha”. Giờ cơm hôm đó bạn trai Vân cũng không xuống ăn cơm nên Vân phải lấy phần lên phòng. Trong giờ hoạt động tự do, Vân mang cơm ra hành lang ngồi ăn cùng bạn trai. Cạnh đó là vài cặp trai gái nắm tay nhau ngồi tâm sự. Việc thể hiện tình cảm của học sinh trước mặt mọi người như thói quen, thậm chí các em còn nằm lên đùi nhau ngay tại lớp học. Không phải giáo viên không biết mà họ coi đó là cách để kiềm lại những bức bối của học sinh. “Nếu không cho yêu thì chắc chắn lại phát sinh thêm những chuyện khác như đánh nhau hoặc gây chuyện phá phách. Việc đặt khu nội trú nam - nữ gần nhau đôi khi lại tốt hơn tách ra”, một quản nhiệm chia sẻ.
Dù mới hôm trước cô bé Khánh Linh còn nức nở vì vào học nội trú mà chưa kịp chia tay bạn trai nhưng hai ngày sau tôi đã nghe em và một bạn trai khu nội trú lầu 5 yêu nhau.
Giải thích việc chưa chia tay người yêu cũ mà Linh đã vội có người yêu mới trong trường, một học sinh nêu ý kiến: “Giờ chưa ra ngoài được thì cứ yêu trước. Ở đây hầu hết các bạn chấp nhận yêu ngắn. Ở thì yêu, đi thì thôi, không ai giận hờn gì cả”. Ngay cả Quỳnh, cô bé mới vào được vài ngày cũng nhận được hàng chục lá thư tán tỉnh. Có thư rủ Quỳnh yêu thử nếu được thì yêu thật nhưng nghĩ mình sắp chuyển trường không mặn mà chuyện yêu đương nên Quỳnh không hồi đáp.
Hành lang khu nội trú được xem là nơi hẹn hò lý tưởng của học sinh

Yêu đồng tính học đường
Không chỉ nam nữ học sinh yêu nhau trong trường mà còn có cả những cặp học sinh đồng tính (LGBT) yêu nhau. Vì không có phòng riêng nên học sinh là LGBT ở chung với những học sinh khác. Trong môi trường sinh hoạt, tắm rửa tập thể khiến một số em nảy sinh tình yêu đồng giới ngay trong trường. Để được tự do bày tỏ tình cảm, các em chọn ở chung phòng, thậm chí là ngủ chung giường.
Trước khi vào nội trú Trần Khánh Ly (15 tuổi) có bạn trai nhưng sau này Ly quen với T.N.Hân (một bạn là LGBT). Việc thể hiện tình cảm càng dễ dàng hơn khi học sinh là người được lựa chọn phòng ở. Ly và Hân chọn ở cùng giường. Trước mặt bạn bè và thầy cô Ly và Hân vẫn công khai tình cảm. Mỗi ngày trước khi đi tắm, thay đồ Hân luôn là người lấy đồ cho Ly, Hân chăm sóc cho Ly khiến cô bé luôn có cảm giác an toàn và nhiều suy nghĩ tích cực. Gia đình Hân đã biết và chấp nhận giới tính cũng như chuyện yêu đương của con nhưng gia đình Ly có biết con mình trải qua tình yêu đồng giới trong trường?
Chứng kiến việc Ly và Hân thể hiện tình cảm hằng ngày, một học sinh trong phòng chia sẻ: “Yêu đương con không quan tâm nhưng những hành động âu yếm quá mức khiến chúng con cảm thấy kỳ cục. Nhưng giáo viên không có ý kiến thì chúng con cũng... chịu thôi, nên tốt nhất là lơ đi”. Một lần hỏi Hân về việc là LGBT nhưng lại ở cùng học sinh nữ, ngủ chung, tắm chung em thấy thế nào? Hân cho hay lúc đầu em cũng thấy bất tiện nhưng dần quen và cảm thấy bình thường.
Từ những phản ánh của học sinh tôi hỏi một số quản nhiệm có từng đề xuất phòng riêng cho các học sinh là LGBT không? Hầu hết đều trả lời rất khó bởi cơ sở vật chất không cho phép và đặc biệt là không có nhân sự phụ trách. Tuy nhiên, nếu kéo dài tình trạng ở chung trong trường thì không những gây bất tiện cho những học sinh là LGBT mà còn khiến các học sinh khác lo lắng.
Những lá thư tay
Hoàn toàn không sử dụng điện thoại di động, internet, ti vi cũng cực kỳ hạn chế nên kênh thông tin của học sinh với giáo viên và học sinh với nhau chủ yếu qua những lá thư viết tay. Những lá thư làm quen bạn mới, nhắc nhở bạn làm sai, tâm sự một chuyện buồn được học sinh trao tay nhau hằng ngày tại khu nội trú.
Ở cùng học sinh thời gian ngắn nhưng tôi cũng nhận được không ít lá thư chan chứa tình cảm, có thư dài gần hết một tờ giấy đôi. Trong đó học sinh kể những uất ức của mình đã từ lâu không nói được với ai. Đôi lần cầm lá thư của học trò trên tay mà mắt tôi nhòa đi. Hồi âm, tôi phải nắn nót từng chữ để an ủi các em. Vì sợ bị phát hiện, rồi bị thu thư, cũng như các em lúc gửi, tôi lại lén để dưới gối em như một món quà. Hy vọng những dòng tôi viết sẽ giúp em phần nào an tâm. Không thể ở cùng em lâu hơn nhưng tôi biết, tôi và em sẽ nhớ nhau hay ít nhất tôi sẽ luôn giữ lá thư của em bên mình…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.