Nóng bỏng mổ xẻ vụ 'cá nục nhiễm phenol'

14/06/2016 18:39 GMT+7

Chiều 14.6, UBND tỉnh Quảng Trị chủ trì cuộc họp mổ xẻ vụ “cá nục nhiễm phenol”. Đã có nhiều ý kiến, tranh luận trái chiều.

Cuộc họp do ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo đầu ngành của các Sở Y tế, NN-PTNT, KH-CN, TN-MT, Công thương...
Chỉ 20 tấn chứ không phải 30 tấn
Là người “mở đầu”, ông Hồ Sỹ Biên, Chi cục trưởng Chi cục quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) một lần nữa tái khẳng định: “Phenol là chất độc, với hàm lượng như vừa phát hiện khó gây ngộ độc cấp nhưng đây là chất hấp thu nhanh, khó đào thải. Sử dụng lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến tế bào não, gây bệnh tim mạch, ung thư...”.
Cũng theo ông Biên số lượng cá nục không phải là 30 tấn và được thu mua cùng 1 lần như chủ vựa cá khai báo ban đầu. “Thực tế, sau khi kiểm tra lại thì chỉ có khoảng 20 tấn và được chủ vựa cá mua trong nhiều ngày ngay sau thời điểm cá chết bất thường, cụ thể là 9 lần. Chúng tôi cũng đặt ra nghi vấn có thể chủ vựa cá thu mua lẫn lộn cá từ sự cố cá chết bất thường”, ông Biên nói.
Chính vì điều này nên ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho rằng, cần phải xem lại quy trình lấy mẫu của lần đầu (ngày 7.6) của Sở Y tế. “1 mẫu không thể đại diện cho 9 lô cá gộp lại trong 1 lô 20 tấn được”, ông Hưng nói.
Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho rằng việc lấy 1 mẫu trong 20 tấn cá gộp lại từ 9 lô là chưa đại diện được đầy đủ ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Còn ông Phan Hữu Thặng, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NN-PTNT Quảng Trị) thông tin, từ tháng 5 đến nay đơn vị đã lấy 48 mẫu hải sản do ngư dân đánh bắt xa bờ đi kiểm nghiệm và có tới 41 mẫu đảm bảo các chỉ số an toàn. “Lô cá nục nhiễm phenol là cá đông lạnh, đã được thu mua ngay sau thời điểm cá chết 10 ngày. Còn hải sản trong thời gian gần đây đều an toàn. Cần phải nói rõ như vậy để người dân không hoang mang”, ông Thặng nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế thông tin rằng, kết quả xét nghiệm hải sản ngay tại thời điểm cá chết (giữa tháng 4) cho thấy hàm lượng phenol gấp cả trăm lần hàm lượng 0,037 mg/kg phát hiện tại lô cá nục đông lạnh.
Cần xây dựng bộ quy chuẩn
Tại cuộc họp, đại diện Sở Y tế và Sở NN-PTNT đều thừa nhận hiện nay tại Việt Nam chưa có quy chuẩn nào đối với hàm lượng phenol có trong thực phẩm. Bản thân ông Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Quảng Trị cũng cho rằng hiện có rất ít tài liệu nói về vấn đề này, kể cả nước ngoài.
Lô cá nục nhiễm phenol đang được niêm phong tại vựa cá của là Lê Thị Thuộc (TT.Cửa Tùng, H.Vĩnh Linh) ẢNH: THANH LỘC

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Bốn chất vấn: “Khi ta chưa có quy chuẩn cụ thể về hàm lượng phenol trong thực phẩm thì tại sao ngành Y tế lại ra văn bản tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị tiêu hủy số cá nục nói trên? Đây có phải là điều vội vàng?”.
Còn ông Thặng thì cho rằng, các cơ quan chuyên môn cần phải để xuất lên các Bộ ngành T.Ư xây dựng bộ quy chuẩn về phenol trong thực phẩm, bao nhiêu là vượt giới hạn, chứ không thể nói chung chung như hiện nay được. “Xây dựng được cái này lần sau cứ thế mà chiếu vào, không để lúng túng và tranh cãi”, ông Thặng nói.
Ông Hồ Sỹ Biên, Chi cục trưởng Chi cục quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) cho biết quyền phát ngôn về kết quả kiểm nghiệm tới đây sẽ do Cục An toàn thực phẩm công bố ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Trả lời câu hỏi của của phóng viên về việc khi nào sẽ có kết quả về số mẫu vừa được lấy thêm tại vựa cá của bà Thuộc ngày 13.6 và ai sẽ là người công bố, ông Biên cho hay: “Cái này giờ đã không thuộc thẩm quyền của chúng tôi nữa rồi. Tôi vừa nhận chỉ đạo của T.Ư, khi có kết quả thì Cục An toàn thực phẩm sẽ công bố với dư luận. Còn hiện nay, chúng tôi vẫn niêm phong 20 tấn cá trên và tiếp tục đi kiểm nghiệm mẫu cá tại các kho lạnh khác”.

Đừng để sai 1 ly đi 1 dặm
Đó là kết luận của ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tại cuộc họp. Nhìn nhận lại toàn bộ vụ việc, ông Đồng nhắc nhở Sở Y tế cần thận trọng hơn trong việc lẫy mẫu, công bố thông tin; nhắc Sở NN-PTNT phải có sự phối hợp nhịp nhàng hơn với các cơ quan liên quan; yêu cầu lãnh đạo các cơ quan khi phát ngôn trước báo chí phải chắc chắn, rõ ràng...
“Đừng để “sai 1 ly mà đi 1 dặm”. Vì thông tin kiểu như thế này sẽ có sự tác động khủng khiếp đến dư luận, đến sản xuất ngư nghiệp, thậm chí kéo theo cả du lịch dịch vụ. Trong khi chúng ta chỉ vừa tạm gượng dậy sau “thảm họa môi trường” cá chết”, ông Đồng nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.