APEC với cúm gia cầm

17/11/2005 23:28 GMT+7

Hôm nay, Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sẽ khai mạc tại thành phố cảng Busan của Hàn Quốc. Khá nhiều vấn đề quan trọng đang chờ 21 vị nguyên thủ trong 2 ngày diễn ra hội nghị.

Có thể khẳng định, thương mại, chống khủng bố và cúm gia cầm là những nội dung nổi bật nhất trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo APEC. Chưa có năm nào mà nguy cơ về một đại dịch cúm lại khiến mọi người lo sợ như hiện nay và không khí ấy cũng lan tỏa đến Busan. Tìm phương cách giải quyết mối đe dọa mới nhất của nhân loại là không dễ khi hầu như ngày nào trên thế giới cũng phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh mới. Nhu cầu đối phó với cúm gia cầm càng trở nên cấp thiết khi các tổ chức tài chính lớn trong các dự báo đưa ra gần đây đều cho rằng nếu xảy ra một đại dịch, nền kinh tế thế giới sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng. Hội nghị lần này là cơ hội tốt để các lãnh đạo APEC (chiếm khoảng một nửa tổng kim ngạch thương mại toàn cầu) gặp gỡ, nhất là trong số các thành viên có một số nước hiện đang là điểm nóng của cúm gia cầm. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến xứ sở kim chi đem theo một tin không vui: đã có những trường hợp đầu tiên người nhiễm vi-rút cúm gia cầm ở nước này, trong đó ít nhất 1 người đã chết. Riêng Tổng thống Mỹ G.Bush dự kiến sẽ đưa nguy cơ cúm gia cầm gây ra một trận dịch lớn toàn cầu cùng với chống khủng bố, là các vấn đề quan trọng trong 2 ngày hội nghị.

Về thương mại, nhiều khả năng các nhà lãnh đạo sẽ đưa ra tuyên bố ủng hộ vòng đàm phán thương mại mới tại Hồng Kông vào tháng tới để tiến đến một thỏa thuận tự do thương mại toàn cầu. Đáng chú ý là trong cuộc họp cấp bộ trưởng trước đó 2 ngày, các đại biểu đã hoàn toàn ủng hộ Việt Nam và Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, sau cuộc gặp tại Gyeongju, cố đô của Triều Tiên, Tổng thống Bush và Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun tuyên bố "sẽ không chấp nhận" một CHDCND Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và thống nhất rằng sẽ giải quyết vấn đề này thông qua con đường ngoại giao hòa bình. Quan điểm của ông Roh là vòng đàm phán 6 bên tiếp theo về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng nên được tổ chức càng sớm càng tốt nhằm tìm ra bước đột phá. Vòng đàm phán mới nhất đã chấm dứt hôm thứ sáu tuần trước sau khi các bên viện lý do đạt được quá ít tiến bộ. Về phần mình, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết sẽ không đáp ứng yêu cầu của CHDCND Triều Tiên đòi phải được cung cấp một lò phản ứng hạt nhân nhẹ chạy bằng hơi nước trước khi giải giới. "Chúng tôi sẽ xem xét lò phản ứng này vào một thời điểm thích hợp, đó là khi họ chính thức từ bỏ vũ khí và chương trình hạt nhân của mình", ông Bush khẳng định.

Xuân Anh
(Theo AP, AFP)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.