Phá đường dây tội ác lớn nhất Việt Nam (vụ án Năm Cam và đồng bọn)

20/12/2005 16:34 GMT+7

Phiên tòa xét xử vụ án Năm Cam và đồng bọn đã qua hơn hai năm. Những bản án nghiêm khắc đã làm yên lòng phần nào những người dân từng bị thử thách lòng tin trước sự bạo ngược giữa ban ngày của cái ác. Một số kẻ tội phạm đã không còn có mặt trong cuộc sống, một số khác đang bị thụ hình, và cũng có một số đã được đặc xá trước thời hạn. Trở lại vụ án này, là để chúng ta cùng nhìn lại sự kiện có một không hai đã xảy ra trong lịch sử xét xử của tòa án Việt Nam, với số lượng bị cáo, số người liên quan, với tầm mức phạm tội nghiêm trọng của quá nhiều người, trong đó có những quan chức cấp cao.

Nhân kỷ niệm sinh nhật 20 năm báo Thanh Niên (3/1/1986- 3/1/2006), chúng tôi in lại những bài báo tiêu biểu nhất trong số đó (trong cuốn sách mang tên Phá đường dây tội ác lớn nhất Việt Nam (vụ án Năm Cam và đồng bọn) đang được phát hành bởi NXB Trẻ), như một cách để khẳng định lần nữa con đường đã chọn của mình: bảo vệ nhân dân, bảo vệ pháp luật, bảo vệ lẽ phải và cái đúng.

Trở lại vụ án Năm Cam và đồng bọn vào thời điểm chúng ta đã có Luật Chống tham nhũng, chúng tôi muốn chia sẻ với bạn đọc một điều thật đơn giản nhưng lại cực kỳ quan trọng: đạo lý Việt Nam luôn đề cao tình người, lẽ phải, cái thiện. Nếu ai đó vi phạm đạo lý này, họ sẽ phải trả giá. Gieo nhân gì sẽ gặt quả nấy. Quyền lực cao đến mấy cũng không thể cao hơn nhân dân, pháp luật; sự vi phạm đến từ bất cứ đâu, ở bất cứ cấp độ nào rồi cũng sẽ bị trừng phạt, chẳng chóng thì chầy !

Nội dung cuốn sách sẽ đi theo lịch trình của vụ án - điểm lại những nội dung tiêu biểu nhất từng công bố trên báo Thanh Niên:

- Loạt bài thứ nhất năm 1995 (10 bài), từ ngày 13 đến ngày 29 tháng 6. Trong đó, Thanh Niên công bố khá chi tiết về đường dây tội ác do Năm Cam tổ chức và bảo trợ, đã hoạt động nhiều năm trong lòng thành phố Hồ Chí Minh, gây bao nhiêu tai họa cho người dân, với những cuộc thanh toán rùng rợn của các băng đảng giang hồ, những cuộc lưu huyết bằng dao găm mã tấu và những cuộc truy sát bằng súng gây náo loạn cả trung tâm thành phố.

Xin nhấn mạnh là ngay từ thời điểm giữa năm 1995, Thanh Niên đã lớn tiếng báo động về những thế lực đứng đàng sau băng nhóm của Năm Cam, tạo vây cánh cho băng nhóm này lớn mạnh và nhân rộng, phủ trùm lên khắp thành phố, không ai khác hơn là những quan chức trong bộ máy công quyền: 

“… Trong khi Năm Cam và một số đàn em thân cận đã bị bắt và đang tỏ ra ngoan ngoãn cung khai các tội trạng của chúng, kể ra vanh vách từng cơ sở, từng tên đàn em, điểm danh một số cán bộ thoái hóa có quan hệ với tổ chức của chúng trước cơ quan điều tra, thì ở nhà, vợ của Năm Cam lại viết đơn gửi đến báo Thanh Niên và các cơ quan nhà nước để kêu oan với sự “đồng thanh tương ứng” của một số cán bộ thoái hóa nào đó”.

“… Luận điệu cho rằng Năm Cam là người của cơ quan điều tra nào đó cài vào giới tội phạm để “dĩ độc trị độc” là một kiểu tung hỏa mù ấu trĩ nhằm chạy tội cho những cá nhân thoái hóa, những cơ quan đồng lõa với tội ác. Bởi lẽ tại sao khi Năm Cam nằm vào một tổ chức tội phạm thì tổ chức đó lại ngày càng phát triển quy mô lớn? Và tại sao nhiều sòng bạc, nhiều trường gà không thể dẹp được, nạn đâm chém, nạn bảo kê vũ trường, nhà hàng, quán bar không giảm? Phải chăng vì luận điệu này mà trùm Năm Cam ngang nhiên sống như một ông hoàng và công khai tồn tại cho đến ngày hôm nay mới bị bắt? Và phải chăng nhờ vào luận điệu này mà những cán bộ thoái hóa, những cơ quan đồng lõa với tội ác vẫn chưa bị sự xử lý thích đáng?”

“… Điều mà dư luận e ngại hơn hết là liệu những cán bộ thoái hóa, những cơ quan đồng lõa với tội ác đó có được vạch mặt và xử lý nghiêm minh hay không? Chính những cá nhân, cơ quan này mới là chỗ dựa cho sự tồn tại và phát triển của các tổ chức tội phạm”.

(Bài Dư luận đòi hỏi phải xử lý kiên quyết bọn tội phạm trong tổ chức Năm Cam và những cá nhân, cơ quan đồng lõa với tội ác- Thanh Niên 25.6.1995).

- Loạt bài thứ hai năm 2001 (23 bài), từ ngày 13 đến ngày 31 tháng 12, sau khi Năm Cam bị bắt lần thứ hai. Người đọc có thể nhận ra, nhờ vào sự kiên định của những người thực tâm muốn bảo vệ pháp luật, giữ gìn sự an bình cho cuộc sống nhân dân, mọi tầng nấc trong tổ chức của Năm Cam dần được bóc gỡ, chân tướng của trùm xã hội đen Năm Cam và những tay chân thân cận của y đã lộ rõ. Và quan trọng hơn, những thế lực đứng đàng sau Năm Cam đã không còn ở thế bất khả xâm phạm. Sự vào cuộc kiên quyết của Bộ Công An, những xác tín như đinh đóng cột của Bộ trưởng Bộ Công An Lê Minh Hương, sự tận tụy hết mức của Ban Chuyên án, đứng đầu là thiếu tướng Nguyễn Việt Thành, cho thấy giờ cuối của tổ chức tội phạm này đã điểm.

Điều được nhấn mạnh trong loạt bài này, là các vụ án đâm chết cảnh sát hình sự Phan Lê Sơn và bắn chết trùm xã hội đen Dung hà ngay giữa trung tâm thành phố, cho thấy băng đảng Năm Cam đã lộng hành đến mức ngang nhiên tác oai tác quái ở bất cứ đâu chúng muốn, không hề biết đến sự tồn tại của pháp luật.

- Loạt bài thứ ba năm 2002 (66 bài), từ ngày 2 tháng 1 đến ngày 20 tháng 12, dài nhất trong tập sách, trong đó bạn đọc được cung cấp chi tiết nhất về những tội phạm hàng đầu từ nam chí bắc trong tổ chức Năm Cam, và những thông tin đáng lên án về một số quan chức đã che chở, bảo kê cho Năm Cam.

Những quan chức thoái hóa này đã đặt quyền lợi cá nhân cao hơn quyền lợi nhân dân, đã vi phạm điều không được quyền vi phạm: được sinh ra và nuôi dưỡng bởi nhân dân, lẽ ra phải bảo vệ dân, họ lại bảo vệ kẻ làm hại dân. Một số người trong đó, từng là những cán bộ ưu tú, đã để tiền bạc và những thụ hưởng đen tối nhấn chìm, cam tâm đứng về phía bọn tội phạm, phản bội nhân dân, họ đã thản nhiên nhìn bọn xã hội đen sát hại thuộc cấp của mình, và tệ hại hơn, đã tìm cách chạy tội cho chúng.

Một số nhà báo đã để tiền bạc điều khiển ngòi bút, coi rẻ trách nhiệm người làm báo, đành lòng đứng về phía tội ác, bênh vực, bao che bọn tội phạm, thay vì phải làm ngược lại.

Trong vụ án giết cảnh sát hình sự Phan Lê Sơn được tách riêng ra(10 bài), bạn đọc sẽ hiểu vì sao bọn tội phạm xã hội đen có thể muốn làm gì thì làm, dám chà đạp mọi đạo lý trên đời như  thế: bởi chúng đã nắm được “những tù binh sang trọng”,  những con rối đã hoàn toàn nằm trong bàn tay vấy máu của bọn chúng.

- Loạt bài thứ tư năm 2003 (37 bài), từ ngày 26 tháng 2 đến ngày 6 tháng 6, tường thuật từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng phiên tòa xét xử vụ án Năm Cam và đồng bọn, kéo dài hơn ba tháng.

Loạt bài này vạch trần tất cả những gì mà bọn tội phạm xã hội đen và những kẻ bảo kê cho chúng đã bộc lộ khi ra trước vành móng ngựa. Có người đã nhận ra tội ác của mình, thực sự ăn năn, cũng có kẻ nhất định chối tội, tìm mọi cách để biện minh cho những việc làm phỉ báng đạo nghĩa của mình. Nhưng dù họ có nhận tội hay không, pháp luật công minh cũng buộc họ phải trả giá cho những hành vi phạm tội, bằng những bản án cụ thể.

Trong vụ án này, báo chí đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Từ sự xung trận của những tờ báo mạnh dạn nhất, nhiều tài liệu thông tin đã được công bố trên mặt báo, giúp những người bảo vệ luật pháp có thêm cơ sở để xét xử đúng người, đúng tội. Và báo Thanh Niên, đi đầu trong công việc này, đã đăng tải  400 bài báo và cũng chừng ấy tin tức về vụ án.

THANH NIÊN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.