Phải đến tận nơi dân cần

20/08/2013 03:05 GMT+7

Không bắt dân phải đi vòng vèo mà không nhận được kết quả gì là “đặt hàng” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên thảo luận về dự luật Tiếp công dân sáng qua (19.8).

Phải đến tận nơi dân cần

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị về Đường Lâm nghe kiến nghị của dân - Ảnh: Mai Trinh

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Tiếp công dân của Ủy ban Pháp luật cho rằng: Để đảm bảo hiệu quả thì hoạt động tiếp công dân cần được đặt trong mối liên hệ với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và là một khâu tiền đề cho quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo đó, tiếp công dân là hoạt động thường xuyên, là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là những cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân.

Rà soát lại toàn bộ dự luật

 

Lâu nay, tiếp dân là vòng vèo, là trục trặc nên mới xảy ra rất nhiều đơn thư tồn đọng, vượt cấp. Gửi đơn thì như chim đưa thư, không biết đi đâu, nghe người dân trình bày, ghi chép xong rồi kính chuyển

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu, thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đề nghị điều chỉnh theo hướng gắn quy định về trách nhiệm người đứng đầu với trách nhiệm của các cơ quan này trong công tác tiếp công dân, nhằm phân biệt với trách nhiệm tổ chức tiếp công dân của các cơ quan dân cử (làm việc theo nguyên tắc tập thể) và các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập.

Mở đầu phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Điều tôi lo nhất là tiếp công dân rồi thì những thông tin mà người dân phản ánh, khiếu nại giải quyết thế nào. Kết quả giải quyết, trách nhiệm giải quyết rồi trả lời dân ra sao. Lâu nay, tiếp dân là vòng vèo, là trục trặc nên mới xảy ra rất nhiều đơn thư tồn đọng, vượt cấp. Gửi đơn thì như chim đưa thư, không biết đi đâu, nghe người dân trình bày, ghi chép xong rồi kính chuyển”...

“Làm thế nào để giải quyết xong rồi người dân tâm phục khẩu phục, dân đỡ khổ vì phải chạy lòng vòng", Chủ tịch QH “đặt hàng”.

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, nói: “Vấn đề mà Chủ tịch QH đặt ra cũng là điều mà chúng tôi trăn trở nhất. Chúng tôi sẽ rà soát lại toàn bộ dự luật và bổ sung thêm một số quy định, gắn trách nhiệm rõ hơn, giải quyết được những bất cập trong việc tiếp dân hiện nay”.

“Khi cực khổ nhất” thì dân mới phải đến

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng QH nêu vấn đề: Việc tiếp dân ở ngoài trụ sở tại những nơi khiếu kiện đông người... thì có quy định vào trong luật Tiếp dân hay không? Ông Phan Trung Lý nói: Dự luật đã quy định, nếu ở ngoài thì mời vào trụ sở còn khiếu nại đông người thì không gọi là tiếp công dân.

 Tuy nhiên, lý giải này không nhận được sự đồng tình của các ủy viên Thường vụ. Ông Trần Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH cũng cùng băn khoăn với ông Nguyễn Hạnh Phúc và cho rằng: Thực tế thời gian vừa qua việc lãnh đạo tiếp dân ở ngoài trụ sở, đến tận nơi để nghe dân bày tỏ nguyện vọng, kiến nghị... đã có hiệu quả rất tốt. Ông Giàu dẫn chứng việc Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cùng với ban ngành liên quan đến làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) để nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân vừa qua là một cách thức tiếp dân rất có hiệu quả. “Vấn đề tiếp tại trụ sở hành chính hay tiếp ngoài trụ sở hành chính cũng cần phải bàn thảo kỹ để đạt hiệu quả”, ông Giàu đề xuất.

 Ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH, nêu quan điểm, tiếp công dân ở ngoài trụ sở cũng rất thực tiễn và phải giải quyết. “Cán bộ cần phải đi giải quyết những tình huống cụ thể mà người dân đang cần, ngoài những cơ quan nhà nước, ngoài những trụ sở này kia...”.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, không chỉ trong trụ sở mới là tiếp công dân, “cái hiệu quả nhất” là tiếp xúc người dân tại cơ sở, khi cực khổ nhất thì họ mới phải lên trụ sở tiếp công dân. “Khi tiếp công dân đông người, hàng ngàn người họ kéo đến thì giải quyết như thế nào, tất cả kéo vào trụ sở thì giải quyết thế nào, đại diện ra sao, bao nhiêu người đại diện?”, ông Phúc nêu vấn đề.

Dân đến là hạnh phúc lớn

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH băn khoăn: “Nếu thiết lập một quy định hành chính quá cứng trong việc tiếp thì tôi cũng không biết có lợi cho người dân hay không. Quy trình chỉ là kỹ thuật, quan trọng nhất là có giải quyết được vấn đề người dân phản ánh hay không”. Bà Mai cũng chỉ ra một số bất cập quy định trong dự luật. Ví dụ, yêu cầu về giấy tờ người dân mang đến, ngoài giấy tờ tùy thân lại còn có thêm những “giấy tờ liên quan”. Điều này dễ gây cản trở cho người dân vì không biết “giấy tờ liên quan” là những gì để mà mang đến. Hay như quy định về tiếp công dân thường xuyên nhưng dự luật lại quy định trong giờ hành chính là không phù hợp.

Ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của QH phát biểu: “Phản ánh là không có giới hạn không gian, thời gian nào hết. Tất cả những cái người dân muốn xây dựng đất nước, hệ thống chính trị này cho tốt đẹp thì không có lý do nào ngăn cấm người ta cả, không thể bắt buộc người ta phải đến trụ sở tiếp dân...”.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban Công tác đại biểu của QH cũng cho rằng, đã gọi là tiếp công dân thì không kể ngày tháng, khi dân đến với cán bộ cơ quan nhà nước là hạnh phúc lớn đối với cán bộ, còn khi họ tự tổ chức, tụ tập đông người thì khó khăn sẽ càng khó khăn thêm. “Ở đâu có cơ quan tiếp dân thì dân đến là tiếp, chứ không nên quy định phải đến cơ quan tiếp dân nào, quy định như vậy dân không biết đến đâu cho đúng”, bà Nương nói.

Tuệ Nguyễn

>> Đổi mới toàn diện hoạt động tiếp dân
>> Nhiều địa phương chưa thực hiện tốt việc tiếp dân
>> Học Bác về thái độ tiếp dân
>> Cán bộ không được né tránh tiếp dân  

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.