Phẫn nộ ‘đội quân’ chó thả rông phóng uế bừa bãi

Bích Ngân
Bích Ngân
21/03/2020 14:16 GMT+7

Nhiều cư dân trong các chung cư ở TP.HCM rất bức xúc trước tình trạng chó thả rông, phóng uế bừa bãi. Những không gian công cộng, như: công viên, khu vui chơi dành cho trẻ em cũng bị chó 'chiếm dụng'.

"Nặng mùi" vì chó thả rông phóng uế bừa bãi

Tại khu An Hòa 5 chung cư Nam Long Tân Thuận Đông (P.Tân Thuận Đông, Q.7, TP.HCM) bây giờ chỉ cần nhắc đến chuyện đưa trẻ ra công viên dạo chơi thì nhiều phụ huynh lắc đầu, ngao ngán do không ít lần lần chứng kiến cảnh nhiều chó thả rông từ đâu đến đây phóng uế.
Theo lời kể của cư dân, tình trạng chó đến phóng uế trong bãi cỏ công viên không phải chuyện "bây giờ mới kể". Nhưng tầm 2 tháng gần đây, mật độ đàn chó đến phóng uế dày đặc hơn và bắt đầu có mùi hôi bốc lên nồng nặc nên cư dân đã kiến nghị lên Ban quản lý (BQL) nhưng vẫn chưa được khắc phục.
Anh P. (cư dân sống tại khu An Hòa 5) cho hay ngày nào nắng gắt, có gió thì mùi hôi bốc lên thở không nổi; người lớn hay con nít nghỉ ở nhà tránh dịch Covid-19 muốn ra công viên chơi nhưng rồi đành thở dài, lắc đầu. “Nhiều hộ dân ở các căn hộ chung cư lân cận cũng sẵn sàng chở chó vào tận bãi cỏ công viên trong khu vực này để đi vệ sinh - thậm chí có 4, 5 con cùng một lúc - mặc dù những người này đã nhiều lần bị cư dân nhắc nhở’, anh P. chia sẻ thêm.

Những chú chó mà cư dân đã quá "quen mặt" vì ngày nào cũng được dắt ra công viên phóng uế

Ảnh: Bích Ngân

Nhiều lần anh P. đề xuất lên BQL cấm hộ dân nuôi chó hoặc treo bảng cấm không để chó phóng uế ở công viên. Tuy nhiên, do từ đầu trong hợp đồng cho thuê căn hộ, không có quy định cấm nuôi chó mà chỉ ghi "nếu nuôi thì phải tuân thủ các quy định kèm theo của chung cư" nên không thể thực hiện.
Anh P. còn cho biết thêm xung quanh đây có khoảng 40-50 con chó được các hộ dân nuôi, nhưng đáng nói là chỉ  1 - 2 con có rọ mõm. “Cư dân nói chó không cắn đâu nhưng nếu tiếp tục để yên với chó thả rông thì tôi lo ngại sẽ có người bị chó cắn và lúc đó truy cứu sẽ phức tạp hơn. Riết rồi ở đây có vẻ giống như khu "tập kết" cho chó đi vệ sinh vậy”, anh P. nói.

Bài ca muôn thuở “chó không cắn đâu”

Anh T.N (cư dân lầu 1 khu An Hòa 5) cho hay anh đã ở đây hơn 10 năm nhưng chưa bao giờ thấy tình trạng chó thả rông nhiều như bây giờ. “Cuối tuần nào gia đình tôi cũng ăn sáng ở các quán đối diện khu công viên và thật ngạc nhiên khi thấy chó được thả rông mà không hề rọ mõm, thậm chí có những chú chó to, nặng chừng 40-50 kg. Đáng nói là người ta cho chó đi vệ sinh, đi dạo ngay khu trẻ em chơi”, anh T.N bức xúc.

Chó "cưng" chiếm công viên làm nơi phóng uế khiến cư dân ngao ngán

Ảnh: Bích Ngân

Chia sẻ về tình trạng này, anh Vĩnh Nhi, thành viên Ban quản trị (BQT) chung cư New Saigon (H.Nhà Bè, TP.HCM) cho biết: “Nhiều lần thấy cư dân dắt chó đi dạo mà không rọ mõm có nhắc nhở thì họ cho rằng chó còn nhỏ không cắn đâu. Cứ vậy hết lần này đến lần khác". Anh Nhi kể, mới đây có một người nước ngoài dẫn chó đi vô thang máy không có rọ mõm; nước dãi của chó chảy ròng ròng. Khi bảo vệ nhắc nhở họ nói "chảy thì chùi".
“Đôi khi người nước ngoài không nắm rõ quy định nên không tuân thủ và phản ứng; còn người Việt hiểu nhưng không tuân thủ vì mức phạt chưa đủ mạnh. Do đó, BQT rất cần sự phối hợp của chính quyền địa phương để phổ biến quy định cấm nuôi chó thành luật rõ ràng để dễ dàng xử lý”, anh Nhi kiến nghị.

Ban quản lý “bó tay”(?!)

Tiếp nhận phản ánh của cư dân về sự việc trên, ông Phạm Phi Long, Trưởng BQL chung cư Nam Long Tân Thuận Đông (Q.7) cho biết, nhận thấy vật nuôi được thả rông, phóng uế nơi công cộng không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường, sinh hoạt mà còn gây hại đối với sức khỏe và tính mạng cư dân xung quanh nhất là đang trong mùa dịch Covid-19, nên BQL yêu cầu các hộ dân đang bị ảnh hưởng cần tích cực tham gia phản ánh để BQL kịp thời nắm bắt thông tin; đồng thời cư dân cần phải đảm bảo ghi nhận chính xác, khách quan những hình ảnh về sự việc để BQL dễ dàng xử lý.  Ông Long cũng nêu khó khăn, BQL đã nhắc nhở rất nhiều lần nhưng không đủ chế tài để xử lý. 

Nhiều cư dân phản ứng gay gắt do chó thả rông phóng uế trong công viên

Ảnh: Bích Ngân

Còn ông Vũ Hữu Hùng, Trưởng BQT khu An Hòa 5, nói đã trực tiếp nhắc nhở nhiều lần đối với những trường hợp thả rông, cho chó phóng uế bừa bãi nhưng không thấy khắc phục, thậm chí có người còn tỏ vẻ khó chịu, hậm hực.
“Có hôm khoảng 5, 6 giờ sáng tôi thấy hộ dân ở các chung cư khác đi tập thể dục thì dắt chó theo cùng thậm chí có đến 2, 3 con. Cư dân lấy lý do dắt chó theo đi dạo rồi thản nhiên dừng ngay bên vệ cỏ, góc công viên trước khu An Hòa 5 để chó phóng uế”, ông Hùng cho biết.

Biết sai vẫn phạm

Luật sư (LS) Nguyễn Thị Mỹ Viễn, Đoàn LS TP.HCM, phân tích theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 5 và điểm d, khoản 1, Điều 7 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội, hành vi thả rông hoặc để động vật, gia súc phóng uế nơi công cộng sẽ bị phạt cảnh cáo 100.000 - 300.000 đồng đối với mỗi hành vi và buộc khắc phục hậu quả (dọn sạch khu vực quy phạm). Trong trường hợp BQL chung cư cấm nuôi động vật, gia súc nhưng cư dân vẫn bất chấp nuôi thì BQL dễ dàng xử lý do tòa nhà đã quy định cấm thì sẽ kèm biện pháp chế tài. “Tuy nhiên, trong quá trình xử lý cư dân, do BQL tòa nhà không phải là cơ quan hành chính nên nếu cơ dân không tuân thủ quy định (không nộp tiền phạt theo nội quy của chung cư) thì BQL tòa nhà chỉ có thể áp dụng chế tài tạm ngưng dịch vụ (cắt thẻ đi thang máy, cắt nước, gửi xe). Do vậy, nhiều cư dân nắm được điều này và vẫn cố tình vi phạm”, LS Viễn phân tích. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.