Án phúc thẩm tuyên phạt bị cáo 15 tháng tù

05/04/2014 02:35 GMT+7

Hôm qua 4.4, TAND tỉnh Bình Thuận đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án “trộm cắp tài sản”, tuyên Trần Thị Kim Nguyệt 15 tháng tù giam.

  Án phúc thẩm tuyên phạt bị cáo 15 tháng tù
Bị cáo Nguyệt tại tòa phúc thẩm - Ảnh: Q.H

Những ai sở hữu đàn dê?

Buổi sáng, tòa tập trung xét hỏi các nhân chứng, bị cáo, mẹ của bị cáo và bị hại nhằm làm rõ ai là chủ sở hữu đàn dê 54 con.

Nhân chứng Nguyễn Thị Lâm khai có ý định bán đất cho Nguyệt làm trang trại khi Nguyệt còn trong trường dòng (Nguyệt có 9 năm đi tu). “Nhưng không hiểu sao sau khi cô ấy về quê, tôi lại thấy Nguyệt làm giấy tờ cho cha dượng mình đứng tên. Sau này tôi mới biết Nguyệt có tranh chấp trang trại và đàn dê với cha mẹ mình”, bà Lâm khai.

Ông Huỳnh Ngọc Thành, Phó công an xã Sông Bình (thời điểm 2005), khai khi có tranh chấp đàn dê (năm 2005) chính ông và một số cán bộ khác đến lập biên bản. Biên bản này thể hiện Nguyệt có 27 con dê. Còn lại là dê cha mẹ Nguyệt đã bán cho vợ chồng bị hại Lê Thị Kim Y. Mặc dù trong biên bản giải quyết tranh chấp của Công an xã Sông Bình (năm 2005) khẳng định Nguyệt có 27 con dê nhưng cũng thể hiện rõ, “giao toàn bộ đàn dê cho vợ chồng bà Y chăm sóc và quản lý”. Các luật sư của Nguyệt cho rằng biên bản này không có ý nghĩa về pháp luật, nhưng đại diện Viện KSND tỉnh Bình Thuận khẳng định đúng pháp luật.

Buổi chiều, đại diện Viện KSND tỉnh Bình Thuận giữ quyền công tố tại tòa cho rằng có chứng cứ khẳng định “Nguyệt phạm tội trộm cắp tài sản”. Đó là hành vi Nguyệt lùa đàn dê đi trong đêm 28, rạng sáng 29.5.2005, trong khi giao dịch mua bán giữa cha dượng và mẹ Nguyệt với bị hại Lê Thị Kim Y đã hoàn thành.

Ngược lại, các luật sư tranh luận với đại diện Viện KSND cho rằng không đủ chứng cứ để khẳng định việc mua bán dê giữa cha mẹ Nguyệt và bị hại Lê Thị Kim Y. Vì hiện có tới 4 loại giấy tờ (đều là bản sao) mua bán trang trại và đàn dê. Khi bị hại cho rằng tờ giấy giao dịch ghi ngày 3.3.2005 là giấy chính, lập tức các luật sư chỉ ra giấy lập vào ngày 3.3.2005 nhưng đến 25.9.2006 Công an xã Sông Bình mới xác nhận!

Luật sư Phan Minh (bào chữa cho Nguyệt) còn phát hiện trong một bút lục tại hồ sơ, ông Trần Văn Lý (cha dượng Nguyệt) khai ông chỉ có 24 con dê. “Điều đó cho thấy đàn dê được sở hữu bởi hai người, đó là bị cáo và cha dượng mình”, luật sư Minh khẳng định.

“Cấp sơ thẩm có nhiều sai sót”

Các luật sư Phan Minh, Nguyễn Toàn Thiện, Lê Quang Y đưa ra tới 9 nội dung “thiếu minh bạch” của vụ án và hàng loạt sai phạm của cấp sơ thẩm đề nghị vị đại diện Viện KSND tỉnh tranh luận rõ từng vấn đề. Tuy nhiên, vị này chỉ nói ngắn gọn: “Hành vi lùa đàn dê đi bán của Nguyệt đã cấu thành tội trộm cắp tài sản. Việc mua bán giữa bị hại Lê Thị Kim Y và cha mẹ Nguyệt đã thành”. Việc các luật sư chứng minh trong số đàn dê rõ ràng là có dê của Nguyệt cũng bị công tố viên bác bỏ mà không nói rõ nguyên nhân.

Tòa cho rằng việc mua bán dê giữa ông Lý và bị hại là có thật, cho dù hồ sơ chỉ là giấy tờ bản sao. Biên bản mà Công an xã Sông Bình lập (năm 2005) là hợp pháp. Do vậy, quyền quản lý đàn dê thuộc bà Y. “Chưa đủ căn cứ để chứng minh đàn dê mà ông Lý bán cho bà Y có con dê nào của Nguyệt hay không. Nếu sau này bị cáo chứng minh được thì có thể kiện ông Lý ra tòa. Cấp sơ thẩm có nhiều sai sót, nhưng không làm ảnh hưởng đến vụ án. Bản thân bị cáo thừa nhận hành vi lùa đàn dê đi bán. Điều đó là trung thực và hơn nữa bị cáo bị kích động nên mới hành xử như vậy. Hiện nay, bị cáo có con nhỏ nên tòa quyết định sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng giảm án cho bị cáo”, chủ tọa phiên tòa nói khi tuyên án. Ngoài án tù, Nguyệt còn phải bồi thường bị hại số tiền 22,6 triệu đồng (tương đương 28 con dê).

Theo luật sư Phan Minh, hiện ông Trần Văn Lý đã chết nên việc chứng mình như tòa nói là vô cùng khó khăn. Còn luật sư Lê Quang Y nói: “Một vụ án mà từ sơ thẩm tới phúc thẩm chỉ dùng chứng cứ buộc tội bị cáo bằng giấy tờ phô tô, trong khi các chứng cứ vô cùng yếu ớt nhưng vẫn kết tội bị cáo. Gần 10 năm qua theo vụ án này, tôi thấy rất buồn...”.

14 lần xử sơ thẩm

Rạng sáng 29.5.2005, Nguyệt nhờ người đến chuồng dê (ở thôn Hòn Mốc, xã Sông Bình, H.Bắc Bình, Bình Thuận) lùa đàn dê đi. Sau đó Nguyệt gửi 24 con tại xã Lương Sơn cho một người quen, số còn lại Nguyệt chở đến đèo Đa Mi thuộc H.Hàm Thuận Bắc để bán cho một người lạ.

Sáng 29.5.2005 Công an H.Bắc Bình thu lại 24 con dê ở xã Lương Sơn bàn giao cho bà Lê Thị Kim Y quản lý. Ngày 31.5.2005 Công an H.Bắc Bình khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam Nguyệt. Ngày 7.10.2005 Nguyệt được tại ngoại. Ngày 18.10.2005 Công an Bắc Bình có kết luận điều tra. Ngày 23.11.2005 Nguyệt bị bắt giam lần 2. Ngày 2.12.2005 Chánh án TAND H.Bắc Bình ký lệnh bắt giam Nguyệt lần 3 (sau lần bắt giam thứ 2 không có lệnh tạm tha Nguyệt). Ngày 2.10.2006 Nguyệt bị bắt giam lần thứ 4 (TAND H.Bắc Bình ra lệnh). Ngày 1.11.2006 có lệnh tạm tha. Ngày 10.1.2014, trong phiên tòa sơ thẩm lần thứ 14 (tuyên 24 tháng tù), TAND H.Bắc Bình ra lệnh bắt giam Nguyệt...

Quế Hà

 >> Xét xử phúc thẩm 'kỳ án trộm dê' ở Bình Thuận
>> Kỳ án trộm dê' được HĐND tỉnh giám sát !
>> Kỳ án' trộm dê vi phạm tố tụng
>> Kỳ án trộm dê' - bức ảnh lịch sử
>> Tuyên án vụ 'kỳ án trộm dê
>> Mất hồ sơ 'kỳ án trộm dê 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.