Bác yêu cầu đòi Viettel bồi thường

22/06/2012 09:00 GMT+7

(TNO) TAND TP.HCM ngày 21.6 đã xử phúc thẩm và bác toàn bộ yêu cầu của ông Trần Minh Thịnh (52 tuổi, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM) kiện Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) đòi bồi thường vì bị thuê bao khác của Viettel quấy rối.

Theo trình bày của ông Thịnh, từ 2008, ông đăng ký thuê bao trả trước của Viettel.

Đầu tháng 3.2010, ông liên tục bị các số thuê bao khác của Viettel gọi điện thoại quấy phá với những âm thanh lạ như tiếng nước sôi, tiếng thọc tiết lợn, tiếng gió thổi… khiến tinh thần ông suy sụp phải vào bệnh viện tâm thần để chữa trị.

Ông đã nhiều lần đề nghị trung tâm chăm sóc khách hàng Viettel phải cung cấp thông tin cá nhân của các chủ thuê bao nêu trên để ông khởi kiện họ về những thiệt hại đã gây ra cho mình nhưng Viettel không đáp ứng.

Sau đó, ông Thịnh làm đơn khiếu nại đến công an nhờ can thiệp.

Tuy nhiên, do tên và địa chỉ thuê bao do Viettel cung cấp không chính xác nên cơ quan công an không thể giải quyết.

Theo ông Thịnh, Viettel đã không cung cấp thông tin cá nhân của các chủ thuê bao quấy rối và tắc trách trong công tác quản lý thông tin khách hàng, qua đó gây thiệt hại cho bản thân ông.

Do vậy, ông yêu cầu Viettel phải bồi thường thiệt hại cho ông số tiền 80 triệu đồng bao gồm chi phí chữa bệnh, thiệt hại về sức khỏe, suy giảm sức lao động và thiệt hại về tinh thần.

Trong khi đó, đại diện Viettel cho biết, đầu tháng 3.2010, tổng đài Viettel nhận được phản ánh của ông Thịnh về số điện thoại 01696746xxx quấy rối.

Khi đó, Viettel tiến hành kiểm tra phát hiện số thuê bao này có bốn cuộc gọi vào máy của ông từ ngày 1- 3.3.2010 nên đã tiến hành cảnh cáo, nhắc nhở và từ đó số điện thoại này không còn quấy rối ông Thịnh nữa.

Sau đó, ông Thịnh trực tiếp đến trung tâm yêu cầu xử lý các số điện thoại khác quấy rối, đồng thời yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân của các số thuê bao trên.

Do quy định về bảo mật thông tin nên Viettel không thể cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng, nhưng Viettel đã hỗ trợ cung cấp dịch vụ ngăn chặn nhằm hạn chế việc quấy rối.

Đến cuối tháng 5.2010, Viettel cung cấp thông tin về các số điện thoại đã quấy rối ông Thịnh cho cơ quan công an.

Tuy nhiên, do đây là những thuê bao trả trước nên Viettel không thực hiện xác minh tính chính xác của thông tin đăng ký.

Theo Viettel, công ty là nhà cung cấp dịch vụ chứ không phải là đối tượng quấy rối khách hàng nên việc thuê bao của ông Thịnh bị quấy rối là phát sinh trong mối quan hệ cá nhân của khách hàng nên công ty không đồng ý bồi thường.

Sau khi nghị án, HĐXX không chấp nhận yêu cầu bồi thường của ông Thịnh.

Theo HĐXX, Viettel không cung cấp thông tin số điện thoại quấy rối là phù hợp với quy định về quản lý thuê bao di động.

Mặt khác, tại các buổi hòa giải và tại phiên tòa, ông Thịnh không cung cấp được chứng cứ để chứng minh các số điện thoại quấy rối làm ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe của mình.

Lê Nga

>> Dịch vụ “gián điệp” của Vinaphone
>> Dịch vụ "gián điệp" của Vinaphone - Kỳ 2: Tiếp tay xâm phạm thông tin cá nhân
>> Vinaphone giảm 50% giá cước 3G
>> Khách hàng VinaPhone mất tiền oan
>> Vinaphone thừa nhận để lộ bí mật thông tin của khách hàng
>> Sim “rác” lại tràn ngập
>> Sim "rác" kích cầu cho 3G
>> Tràn lan SIM kích hoạt sẵn
>> Sim kích hoạt sẵn bán tràn lan
>> Sim ưu đãi vẫn bị lạm dụng
>> Bát nháo thị trường sim di động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.