Bất thường vụ phúc thẩm Tân Hoàng Phát

14/01/2012 00:18 GMT+7

Báo Thanh Niên đã đưa tin về việc giảm án có nhiều dấu hiệu “lạ” trong vụ án Tân Hoàng Phát. Mới đây, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã phát hành án văn. Điều bất ngờ là, án văn vừa phát hành so với phần tuyên án tại tòa lại có nhiều tình tiết khác nhau.

Báo Thanh Niên đã đưa tin về việc giảm án có nhiều dấu hiệu “lạ” trong vụ án Tân Hoàng Phát. Mới đây, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã phát hành án văn. Điều bất ngờ là, án văn vừa phát hành so với phần tuyên án tại tòa lại có nhiều tình tiết khác nhau.


Các bị cáo sau phiên tòa phúc thẩm - ảnh: Lê Nga

Giảm án mạnh

Theo luật sư Cao Minh Triết (Đoàn luật sư tỉnh Tiền Giang), những khác biệt giữa án văn và phần tuyên án tại tòa làm sai lệch bản chất vụ án, vi phạm điều 240 bộ luật Tố tụng hình sự (án đã tuyên không được sửa chữa bổ sung, ngoại trừ lỗi chính tả, số liệu).

Luật sư Triết nói thêm: “Nếu nhận định án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thì phải hủy án giao cho sơ thẩm điều tra, xử lại theo điều 4 Thông tư liên tịch 01 ngày 27.8.2010 của Viện KSND tối cao - Bộ Công an - TAND tối cao, tòa vẫn tuyên án cũng là vi phạm tố tụng. Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao phải kháng nghị giám đốc thẩm để hủy bản án này và xem xét trách nhiệm, kỷ luật những người đã phát hành bản án vì rõ ràng đây là lỗi cố ý”.

Theo bản án sơ thẩm, Công ty TNHH Tân Hoàng Phát làm dịch vụ xông hơi, xoa bóp do Phan Cao Trí và Phan Thị Yến (vợ Trí) làm chủ. Trí và các bị cáo khác nhận nhiều cô gái có hoàn cảnh khó khăn, thất nghiệp vào làm. Các nữ nhân viên này phải làm việc từ 9 - 12 giờ đêm, không được trả lương theo đúng hợp đồng, không nghỉ phép, không được tự do đi lại, sống nhờ vào “tiền bo” của khách. Hết giờ làm việc, các nhân viên có người “hộ tống” về nhà của Trí (đối diện Công ty Tân Hoàng Phát), bên ngoài luôn có khoảng 10 bảo vệ canh giữ đề phòng nhân viên bỏ trốn. Nếu bị khách phàn nàn phục vụ không tốt, Trí và Phan Việt Hậu, Phan Quốc Cường (em vợ của Trí) sẽ đánh đập…; muốn nghỉ việc thì phải đóng từ 15 - 24 triệu đồng. Nhiều nhân viên không chịu được, muốn nghỉ việc phải cầu cứu gia đình đưa tiền cho vợ chồng Trí để thoát khỏi "địa ngục" này.

Sau khi bản án sơ thẩm tuyên, các bị cáo kháng cáo. Ngày 12.12.2011, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM tuyên giảm án cho Phan Cao Trí từ 12 năm xuống còn 5 năm tù, Phan Việt Hậu từ 10 năm xuống 4 năm 6 tháng tù, Phan Quốc Cường từ 9 năm xuống 4 năm tù, Nguyễn Minh Phương từ 3 năm xuống 1 năm 6 tháng tù, Nguyễn Hoài Nhanh từ 2 năm xuống 1 năm tù, Phan Thị Yến được giảm từ 6 năm xuống 3 năm tù (án treo) về các tội “cưỡng đoạt tài sản”, “bắt giữ người trái pháp luật” với nhận định số người bị bắt giữ trái pháp luật chỉ có 1 người (án sơ thẩm 93 người), số nạn nhân bị cưỡng đoạt tài sản là 8 người (án sơ thẩm là 14 người).

Án văn “lạ”

Ngay khi tòa tuyên giảm án, dư luận đã có nhiều phản ứng trái chiều về việc giảm án bất thường này. Tuy nhiên, mới đây bản văn phát hành còn “lạ” hơn khi có sự khác biệt lớn với án tuyên tại tòa.

Cụ thể, tại tòa, HĐXX nhận định về tố tụng, án sơ thẩm có nhiều sai sót nghiêm trọng: sai sót trong việc không phân tích tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của từng bị cáo, không làm rõ ai là kẻ chủ mưu, ai là người bị hại, hậu quả vụ án thế nào, số tiền bị cưỡng đoạt trong từng vụ; trong bản án sơ thẩm có sự gán ghép giữa chữ ký của các hội thẩm nhân dân và chủ tọa… Trong khi đó, án văn lại không đề cập đến vấn đề này mà lại “thêm” vào: bản án sơ thẩm ghi danh sách bị hại là 93 người. Triệu tập tất cả với tư cách người bị hại, hưởng quyền và nghĩa vụ của người bị hại, cho phép kháng cáo vượt quá số lượng người bị hại mà cáo trạng đã xác định là vi phạm điều 196 bộ luật Tố tụng hình sự; tòa sơ thẩm xử vượt quá phạm vi xét xử; việc tòa cấp sơ thẩm xác định người bị hại không chính xác, nhiều hơn số người bị hại mà cáo trạng xác định, dẫn tới việc đánh giá sai tính chất vụ án, xác định sai trách nhiệm dân sự… Điều này ảnh hưởng lớn tới hình phạt mà án sơ thẩm quyết định đối với các bị cáo.

Chưa hết, tại tòa, HĐXX không tuyên phần trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên, trong án văn lại xuất hiện việc buộc Phan Cao Trí và Phan Thị Yến trả cho 12 bị hại tổng cộng hơn 190 triệu đồng; hủy bỏ quyết định buộc Trí, Yến bồi thường cho bà Thạch Thị Biên 25 triệu đồng và Thạch Thị Linh Đa số tiền tương đương 3 chỉ vàng (18K)…

Trả lời PV Báo Thanh Niên, một lãnh đạo Viện Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm tại TP.HCM (Viện Phúc thẩm 3) - Viện KSND tối cao cho biết sẽ báo cáo để kháng nghị giám đốc thẩm vụ án này.

Lê Nga

>> Bị hại kêu oan cho "động chủ" massage Tân Hoàng Phát
>> Bất thường tại phiên tòa phúc thẩm
>> Phúc thẩm vụ "tập đoàn" massage Tân Hoàng Phát: Xuất hiện bị hại giả
>> Đề nghị y án đối với các bị cáo trong vụ Tân Hoàng Phát
>> Kiến nghị kháng nghị giám đốc thẩm vụ án “tập đoàn” Tân Hoàng Phát

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.