Cha cấp quota, con đòi tiền!

16/03/2007 23:40 GMT+7

Mai Thanh Hải và các cán bộ ở Bộ Thương mại (BTM) thường gọi điện đòi tiền các DN được cấp quota. Đặc biệt là khi ông Dâu đã có quyết định duyệt cấp quota" - một bị cáo khai. Bức tranh "xin" hạn ngạch ở BTM tiếp tục được chấm thêm nhiều gam màu đen tại phiên tòa hôm qua 16.3...

Chạy quota "giá cạnh tranh"

Phan Nghĩa Hiệp, người tự nhận là "có mối thâm tình với ông Dâu khoảng 30 năm qua", là một trong số những người ở phía Nam được ông Dâu ưu ái mời ra Hà Nội dự đám cưới con trai, khai rằng: Biết được việc xin cấp quota quá khó khăn nếu không quen biết, chung chi; các doanh nghiệp (DN) đứng trên bờ phá sản vì không có quota xuất hàng nên Hiệp đã nhanh chóng tận dụng mối quan hệ này để "chạy" cho họ.

Hiệp nói chắc nịch tại tòa: "Riêng Vụ Xuất nhập khẩu tôi không lạ gì chuyện hồ sơ thất lạc, hồ sơ chậm trễ. Thật sự tôi ớn lắm. Vì vậy tôi hướng dẫn cho các DN làm lại đơn và trực tiếp bay ra Hà Nội gặp lãnh đạo".

Bà Nguyễn Diên Hồng trong một lần buộc phải "xuất hiện"

Vị chủ tọa  hỏi Hiệp: "Lúc đó bị cáo làm gì mà nhận chạy quota cho DN". Hiệp tỉnh rụi: "Bị cáo nghỉ hưu, chính vì nghỉ hưu mới có thời gian để ra Hà Nội chạy quota. Bị cáo nhận chạy quota với giá rẻ chỉ bằng 40 - 50% giá thị trường". Chủ tọa hỏi: "Bị cáo đã chạy như thế nào?".

Hiệp đáp: "Trong một lần ra Hà Nội để mời ông Dâu dự đám cưới con gái, để đáp lễ ông ấy đã mời tôi đi đám cưới con trai ông ấy, tôi đã đưa hồ sơ xin cấp hạn ngạch cho ông Dâu nhờ giúp và ông Dâu đã bút phê vào tập hồ sơ đó. Ngoài ra, cũng có một lần khác ông Dâu bút phê vào hồ sơ của tôi”.

Chuyện những người như Hiệp tham gia vào đường dây "chạy" quota không phải là hiếm. Trong số này có bị cáo Trịnh Thị Hồng Điệp. Điệp vốn là một người buôn bán vặt nhưng nhờ có mối quan hệ với Lê Văn Thắng nên đã bắt mối với các DN dệt may rồi "bay ra bay vô" để chạy quota. Qua đó Điệp cũng kiếm được trên 12.000 USD.

DN đưa hồ sơ, trong hồ sơ có tiền!

Trần Văn Sửu, nguyên Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Hải Phòng - BTM, người bị cáo trạng quy kết đã cấp visa xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ trái nguyên tắc để lấy tiền của DN Tăng Phát Bảo, khi được chủ tọa gọi lên đã khai: "Bị cáo chỉ có một vi phạm nhỏ là xét cấp hạn ngạch cho các DN khi chưa có giấy phép con của BTM và tôi đã phiêu lưu giúp vì quyền lợi DN. Việc cấp sai quy trình của bị cáo không ảnh hưởng gì đâu ạ".

Mai Thanh Hải trên đường về nhà sau khi tan tòa

Chủ tọa hỏi: "Vậy bị cáo có nhận tiền của Bảo biếu không?". Sửu lúng túng: "Thật ra số tiền 2.000 USD tôi nhận là do Bảo đem biếu vào dịp tết và nói cảm ơn tôi năm qua đã giúp đỡ DN nên tôi nghĩ đó là quà chứ không phải tôi tham nhũng, nhận hối lộ".

Đợi Sửu thanh minh xong, vị Hội thẩm công bố một tình tiết bất ngờ rằng, trong 5 năm tại nhiệm, Sửu đã nhận hàng trăm triệu đồng biếu xén từ các DN, ước tính là 70 triệu đồng/năm.

Rồi ông hỏi sâu thêm: "Tiền ở đâu bị cáo mua căn nhà 36 Hàm Nghi, Q.Hồng Bàng, TP Hải Phòng?". Sửu thưa: "Chủ yếu là của bên vợ nhưng không có gì chứng minh vì tôi nghe vợ tôi nói thế". Nhưng Sửu lập tức "sượng" ngay bởi lời khai của chính vợ mình: "Tôi không được bàn bạc và không biết gì về việc mua căn nhà riêng này".

Nguyễn Việt Phú (chuyên viên Vụ Xuất nhập khẩu - BTM), được triệu tập ra tòa với tư cách người liên quan vì có nhiều lời khai rằng Phú đã nhận tiền của DN để "chạy" quota. Chủ tọa hỏi: "Tại biên bản đối chất bị cáo Trần Thu Lan khai đã 5 lần đưa tiền cho ông, tổng cộng 3.500 USD, ông thấy sao?". Ông Phú phủ nhận: "Lan khai tôi nhận tiền là không đúng sự thật ạ". Chủ tọa đọc lại một phần cáo trạng liên quan đến Phú, trong đó có đoạn Phú giúp Trần Kim Dung (Giám đốc chi nhánh Công ty Vĩnh Phúc, hiện đã bỏ trốn) được cấp quota, và hỏi: "Dung có đưa tiền cho ông không?". "Dạ có, lần Dung đưa hồ sơ cho tôi, trong đó có tiền, tôi mới hỏi cái gì đây thì Dung nói là quà của DN biếu. Tôi từ chối ngay và trả lại cho Dung". Chủ tọa cắt: "Cáo trạng có nêu do Trần Kim Dung đã bỏ trốn nên chưa xử lý được, bản thân ông chỉ được tạm đình chỉ điều tra chứ không phải đã đình chỉ điều tra".

Cho Phú về, chủ tọa gọi Bùi Hồng Minh, nhân viên hợp đồng của Vụ Xuất nhập khẩu, người cũng đã nhận "quà" 2.000 USD của bị cáo Trần Thu Lan nhưng được đình chỉ điều tra. Minh thừa nhận có nhận tiền của bị cáo Lan nhưng cho rằng "đó là quà của DN nên không nghĩ ngợi gì" (!).

Có ai nghe DN kêu than?

Ông Phan Thế Hào, Chánh Văn phòng BTM tại TP.HCM, người tham gia phiên tòa với tư cách đại diện BTM đã "khó xử" ngay với câu hỏi đầu tiên của chủ tọa Nguyễn Đức Sáu: "Lãnh đạo BTM có nghe DN kêu than về những chuyện tiêu cực trong quá trình xét cấp quota không?". Ông Hào phải vòng vo: "Có thể nói, chuyện phân bổ quota là chuyện hết sức phức tạp. DN thì nhiều nhưng quota thì có hạn...".

Đợi cho ông Hào dứt lời, chủ tọa tiếp: "Theo quy định thì DN có hợp đồng rồi mới xét cấp hạn ngạch. Vì vậy rất nhiều trường hợp DN bị phạt nặng hoặc bị phá sản. Những lời than này lãnh đạo Bộ có biết không?". Ông Hào đáp: "Có nghe và chúng tôi cũng đã tiến hành cải cách hành chính để quản lý tốt hơn". Chủ tọa đi vào vấn đề nhức nhối: "Lãnh đạo Bộ có biết một bộ phận cán bộ có tiêu cực trong việc cấp quota không?". "Chúng tôi biết hiện tượng chạy chọt quota vì vậy lãnh đạo Bộ đã có quyết sách là cho chuyển nhượng quota, không để cho tồn tại thị trường ngầm trong việc cấp quota".

Chủ tọa vẫn truy trách nhiệm của lãnh đạo BTM: "Các bị cáo đã khai ra những hiện tượng tiêu cực ở đây. Vậy bộ có biện pháp chấn chỉnh chưa?". Ông Hào ngập ngừng: "Thực ra khi có tiêu cực, lãnh đạo Bộ đã thành lập một đoàn thanh tra nhưng vì công việc quá nhiều nên khi nổ ra vụ án vẫn chưa làm được gì nhiều". "Vậy lãnh đạo Bộ phát hiện từ đâu?". "Chúng tôi nghe từ dân gian nhưng chưa kịp thanh tra thì công an khởi tố". "Nhiều bị cáo khai rằng nếu không có quan hệ và không có tiền thì gần như không có hạn ngạch, ông thấy sao?".

"Theo tôi thì điều này là chưa chính xác vì đó không phải là phổ biến mà chỉ một bộ phận". Chủ tọa chốt lại: "Lãnh đạo Bộ có thấy sai phạm trong việc cấp hạn ngạch không?". "Thưa đây là một quá trình phức tạp vì vậy có những sơ suất nào đó. Chúng tôi thấy rất đau lòng khi để xảy ra vụ án này nhưng những cá nhân đó là những con sâu làm rầu nồi canh thôi ạ".

Nghe ông Hào phát biểu xong, Hội thẩm Trần Ngọc Quy công bố lại lời khai của bị cáo Võ Thị Thu Hằng: "Mai Thanh Hải và các cán bộ ở BTM thường gọi điện đòi tiền các DN được cấp quota. Đặc biệt là khi ông Dâu đã có quyết định duyệt cấp quota". Công bố xong, ông Quy nói với ông Hào: "Lời khai này cho thấy quy trình quản lý của bộ là rất lỏng lẻo, ông cần lắng nghe đầy đủ để về báo cáo lại với lãnh đạo Bộ".

Ngôi nhà vắng lặng

Ngôi nhà 3 tầng ở số 35 Liên Trì, Hà Nội (ảnh)  của ông Mai Văn Dâu mấy hôm nay vắng lặng. Cổng khóa then cài, các cửa sổ buông rèm kín mít, mấy chiếc điều hòa nhiệt độ có dấu hiệu rỉ sét chứng tỏ từ lâu chưa được tu bổ.

"Vài ngày trước, bà Nguyễn Diên Hồng vợ ông Dâu, Hải, Lâm (hai con trai ông Dâu) vẫn ở trong căn nhà này. Nhưng từ hôm ông ấy bị đưa ra xét xử, căn nhà này chẳng ai đến trông, cửa cứ khóa như vậy", một chị bán hàng gần nhà ông Dâu cho biết. Một điều khá đặc biệt là tấm biển ghi số nhà đã bị quét vôi che mờ khiến những người lạ khó có thể tìm thấy ngôi nhà từng một thời tấp nập người ra kẻ vào, ô tô đậu cả dãy trên con phố nhỏ. Thấy tôi chụp ảnh, một chị hàng xóm mau miệng: "Cái số nhà ấy đã được che đi từ khi ông Dâu bị bắt".

Trong khi đó tại TP.HCM, những ngày qua rất nhiều người dự khán phiên tòa chờ đợi sự xuất hiện của hoa hậu Phan Thu Ngân, vợ của bị cáo Mai Thanh Hải. Song cả 4 ngày qua bóng dáng của hoa hậu này vẫn bặt tăm. Hỏi ra mới biết, hiện Phan Thu Ngân đang chăm sóc con nhỏ ở nhà cha mẹ ruột và cũng không muốn nhắc lại chuyện đang xảy ra ở gia đình chồng.

Cha chồng cô do bị tạm giam nên hằng ngày sau phiên tòa phải lên xe cảnh sát về trại giam. Hải được tại ngoại nên hằng ngày đi xe gắn máy về ở tạm gia đình vợ. Còn bà Hồng thì có một suất bên nhà khách của BTM trên đường Hàn Thuyên. Nhà khách này cách trụ sở tòa không xa nên bà rảo bộ. Nếu để ý một chút sẽ nhận ra hai mẹ con Hải không bao giờ trao đổi với nhau, cũng như không cùng đi đến tòa. Trong tòa, bà Hồng cũng ngồi khép nép ở một góc phòng xử và luôn che mặt khi bước ra, trông thật khác với một "thứ trưởng phu nhân" đầy quyền lực mà các DN đã mô tả!

Nhóm PV

Hôm nay tòa tạm nghỉ và sẽ mở lại vào ngày 19.3 tới.

Minh Thuận - Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.