Diễn biến mới nhất vụ án tham nhũng PMU18 và vụ nhóm cầu thủ U.23 bán độ

09/09/2006 22:58 GMT+7

Ngày 8/9, Cơ quan CSĐT-C14 (CQĐT), Bộ Công an đã chính thức chuyển hồ sơ đề nghị truy tố 8 bị can trong vụ án một nhóm cầu thủ U.23 bán độ sang Vụ 1A-Viện KSND Tối cao để làm cáo trạng. Cùng ngày, CQĐT cũng đã có báo cáo ban đầu về hành vi cố ý làm trái và tham nhũng của các bị can Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng, Phạm Tiến Dũng... tại các dự án của PMU 18. Đã có một số tình tiết mới trong các vụ án này được hé lộ.

Bùi Tiến Dũng khai đưa 20.000 USD cho trung tá Đỗ Huy Kim tại khách sạn Daewoo

Lời khai mới nhất của Bùi Tiến Dũng trong trại tạm giam cho thấy: Sau khi nhận được thông tin Bùi Quang Hưng bị bắt vì đánh bạc tại công viên Bách Thảo, Bùi Tiến Dũng đã họp để chạy án, chia làm nhiều mũi "tấn công" vào cơ quan công quyền mà Mậu Thôn, Tôn Anh Dũng là những đầu mối chính. Để chắc ăn, đích thân Bùi Tiến Dũng đã mời trung tá Đỗ Huy Kim, cán bộ phòng 5, phòng theo dõi khối Bưu điện, giao thông của Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C15) Bộ Công an đến ăn tại khách sạn Daewoo.

Dũng khai tại bàn tiệc đã đút vào túi áo thể thao của trung tá Kim 20 ngàn USD, trung tá Huy Kim không nói gì. Khi được CQĐT triệu tập, Đỗ Huy Kim khai tại thời điểm mà Dũng “tổng” khai đưa 20 ngàn USD thì Kim đang đánh cờ với một số người. Tuy nhiên bằng chứng ngoại phạm này thiếu sức thuyết phục nên CQĐT vẫn đề nghị khởi tố Đỗ Huy Kim. Cho đến cuối tuần qua, Viện KSND Tối cao vẫn chưa phê chuẩn quyết định này.  Riêng về chiếc xe Ford Mondeo biển số 29S-9235 mà gia đình Bùi Tiến Dũng đang đi lại do trung tá Đỗ Huy Kim đứng tên, có bằng chứng cho thấy Đỗ Huy Kim đứng tên hộ cho đại lý bán xe để đơn vị này đi đăng ký, sau đó đại lý trên mới bán xe cho Bùi Tiến Dũng.

Từ khi khởi tố vụ án, CQĐT đã thu thập được tài liệu chứng cứ chứng minh các bị can đã tham ô và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt hơn 3 tỉ đồng nhưng các bị can mới khai báo và nộp lại số tiền 1,4 tỉ đồng. Vụ án Bùi Tiến Dũng đánh bạc đã có kết luận gửi Viện KSND Tối cao để truy tố 6 bị can, trong đó có 3 bị can nguyên là cán bộ PMU 18 là Bùi Tiến Dũng, Vũ Mạnh Tiên và Lương Mạnh Hoa.

Cho mượn 34 xe ô tô gây thiệt hại 9,6 tỉ đồng

Về hành vi cho mượn xe ô tô: Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Việt Tiến đã cho mượn 34 xe, theo Hội đồng giám định (Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Giao thông), hành vi cho mượn xe của các bị can này đã gây thiệt hại cho Nhà nước 9,6 tỉ đồng. Ông Nguyễn Việt Tiến cho mượn 5 chiếc làm thiệt hại 2,2 tỉ; Bùi Tiến Dũng cho mượn 29 chiếc gây thiệt hại 7,4 tỉ đồng. Bùi Tiến Dũng, Phạm Tiến Dũng ép nhà thầu trong dự án xây dựng cầu Bãi Cháy phải mua 3 chiếc ô tô đắt tiền, 1 chiếc Mercedes, 2 chiếc Toyota Camry 3.0 trị giá 3,7 tỉ đồng. Bùi Tiến Dũng mang biếu ông Nguyễn Việt Tiến nhưng ông Tiến không nhận. Bùi Tiến Dũng sử dụng chiếc Mercedes E240 và chiếc Toyota Camry 3.0 không đúng tiêu chuẩn;  chiếc Camry 3.0 còn lại Dũng cho ông Vũ Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Đường sắt Bộ GTVT mượn gây thiệt hại tài sản.

Đến nay, số tiền 272 triệu đồng mua xe vượt định mức không quyết toán được. Tại gói thầu 5 dự án QL 18, ông Nguyễn Việt Tiến đã yêu cầu nhà thầu phải mua 1 xe ô tô Toyota Camry 2.4 trị giá 640 triệu đồng mặc dù khoản kinh phí mua xe này không hề có trong hợp đồng thầu. Sau đó, chính ông Nguyễn Việt Tiến đã có ý kiến chỉ đạo cho Sở GTVT Quảng Ninh mượn sử dụng.

Quốc lộ 18: các gói thầu bị đội giá hàng chục tỉ đồng

Quốc lộ 18 chia làm 5 gói thầu thì hầu hết các gói thầu đều bị "đội giá" lên từ vài tỉ đến hàng chục tỉ đồng. Để trúng thầu, các nhà thầu đều bỏ giá thật thấp, sau đó bằng các mối "quan hệ đặc biệt", họ đã xin các sếp như Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng để được bổ sung kinh phí, cuối cùng là tổng giá thành đã cao hơn kinh phí dự kiến hàng chục tỉ đồng. CQĐT đang làm rõ những khuất tất đằng sau quyết định duyệt chi phí phát sinh, có hay không việc ông Việt Tiến và Bùi Tiến Dũng được "lại quả" số tiền hàng chục tỉ đồng? Đó là chưa nói các công trình này có nhiều khiếm khuyết nên  phải tốn hàng chục tỉ đồng để khắc phục. CQĐT đang cho giám định về thiệt hại để làm rõ trách nhiệm của ông Nguyễn Việt Tiến.

Bảng lương khống, thuê nhà... cũng khống

Về nhóm tội tham ô tài sản, CQĐT đã làm rõ Vũ Mạnh Tiên ký hợp đồng với Ban điều hành gói thầu 2 cho thuê xe ô tô Mitsubishi BKS 31A- 4229 để lấy 280 triệu đồng mà không nộp vào cơ quan. Vũ Mạnh Tiên, Phạm Tiến Dũng đã tham ô 530 triệu đồng từ việc cho thuê xe ô tô và trụ sở của PMU 18 để phục vụ chủ đầu tư và Tư vấn giám sát thuộc gói thầu số 4 đoạn Biểu Nghi - Bãi Cháy.

Bùi Thu Hạnh lập bảng lương khống chiếm đoạt 61 triệu đồng của nhà thầu gói 2 và nhận 1,7 tỉ đồng của các nhà thầu để mua văn phòng phẩm phục vụ Văn phòng tư vấn giám sát tại Hà Nội. Bùi Thu Hạnh đã nâng khống giá thành, số lượng văn phòng phẩm để chiếm đoạt 50 triệu đồng. Ngoài ra, Bùi Thu Hạnh còn ký hợp đồng thuê nhà cho tư vấn tại Hà Nội để chiếm đoạt 112 triệu đồng. Ngày 11.7.2006, chồng của Bùi Thu Hạnh là Trần Lê Duyên đã mang đến nộp lại CQĐT số tiền 52 triệu đồng, tiền do lập danh sách lĩnh lương khống và 60 triệu đồng do Duyên nâng khống giá mua ô tô để chiếm đoạt.

Chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng từ các hợp đồng thuê xe

Về nhóm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, đã khởi tố 3 bị can cho tại ngoại gồm Lê Thị Thanh Hòa, Nguyễn Thanh Sơn và Nguyễn Hữu Vĩnh. Qua quá trình điều tra đã thu thập được tài liệu chứng cứ chứng minh về hành vi phạm tội của các bị can như sau: Nguyễn Thanh Sơn và Nguyễn Hữu Vĩnh dùng xe ô tô của gói thầu 2 cho gói thầu 1 thuê để chiếm đoạt 60 triệu đồng. Nguyễn Hữu Vĩnh chỉ đạo cho Nguyễn Thanh Sơn lập khống danh sách cán bộ và bảng chấm công để yêu cầu Ban điều hành gói thầu 1 chi 324 triệu đồng. Ngoài ra, Sơn còn lập hợp đồng khống cho thuê nhà lấy tên bố đẻ là ông Nguyễn Ngọc Mỡi để chiếm đoạt 225 triệu đồng.

Nguyễn Hữu Vĩnh chỉ đạo Nguyễn Ngọc Long lập hợp đồng thuê xe ô tô phục vụ tư vấn giám sát để nhận 367 triệu đồng của nhà thầu gói thầu số 4. Trên thực tế, Vĩnh thông qua Công ty TNHH Minh Việt đi thuê xe của người khác rồi chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng từ hợp đồng này. Nguyễn Hữu Vĩnh ép nhà thầu gói thầu 2 ký hợp đồng với vợ mình là Bùi Bích Thọ thuê một xe ô tô phục vụ ông Giám đốc dự án trị giá 350 triệu đồng. Vợ chồng Vĩnh không có xe ô tô phải đi thuê của người khác và hưởng chênh lệch 50 triệu đồng. Lê Thị Thanh Hòa lập hợp đồng khống cho tư vấn giám sát tại Hà Nội thuê ngôi nhà 9IF1 của vợ chồng Bùi Tiến Dũng ở phố Thái Thịnh, quận Đống Đa, yêu cầu Ban điều hành gói thầu 1 phải chi 270 triệu đồng và Ban điều hành gói thầu 4 phải chi 70 triệu đồng. Nhờ bà Lê Thị Thanh Hải ở 11 IF1 cũng ở Thái Thịnh ký hợp đồng khống với Ban điều hành gói thầu 2 cho tư vấn giám sát thuê nhà của bà Hải để chiếm đoạt 196 triệu đồng.

Trong vụ bán độ, Quốc Vượng đã cầm 500 triệu đồng

** Một nữ tiếp viên hàng không nhận 500 triệu đồng từ Trương Tấn Hải để giao cho Quốc Vượng

Cũng trong ngày 8/9, lãnh đạo CQĐT đã phát lệnh truy nã đặc biệt Lý Quốc Kỳ, nhân vật đứng đằng sau Quốc Vượng trong vụ bán độ của các cầu thủ


Trong vụ bán độ, Quốc Vượng đã cầm 500 triệu đồng

U.23 tại SEA Games 23. Lý Quốc Kỳ SN 1970, trú tại 114/1 Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Tây, Q.7, TP.HCM. Chính Lý Quốc Kỳ là người đã chi 500 triệu đồng để Quốc Vượng lôi kéo đồng đội bán độ. Đáng chú ý, trong phi vụ mua bán độ, Lý Quốc Kỳ đã đưa 500 triệu đồng cho Trương Tấn Hải để giao cho cô gái tên Phan Thị Cẩm Lai, một tiếp viên hàng không, trước khi Quốc Vượng rời Philippines về Việt Nam.

Phan Thị Cẩm Lai là bạn gái của Quốc Vượng, cùng quê Nghệ An. Về tới TP.HCM, Quốc Vượng đã gặp Lai tại một khách sạn để nhận lại số tiền này. Sau đó, Vượng đã gửi lại cho Lai 10 triệu đồng và 5.000 USD để lấy sau. Tuy nhiên, theo tài liệu điều tra ban đầu, Lai chỉ đơn thuần cầm tiền hộ mà không biết đây là tiền cá độ. Ngay khi được CQĐT triệu tập để làm rõ hành vi liên quan, Lai đã tự giác nộp lại 5.000 USD và 10 triệu đồng trước khi có đề nghị của CQĐT. Quá trình điều tra cho thấy, trong đường dây mua bán độ liên quan đến Lý Quốc Kỳ, hầu hết các cuộc liên lạc và việc làm độ từ khi ở Việt Nam cho đến khi diễn ra các trận đấu tại SEA Games 23, đều được giao cho Trương Tấn Hải trực tiếp gọi điện cho Quốc Vượng. Tuy nhiên, đích thân Lý Quốc Kỳ cũng đã gọi cho Vượng vài lần bằng số máy của Trương Tấn Hải để trao đổi một số vấn đề liên quan đến các phi vụ mua bán độ.

Đặc biệt, không chỉ có trận đấu giữa Việt Nam và Myanmar, một số trận sau đó, Lý Quốc Kỳ và Trương Tấn Hải cũng đã gọi cho Quốc Vượng đề nghị tiếp tục làm độ nhưng Quốc Vượng đã không dám nhận một cách chắc chắn. Vì hành vi bán độ trận U.23 Việt Nam - Myanmar của 7 cầu thủ đã bị cán bộ giám sát đi theo đoàn và lực lượng chức năng phát hiện ngay sau trận đấu, khiến Quốc Vượng rúng động và không dám triển khai bán độ tiếp theo yêu cầu của đường dây cá độ tại TP.HCM.

Việt Chiến - K.Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.