Kết quả điều tra ban đầu vụ các nhà báo bị hành hung khi đưa tin về PMU 18

31/03/2006 01:12 GMT+7

Chiều 28/3, trao đổi về kết quả xác minh vụ việc Các nhà báo bị hành hung khi đưa tin về PMU 18, thượng tá Thanh Hùng, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (CQĐT), Công an TP Hà Nội cho biết, hiện nay các điều tra viên đang tiến hành rà soát toàn bộ các đối tượng lạ mặt trước đó (thường tụ tập ở cổng Cơ quan điều tra C.14, Bộ Công an) có dấu hiệu đe dọa, chửi bới, chọc thủng lốp, bẻ bu-gi xe máy và cản trở hoạt động tác nghiệp của các nhà báo khi một số người liên quan đến vụ PMU 18 được triệu tập lên CQĐT.

Đặc biệt, từ nhiều bức ảnh mà các nhà báo cung cấp, CQĐT cũng đã bước đầu xác minh được một số đối tượng có nghi vấn liên quan cần phải làm rõ. Hiện nay, CQĐT đang thu thập tài liệu chứng cứ về việc hành hung nhà báo T.N.K của Báo Đời sống & Pháp luật, xảy ra tối 23/3 khi các nhà báo tới chụp ảnh đưa tin về việc bắt giữ, khám xét bị can Nguyễn Mậu Thôn. Như vậy, sau khi Báo Thanh Niên phản ánh những hiện tượng có dấu hiệu hành hung các nhà báo đưa tin về vụ PMU 18, Công an TP Hà Nội và C14, Bộ Công an đã kịp thời phối hợp điều tra làm rõ vụ việc này và triển khai ngay các biện pháp bảo vệ an toàn cho các nhà báo tác nghiệp đưa tin về vụ PMU 18.

Về bức ảnh đăng trên Báo Thanh Niên (ngày 26/3 và 28/3) chụp hình một người đàn ông mặc áo màu sẫm đang dùng hai tay tỳ vào đầu phóng viên Báo Thanh Niên đẩy ra, CQĐT xác định người này là đại úy Trần Văn Dung, là cảnh sát khu vực thuộc Công an P.Ô Chợ Dừa. Theo báo cáo nhanh của công an phường gửi chỉ huy công an quận thì lúc ấy, đại úy Dung đang “mật phục” chống cướp giật tại hồ Đống Đa thì được gọi về tham gia phối hợp khám xét trên địa bàn mình quản lý. Lúc này, số người tụ tập xung quanh nhà và nơi làm việc của bị can Nguyễn Mậu Thôn rất đông (ước tính khoảng 40 nhà báo và hàng trăm người dân). Theo lời khai của đại úy Dung thì lúc ấy ông mặc thường phục sẫm màu, chặn ở cửa văn phòng của Nguyễn Mậu Thôn, thấy nhiều phóng viên tràn vào chụp ảnh. Lúc đó, người bên trong vội bấm nút sập cửa cuốn xuống, thấy thế, nên đại úy Dung đã ấn đầu một phóng viên đẩy ra ngoài. Đại úy Dung không mặc cảnh phục, lại bảo vệ ở vòng ngoài nên nhiều người không biết là cảnh sát.

Đại úy Dung trình bày: "Khi cửa cuốn đang hạ xuống, tôi nhìn thấy một thanh niên khoảng hơn 20 tuổi đang định chui vào. Do sợ cửa đè vào anh ta, tôi đã dùng một tay cản anh ta, còn tay kia đỡ cửa cuốn...". (theo VietNamNet ngày 28/3/2006). Sự thật có phải như vậy không ? Xin bạn đọc nhìn lại bức ảnh này (đã đăng trên Thanh Niên ngày 28/3/2006)

Ngày 29/3, theo nhận định của CQĐT, trong vụ việc nhạy cảm nói trên, đại úy Dung đã mắc 2 vi phạm: thứ nhất, với trách nhiệm là cảnh sát khu vực, ông Dung đã không mặc trang phục cảnh sát trong khi thi hành công vụ giữ gìn an ninh trật tự trong cuộc khám xét công khai nhà bị can Thôn. Sai phạm thứ hai, mặc dù đã không mặc cảnh phục nhưng đại úy Dung lại đứng ra chốt chặn cửa ra vào nơi khám xét (việc này lẽ ra do một cán bộ trong tổ công tác mặc cảnh phục đảm nhận) và liền đó, lại có cử chỉ có phần "quá đà" khi vặn cổ, dúi đầu một nhà báo đang chụp ảnh cảnh áp giải bị can Thôn. Mặc dù trong lời khai ban đầu tại CQĐT, đại úy Dung cho rằng việc ấn đầu nhà báo xuống là để tránh chiếc cửa cuốn đang sập xuống nhưng căn cứ vào nhiều bức ảnh, cho thấy ông Dung đã dùng cả hai tay để ấn đầu, đẩy nhà báo. Về hành vi này của đại úy Dung, CQĐT cho rằng chưa đến mức phải khởi tố về tội "chống người thi hành công vụ" bởi ông Dung cũng đang là người thi hành công vụ trong tối 23/3, nhưng cũng đã kiến nghị nghiêm khắc kiểm điểm các vi phạm nói trên của ông Dung. Sau sự việc này, lãnh đạo Công an P.Ô Chợ Dừa và đại úy Trần Văn Dung cũng đã tới gặp lãnh đạo Báo Thanh Niên tại Hà Nội để được thông cảm và nhận thiếu sót về vụ việc nói trên. Về việc này, Công an Q.Đống Đa đã có báo cáo gửi Giám đốc Công an TP Hà Nội tường trình về vụ việc trên và yêu cầu Công an P.Ô Chợ Dừa kiểm điểm từng cán bộ liên quan.

Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.