Nguyên Chủ tịch và Bí thư quận nói gì trước vành móng ngựa?

03/02/2007 00:04 GMT+7

Hôm qua 2.2, phiên tòa xét xử vụ tham nhũng xảy ra tại Công ty xây dựng Gò Vấp (nay là Công ty địa ốc Gò Môn) tiếp tục nóng bỏng khi Hội đồng xét xử (HĐXX) của TAND TP.HCM tiến hành thẩm vấn bị cáo Nguyễn Văn Tính (nguyên Bí thư Quận ủy Gò Vấp) về chuyện ông này "bóp cổ" Giám đốc Công ty xây dựng Gò Vấp (XDGV) để lấy tiền.

Chuyện "sống để bụng, chết mang theo"

Gọi cựu Bí thư Quận ủy Gò Vấp lên trước vành móng ngựa, Chủ tọa Trần Xuân Minh hỏi: "Bị cáo cho biết là sau khi nhận được đơn thư tố cáo của bà Trần Thị Thu, với tư cách là Chủ tịch HĐND kiêm Bí thư quận, bị cáo đã xử lý như thế nào?". "Dạ việc bà Lan mua đất của các hộ dân thì bị cáo không rõ. Tuy nhiên khoảng tháng 3.2001, bị cáo có nhận đơn của bà Thu tố cáo Dương Công Hiệp (lúc này là Phó phòng Quản lý đô thị quận - PV) cấu kết với Lê Minh Châu và Phạm Thị Tuyết Lan sang nhượng đất trái pháp luật. Lúc đó, bị cáo có chỉ đạo làm rõ". "Bị cáo có chuyển đơn của bà Thu yêu cầu Viện KSND quận làm rõ không?". "Thưa không". "Nhưng sau đó Viện trưởng Viện KSND quận là ông Trần Văn Tư đã có văn bản kết luận về vụ việc báo cáo cho bị cáo phải không?". "Dạ đúng. Trong đó có nội dung là việc chuyển nhượng đất đai tại P.12 là trái luật".

Chủ tọa tiếp: "Sau đó bị cáo xử lý ra sao?". "Dạ lúc đó bị cáo nhận thức rằng Viện Kiểm sát quận không có chức năng giải quyết đơn thư về đất đai, còn về ông Hiệp thì bị cáo có yêu cầu ủy ban quận xử lý. Qua tháng 2 năm sau thì bị cáo chuyển công tác nên giao toàn bộ cho anh Phó bí thư quận xử lý".

Chủ tọa bẻ: "Bị cáo nhận kết luận từ tháng 8.2001 nhưng đến tháng 2 năm sau mới chuyển công tác, vì sao bị cáo không xử lý?". Ông Tính lúng túng: "Dạ bị cáo nghĩ rằng doanh nghiệp này không phải trực thuộc quận...". Chủ tọa cắt: "Nhưng với tư cách là Chủ tịch HĐND kiêm Bí thư quận, lại để xảy ra sai phạm trên địa bàn quận bị cáo thấy sao?". Ông Tính ấp úng: "Bị cáo có sai sót trong quá trình xử lý...".

Chủ tọa truy tới: "Thiếu sót như thế nào? Bị cáo nói cụ thể chứ không phải thiếu sót chung chung?". Lúc này bị cáo Tính mới chịu khai vào trọng tâm một chút: "Dạ bị cáo không kiên quyết xử lý. Lẽ ra bị cáo phải chuyển qua cơ quan chức năng hoặc cho cơ quan điều tra giải quyết nhưng bị cáo không làm điều đó".

Chủ tọa vẫn chưa bằng lòng với câu trả lời của ông Tính nên hỏi tới: "Bị cáo cho biết bị cáo để hồ sơ sai phạm của Công ty XDGV trong thời gian quá dài như thế nhằm mục đích gì?". "Dạ vì thời điểm đó cuối năm nên công việc của bị cáo nhiều quá". "Vậy sau khi nhận kết luận của viện kiểm sát, bị cáo có mời Lê Minh Châu (lúc đó là Giám đốc Công ty XDGV - PV) lên làm việc không?". "Dạ không có, bị cáo chỉ gọi điện thoại cho Châu nói là sao không mua đất của dân mà mua đất lại qua tay tư nhân, thì Châu trả lời rằng anh yên tâm đi, dù giá là 28.000 đồng/m2 nhưng vẫn có lời".

Chủ tọa bất ngờ hỏi: "Bị cáo có nhận tiền của Lê Minh Châu không?". Đến lúc này thì ông Tính chối ngay: "Dạ không". "Vậy có nhận tiền của Hồ Tùng Lâm (nguyên Phó giám đốc Công ty XDGV - PV) không?". "Dạ cũng không". Chủ tọa lại bất ngờ hỏi: "Vậy tại sao bị cáo lại nộp 800 triệu đồng cho cơ quan điều tra?". Lúc này ông Tính "chuyển hướng" đột ngột: "Dạ bị cáo có nhận của Châu 500 triệu, của Lâm 300 triệu".

Chủ tọa cao giọng: "Mới khai không nhận giờ khai là có. Bị cáo cho biết tiền đó là tiền gì?". "Dạ tiền để sửa nhà" - giọng ông Tính chợt nhỏ xuống và khai tiếp: "Anh Châu nói bị cáo chuyện giúp đỡ bị cáo sửa nhà. Bị cáo nói cái gì anh cho tôi thì tôi cảm ơn. Cái đó anh Châu cho là vì tình nghĩa nhưng sau đó bị cáo kẹt tiền sửa nhà nên có hỏi thêm và anh Châu có kêu Hồ Tùng Lâm đưa thêm cho bị cáo 300 triệu".


Nguyên Bí thư quận ủy Gò Vấp Nguyễn Văn Tính - Ảnh: D.Đ.M

Chủ tọa đi thẳng vào tình tiết mấu chốt: "Sau khi nhận công văn của Viện KSND quận, khi trao đổi với bị cáo Châu về sai phạm trên, bị cáo có nói gì về nội dung kiến nghị của Viện Kiểm sát không?". "Dạ không, chỉ hỏi về việc sao không mua đất trực tiếp của dân thôi". Chủ tọa cho chiếu tờ khai của Lê Minh Châu lên màn hình, trong đó Châu khai: "Ông Tính nói là sẽ không xử lý tôi và sẽ đưa toàn bộ hồ sơ mà Viện KSND quận kiến nghị để cho tôi... làm kỷ niệm. Và tôi đưa tiền là xuất phát từ việc làm trên". Ông Tính xem xong lập tức tìm cách chống chế: "Bị cáo nghĩ rằng đó chỉ là lời khai của Châu. Chứ ở bị cáo thì không có chuyện đưa hồ sơ cho ông Châu để làm kỷ niệm". "Vậy bị cáo nghĩ gì về việc bị cáo không xử lý người khác mà người đó lại đưa tiền cho bị cáo?". Ông Tính im lặng.

Chủ tọa hỏi thêm một câu khác: "Có khi nào bị cáo gặp Lê Minh Châu và Hồ Tùng Lâm tại phòng làm việc của bị cáo không?". "Thưa không". Vậy bị cáo có nghĩ gì về lời khai của Trần Kim Long về việc này? Nói xong chủ tọa cho chiếu bản khai của Long lên màn hình, trong đó có đoạn: "Châu và Lâm có đến gặp ông Tính tại phòng làm việc. Ông Tính hứa là sẽ không xử lý Châu và Lâm. Việc này chỉ có những người có mặt biết và sống để bụng, chết mang theo".

Nhận tiền dễ, khai ra thì khó

 Cũng như bị cáo Tính, khi được chủ tọa cho nhận xét về bản cáo trạng, cựu Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp Trần Kim Long nêu một loạt vấn đề để phản bác những cáo buộc của Viện KSND TP.HCM. Thậm chí, ông Long nói rằng mình chỉ phạm tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thôi". Chủ tọa hỏi: "Bị cáo quan hệ như thế nào với bị cáo Phạm Thị Tuyết Lan?". Long thưa: "Bị cáo chỉ biết thôi, thông qua Dương Công Hiệp từ năm 1991 - 1992, chứ không quen chị Lan". "Nếu chỉ là quen sơ như vậy sao lại giúp Lan thực hiện các hợp đồng chuyển nhượng đất ở P.12?". Long đáp ngay: "Dạ không có chuyện bị cáo giúp chị Lan mà trước đây chị Lan tình cờ có ghé thăm bị cáo và hỏi thông tin về các lô đất ở P.12 mà chị Lan định đầu tư. Bị cáo cũng có chỉ mua một vài lô ở P.12. Sau đó bị cáo gọi điện cho Dương Công Hiệp và có nói là chị Lan có đất ở P.12, nếu được thì giới thiệu cho Lê Minh Châu mua".

Chủ tọa hỏi tiếp: "Trong thời gian Lan thực hiện 2 hợp đồng mua bán đất ở P.12, bị cáo có nhận tiền của ai không?". Long khai: "Dạ năm 1999, chuẩn bị xây nhà nên bị cáo có trao đổi với chú Châu... Bị cáo có nhận của chú Châu 60 triệu đồng. Có mượn của Dương Công Hiệp 250 triệu đồng". "Tiền của bị cáo Châu đưa là tiền gì?". "Dạ tiền chú Châu cho để bị cáo mua đất của bà chị". "Sao Châu lại cho bị cáo?". "Tôi và chú Châu là quan hệ chú cháu trong gia đình. Chú cháu cho nhau là chuyện bình thường".

"Vậy còn tiền Hiệp đưa bị cáo?". "Dạ trước đó Hiệp và bị cáo cũng đã có quan hệ trong cùng cơ quan. Khi cần bị cáo cũng hay vay mượn của Hiệp". Chủ tọa nói: "Việc nhận tiền này bị cáo có đến 9, 10 bản tự khai nhưng lại mâu thuẫn với nhau. Ngày 26, 27.10.2005 thì khai là mượn Hiệp 500 triệu, của Châu là 60 triệu và 500 USD. Sau đó lại khai là Hiệp đưa mượn 150 triệu, Châu cho 290 triệu. Rồi sau đó có lời khai là Hiệp đưa mượn 250 triệu, Châu cho 290 triệu. Giờ trước tòa bị cáo lại khai là chỉ nhận của Châu 60 triệu, của Hiệp là 250 triệu. Vậy đâu là lời khai đúng?".

Thấy bị cáo Long lúng túng, Chủ tọa chuyển sang vấn đề "nhạy cảm" khác: "Sau khi cơ quan công an vào cuộc, bị cáo có nói Lâm và Châu chi tiền chạy án không?". "Dạ không có. Vì lúc đó UBND thành phố lập đoàn thanh tra, và ra dự thảo thì không đề cập gì đến sai phạm của bị cáo".

Chỉ vào tờ khai của Long, chủ tọa hỏi: "Vậy bị cáo có gọi điện cho Lê Minh Châu nói là: Có những đơn vị sai phạm nhưng vì có lo nên đều qua hết, công ty mình nên lo chạy đi. Vậy lo chạy đi nghĩa là gì?".

Long vẫn "bảo lưu quan điểm": "Lúc đó là năm 2003, đâu có đề cập gì đến bị cáo đâu, bị cáo chạy làm gì?". Về tình tiết này bản thân Lê Minh Châu trước đó khai rằng đã phải "bấm bụng" chi đến 30 triệu và 30.000 USD để "chạy án" theo chỉ đạo của Trần Kim Long.

Hôm nay phiên tòa tạm nghỉ và sẽ tiếp tục vào ngày 5.2 tới.

M.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.