Những chiêu lừa bạc tỉ - Dự án 35 tỉ đồng "ma"

03/02/2010 01:45 GMT+7

* Đừng để lòng tham dẫn dắt Mời nghe đọc bài Từ sự cả tin và am hiểu pháp luật còn hạn chế của nạn nhân, một mê hồn trận đã được dựng lên...

Từng bước vào tròng

Tháng 9.2008, thông qua người bạn, Hồng nhờ ông Phạm Quang Năm (quê Đồng Nai) vay giúp 700 triệu đồng để "lo" ngân hàng giải ngân một khoản tiền vay. Hồng hứa sẽ cho vay lại hàng trăm triệu đồng không lãi suất khi lấy được tiền của ngân hàng. Thấy hợp đồng cũng khá béo bở, ông Năm đứng ra vay 700 triệu đồng, Hồng chịu lãi suất 15%/tháng. Đến hẹn nhưng không thấy tiền đâu, ông Năm tìm Hồng đòi. Lập tức, Hồng trình ra dự án khu du lịch sinh thái quy mô lớn mà mình là cổ đông, sẽ mọc lên tại khu đất "vàng" ở Phan Thiết, vốn đầu tư 35 tỉ đồng. Thấy các thủ tục giấy tờ của Ngân hàng P.Đ trên đường Hùng Vương chấp thuận cho Hồng và một cổ đông khác vay 35 tỉ đồng, với tài sản thế chấp gồm: bản thiết kế dự án khả thi và giấy tờ căn nhà mặt tiền đường Trịnh Hoài Đức (Q.5) của Hồng kèm giấy hẹn của ngân hàng sẽ giải ngân trước tháng 12.2008, ông Năm yên tâm.

Đừng để lòng tham dẫn dắt

Các đối tượng lừa đảo thường đánh vào tâm lý của nạn nhân ham muốn lợi nhuận nhiều, lãi suất cao hoặc đưa ra các lời hứa hẹn hấp dẫn… để họ mất cảnh giác.

Mặt khác, một số cá nhân, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại vẫn giữ thói quen quyết định cảm tính, quen biết, tin tưởng không tuân theo các quy định pháp luật nên dễ dàng trở thành nạn nhân.

Để tránh tiền mất tật mang, khi tiến hành cho vay mượn nợ phải thể hiện bằng các hợp đồng vay tài sản có tài sản thế chấp, công chứng theo quy định pháp luật hoặc tối thiểu khi giao nhận tiền giữa các bên phải lập biên nhận vay nợ và có đủ một số thông tin nhân thân cần thiết như họ tên, năm sinh; số chứng minh nhân dân; địa chỉ thường trú, tạm trú của người vay, mượn nợ để có thể khởi kiện bảo vệ quyền lợi của mình sau này. Đối với hồ sơ dự án đầu tư kinh doanh, cần phải liên hệ xác minh lại tại các sở ban ngành để biết rõ thông tin chính xác, tính hợp lệ, hợp pháp của dự án đang tiến hành.

Luật sư TRẦN NGỌC QUÝ
(Đoàn Luật sư TP.HCM)

Tiếp đó, Hồng gặp ông Năm ỉ ôi: do ngân hàng chậm cho vay nên Hồng cầm giấy tờ nhà cho một nhân vật tên Bích lấy 8,3 tỉ đồng. Đến khi ngân hàng yêu cầu thì Bích đã đi nước ngoài công tác nên không có giấy tờ nhà đưa vào giải ngân, lấy tiền ra trả ông Năm. Hồng đề nghị ông Năm vay thêm hơn 1 tỉ đồng, dùng số tiền này "chạy" lãnh đạo ngân hàng giải ngân. Đổi lại, Hồng sẽ trả hết nợ cũ và cho ông Năm vay 500 triệu đồng trong vòng 15 năm, không lấy lãi suất. Ông Năm lại chạy tiền đưa Hồng.

Đầu tháng 1.2009, Hồng đến nhà ông Năm báo tin: Bích mang 2 triệu USD từ Mỹ về đến Thái Lan, bị cảnh sát giữ vì mang ngoại tệ quá quy định nên đang cần 4.000 USD (Bích chịu trả lãi suất) gửi qua lo chi phí trong thời gian đi lại chờ giải quyết. Đồng thời, Bích cũng gọi điện thoại trực tiếp từ Thái Lan về cho ông Năm năn nỉ vay tiền giúp với hứa hẹn "cho vay 2 - 3 tỉ đồng với lãi suất gần 0,9%/tháng trong thời hạn 15 năm". Ông Năm lại chạy vạy gom đủ tiền đưa cho Bích thông qua Hồng.

Hơn 1 tháng sau, Hồng lại thông báo: "Cảnh sát đã đưa Bích qua Mỹ xác minh nguồn gốc tiền. Kết luận là tiền "sạch" nên cảnh sát cho Bích đem thêm 4 triệu USD nữa về Thái Lan; tổng cộng 6 triệu USD, nộp thuế 1% và thuê cảnh sát Thái Lan áp tải ra sân bay nhưng khi về đến Việt Nam thì bị công an bắt giữ. Cơ quan công an khám xét nhà Bích thu giữ thêm 7,8 tỉ đồng tiền mặt và 13 sổ đỏ chủ quyền nhà, trong đó có sổ đỏ chủ quyền nhà trên đường Trịnh Hoài Đức của Hồng. Hiện Bích đang bị giam tại Chí Hòa. Hồng cũng bị PC14, PC15 mời đến làm việc nhiều lần". Tiếp đó, đầu tháng 3.2009, Bích gọi điện thoại cho ông Năm "tiết lộ" rằng "đang gọi từ trại giam Chí Hòa" và nhờ ông Năm vay 100 triệu đồng nộp phạt để lấy sổ đỏ của Hồng ra đi vay ngân hàng.

Giao tiền ở... trại tạm giam (!)

Tiền chi đã nhiều mà không biết thực hư thế nào nên ông Năm quyết tự mình đến trại tạm giam Chí Hòa đưa tiền để kiểm tra thực hư. Tại cổng trại tạm giam, Hồng đề nghị ông Năm đứng đợi bên ngoài, còn Hồng vào bên trong đưa tiền cho Bích. Một lát sau, Bích "gọi điện thoại ra" cho ông Năm nói là đã nhận tiền rồi.

Ngày 8.3.2009, Hồng gọi báo ông Năm đã làm thủ tục vay Ngân hàng xong và hẹn 11.3.2009 đến Ngân hàng P.Đ ở đường Hùng Vương nhận tiền. Đúng hẹn, ông Năm đến thì đã thấy ba người đang ngồi đối diện ngân hàng uống cà phê, gồm Hồng và hai thanh niên khác. Hồng giới thiệu một người tên Nam là cán bộ điều tra của PC14, người mang sổ đỏ ra cho Hồng và Tuấn - cán bộ tín dụng của ngân hàng. Sau đó, Nam, Tuấn vào bên trong ngân hàng nói là làm thủ tục rút tiền. Nhưng 15 phút sau, Bích lại điện thoại cho ông Năm báo Nam, Tuấn đã bị công an bắt giữ!

Một tuần sau, Hồng lại đến nhà ông Năm nhờ vay tiếp 500 triệu đồng "chung chi" cho công an để sớm lấy sổ đỏ ra, sớm vay tiền để trả cho ông Năm. "Lần này, có người tự nhận là "thiếu úy Dũng", công an của trại tạm giam mang theo giấy biên nhận đến nhà lấy tiền. Tôi nghĩ giờ này mà bỏ cuộc thì cũng chết nên vay thêm 500 triệu đồng đưa cho anh ta", ông Năm kể.

Vài ngày sau, họ lại nhờ ông Năm phải vay 1 tỉ nữa "lót tay" cho người này người kia. Ông Năm lại bấm bụng lấy giấy tờ nhà mang đi cầm và nhờ bạn bè vay thêm mới gom đủ số đưa tiếp cho "thiếu úy Dũng". Đến khi những nhân vật này tiếp tục đưa ra lý do: "thiếu úy Dũng bị công an bắt vì cá độ bóng đá thua sạch tiền", rồi "trưởng trại giam Chí Hòa bị trúng gió"... với mục đích trì hoãn việc trả nợ đồng thời nhờ vay thêm tiền, ông Năm cương quyết nói "không" (thật ra thì không còn ai dám đưa tiền cho ông vay nữa). Lập tức những người này trở mặt.

"Rà soát, xâu chuỗi lại toàn bộ vụ việc, tôi nhận thấy đây là hình thức chiếm đoạt tiền vô cùng tinh vi. Bằng cách dựng lên một chuỗi sự kiện cấp thiết, đưa ra dự án "ma" để đánh bóng mình, họ đã làm tôi tin tưởng. Tôi đã nhờ mọi người xác minh và phát hiện tất cả vụ việc đem tiền từ nước ngoài về, bị bắt giam, chạy án cho công an đều không có thật. Đây là một âm mưu được dựng lên một cách bài bản để đưa tôi vào tròng. Đáng chú ý, thời gian lừa lấy tiền của tôi trùng khớp với thời điểm Hồng mua 10 ha đất ở Đồng Nai" - ông Năm bức xúc.

Đến nay Hồng chỉ chịu trả số tiền mà Hồng nhờ ông Năm đứng ra vay, còn từ chối trả số tiền mà Bích nhờ vay. Hiện ông Năm đang đối mặt với món nợ 2,6 tỉ đồng.

Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.