Tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt

21/02/2014 12:10 GMT+7

(TNO) Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh chủ chốt do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu, hoặc phê chuẩn, sẽ tạm dừng để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 của Quốc hội.

(TNO) Theo Trưởng ban công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) Nguyễn Thị Nương, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh chủ chốt do Quốc hội (QH), Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn sẽ tạm dừng để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 của QH, theo thông báo mới đây của Bộ Chính trị.

>> Sẽ sửa quy định về lấy phiếu tín nhiệm
>> Đề nghị lấy phiếu tín nhiệm tới các giám đốc sở
>> Lấy phiếu tín nhiệm: Đề nghị chỉ nên để 2 mức
>> Chủ tịch QH lưu ý các tỉnh về lấy phiếu tín nhiệm
>> Công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm: Sự động viên và đòi hỏi trách nhiệm cao hơn
>> Công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 47 lãnh đạo cao cấp

Sáng nay 21.2, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về Tờ trình của Ban công tác đại biểu liên quan đến việc thực hiện thông báo số 149 ngày 20.12.2013 của Bộ Chính trị.

Tạm dừng để khắc phục bất cập

Trưởng ban công tác đại biểu đề nghị Ủy ban TVQH tiến hành một số công tác chuẩn bị để tại kỳ họp thứ 7 dự kiến khai mạc vào tháng 5 tới, QH sẽ ban hành nghị quyết về việc tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm (LPTN) đối với các chức danh chủ chốt do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 của QH về LPTN, bỏ phiếu tín nhiệm (BPTN).

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đồng tình việc tạm dừng LTPN tại kỳ họp tới của QH để khắc phục những vấn đề bất hợp lý trong lần lấy phiếu đầu tiên; đồng thời, đề nghị xem xét lại việc LPTN đối với cơ quan hành pháp phải tách riêng so với khối dân cử để tránh khối hành pháp “tâm tư” như lần bỏ phiếu trước về mức độ chênh lệch tỉ lệ tín nhiệm giữa hai khối.

Thậm chí, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị nên cân nhắc giảm bớt đối tượng cần LPTN từ khối dân cử, vì theo ông Ksor Phước, “nếu bỏ phiếu thì bỏ vào khối va chạm hằng ngày với cuộc sống, phải thực thi trực tiếp nhiệm vụ để biết mức độ tín nhiệm cao thấp thế nào, giúp cho các cơ quan này tự điều chỉnh trước phản ánh của nhân dân đối với ngành nghề, lĩnh vực mình quản lý. Cấp tỉnh thì cần mở rộng thêm các giám đốc sở để nhân dân đánh giá”.

Không phải là dừng vô thời hạn

Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng tại kỳ họp tới,TVQH sẽ báo cáo ra QH để đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 35, đánh giá những ưu điểm, hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai vừa qua, trong đó có vấn đề như ông Ksor Phước nêu.

“Không thể để đối tượng hành pháp với lập pháp một bảng chung như vậy nữa, khó so sánh. Chúng ta ở khối lập pháp, thấy hành pháp người ta tâm tư là đúng”, bà Ngân nói.

Bà Ngân cũng lưu ý, việc tạm dừng LPTN lần này là để sửa đổi, hoàn thiện Nghị quyết 35 để tiếp tục LTPN ở những kỳ họp tiếp theo, chứ không phải là dừng vô thời hạn.

Phát biểu sau cùng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại ý kiến ông đã từng phát biểu trước QH khi kết thúc nội dung LPTN tại kỳ họp thứ 5 vào năm 2013, đó là sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm vì đây là lần đầu tiên triển khai công việc này, và Việt Nam cũng là nước đầu tiên trên thế giới LPTN theo cách này.

Chủ tịch QH đề nghị Ban công tác đại biểu chủ trì soạn thảo sửa đổi Nghị quyết 35 để Ủy ban Pháp luật thẩm tra, giúp cho TVQH tờ trình và dự thảo nghị quyết sửa đổi trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 tới.

“Kỳ họp thứ 7 tạm thời chưa LPTN còn kỳ sau thế nào sẽ do việc sửa đổi Nghị quyết 35 theo quyết định của QH”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói thêm.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.