Từ scandal của ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung: Phát tán ảnh khoả thân: Có bị tội?

08/10/2004 13:14 GMT+7

Những ngày qua dư luận khá ồn ào xung quanh vụ ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung (gương mặt khá ấn tượng tại giải Sao Mai - Điểm hẹn, VTV3) bị người tình cũ là Lê Vĩnh Thắng tố cáo là đã "ẵm" số tiền 90 ngàn USD của Thắng để tiêu xài và ''lo'' cho việc chạy đua vào vòng trong của giải Sao Mai. Vài ngày sau, trên mạng xuất hiện những tấm ảnh khỏa thân của Nguyễn Hồng Nhung. Tiếp đó, trong khi trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên, Lê Vĩnh Thắng đã khẳng định chính mình đã đưa ảnh khỏa thân của Hồng Nhung ra trước công chúng để ''nói lên lối sống sa đọa của người tình''.

Bài báo này không muốn nói gì thêm xung quanh việc ''đôi co'' về chuyện tình và tiền giữa Nguyễn Hồng Nhung và Lê Vĩnh Thắng. Ở góc độ pháp luật chúng tôi chỉ đề cập, bàn luận về trách nhiệm pháp lý khi một người nào đó thực hiện hành vi phán tán ảnh khỏa thân của người khác lên mạng.

Chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Quốc Việt, Vụ trưởng Vụ Hình sự-Hành chính, xung quanh vấn đề này:

- Theo ông, nếu xác định được một người đã phát tán ảnh khỏa thân của người khác lên mạng nhằm bêu xấu người trong ảnh thì người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Nếu có thì là tội gì?

- Tôi cho rằng nếu có thì chỉ có thể khởi tố về tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 121 BLHS. Làm nhục người khác tức là có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người đó. Phát tán ảnh khỏa thân của người khác một cách trái với ý muốn của người trong ảnh cũng là hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm. Mặt khác, động cơ, mục đích của việc phát tán này rất rõ ràng vì nó nhằm vào một đối tượng cụ thể nhằm bêu riếu, bôi nhọ và làm nhục người trong ảnh. Chỉ cần có dấu hiệu như vậy thì có thể khởi tố được mà không phụ thuộc vào việc hành vi đó đã bị xử phạt hành chính hay chưa.

Cần lưu ý, đối với tội làm nhục người khác, theo quy định chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại. Thông thường, việc khởi tố theo yêu cầu của người bị hại chỉ áp dụng đối với tội ít nghiêm trọng (được quy định tại Khoản 1). Trường hợp rơi vào Khoản 2 với những tình tiết tăng nặng như: phạm tội nhiều lần, đối với nhiều người... thì cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố mà không cần chờ có yêu cầu của người bị hại.

Sở dĩ có quy định để khởi tố phải có yêu cầu của người bị hại bởi vì trong trường hợp này nếu khởi tố và đưa ra toà là công khai cho nhiều người biết, trong khi có thể người đã bị làm nhục muốn giữ kín chuyện. Vì vậy, trong trường hợp của ca sĩ Hồng Nhung, nếu thoả mãn đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm nhưng chỉ rơi vào Khoản 1 thì chỉ khi nào ca sĩ Hồng Nhung có yêu cầu, cơ quan điều tra mới được xem xét để quyết định có khởi tố hay không.

- Nhưng cũng có ý kiến cho rằng hành vi phát tán ảnh trên mạng có thể bị truy cứu về tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính (Điều 226 BLHS). Ông thấy sao?

- Theo quy định, hành vi bị coi là phạm tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính (Điều 226 BLHS) có thể là hành vi tung lên mạng cho mọi người cùng biết những tranh ảnh đồi truỵ hoặc những tài liệu phản động... Song cần chú ý đây là tội có cấu thành vật chất nên đòi hỏi hành vi đó phải gây hậu quả nghiêm trọng thì mới thoả mãn cấu thành tội phạm của tội này. Tuy nhiên, như thế nào là hậu quả nghiêm trọng thì hiện nay vẫn... chưa có hướng dẫn của các ngành chức năng. Theo tôi, hậu quả nghiêm trọng có thể là người có ảnh bị đưa lên mạng vì quá ức chế mà dẫn đến tự tử, bị điên loạn, hoặc nếu vì dư luận không tốt mà các đối tác ngưng làm ăn, gây thiệt hại về thu nhập, ảnh hưởng lớn đến đời sống của họ thì cũng có thể coi là gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này thì phải thêm điều kiện người vi phạm đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính mà còn vi phạm.

- Vậy liệu có thể xử lý về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy được không, thưa ông?

- Theo quy định, người nào làm ra, vận chuyển, sao chép, lưu hành, tàng trữ nhằm phổ biến sách báo, tranh ảnh, phim nhạc và các vật phẩm khác... có tính chất đồi truỵ cũng như có hành vi khác nhằm truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ mà vật phạm pháp có số lượng lớn, phổ biến cho nhiều người, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án mà còn vi phạm mới bị xứ lý về tội truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ được quy định tại Điều 253 BLHS.

Hành vi tung hình ảnh đồi truỵ lên mạng cũng có thể hiểu là phổ biến cho nhiều người xem nhưng thường hành vi ấy không có chủ định làm hại hay bôi nhọ ai. Còn việc phát tán ảnh nhằm vào một người cụ thể, có mục đích rất rõ, rất cụ thể là nhằm bêu riếu và làm nhục người trong ảnh chỉ có thể là tội làm nhục người khác.

(Theo Pháp Luật TP HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.