Vụ án PMU 18: Công ty “gầy” và những dự án “béo”

13/05/2006 00:47 GMT+7

* Thi công gần 2 năm chưa xong 1km đường! Từ năm 2004 trở lại đây, Công ty cổ phần Thái Bình Dương (công ty TBD) do Tôn Anh Dũng và một số thành viên trong gia đình thành lập đã trúng thầu thi công nhiều gói thầu xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn các tỉnh miền Trung. Ngoài các dự án nhận thầu từ PMU 18, PMU 85, một số dự án lớn khác tại Thừa Thiên - Huế cũng đã về tay Tôn Anh Dũng, trong khi năng lực thực tế của công ty này rất hạn chế.

Những dự án dở dang

Ngày 17/3/2003, Bộ NN&PTNT có quyết định 1908/QĐ-BNN-QLN phê duyệt đầu tư dự án Cụm công trình thủy lợi A Lưới, gồm 5 công trình, với tổng kinh phí gần 18 tỉ đồng. Công trình đập Khe Trai 1, thuộc xã Đông Sơn, có kinh phí gần 3 tỉ đồng (trong đó vốn Trung ương hơn 2,7 tỉ đồng, còn lại là vốn địa phương) là một công trình thuộc cụm dự án này đã được giao cho công ty TBD. Công trình đường vành đai Đại học Huế có vốn đầu tư 3,4 tỉ đồng cũng do công ty này thi công. Ngoài ra, công ty TBD còn tham gia thực hiện một số dự án liên quan đến đô thị, san lấp mặt bằng như công trình gia cố nền bằng cọc cát Bệnh viện Đa khoa khu vực phía Nam - Sở Y tế; dự án xây dựng đô thị mới ở Khu quy hoạch thôn 1, xã Thủy Dương, Hương Thủy (công ty đã đề nghị giao lại cho tỉnh)...

Hiện tại còn 3 gói thầu lớn mà công ty TBD trúng thầu đang thi công dở dang, hoặc chưa triển khai thi công. Gói thầu gia cố lòng dẫn từ trụ T10 đến bờ nam và gia cố bờ nam công trình đập Thảo Long, do Ban QL dự án Thủy lợi 408 làm chủ đầu tư với tổng giá trị 4,645 tỉ đồng, có quyết định trúng thầu từ ngày 7/5/2003 và chủ đầu tư cũng đã cho công ty TBD ứng trước 930 triệu đồng (20% giá trị gói thầu) theo luật định. Theo hợp đồng, đến ngày 30/6/2006 công trình sẽ hoàn thành cả phần gia cố lòng sông và kè đá bờ nam. Nhưng hiện nay, công ty TBD đã xin rút hợp đồng vì không thể thực hiện đúng tiến độ. Ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc BQL dự án Thủy lợi 408 cho biết, sau khi công ty TBD có văn bản xin rút hợp đồng, đơn vị đã báo cáo Bộ NN&PTNT và đề xuất hai phương án tháo gỡ để công trình hoàn thành đúng tiến độ, kịp thời ngăn mặn. Đó là, tổ chức đấu thầu lại hoặc chỉ định thầu một đơn vị khác có đủ năng lực thi công.

Tôn Anh Dũng tại lễ khởi công công trình đường Nguyễn Chí Thanh

Công trình đường Nguyễn Chí Thanh, huyện Quảng Điền, công ty TBD trúng thầu thi công 2 gói thầu số 1 và số 3. Gói thầu số 1 (km4+129.46 - km 5+817) có giá trị trên 3,66 tỉ đồng, tiến độ thực hiện từ 24/3/2005 đến 24/11/2005. Đến nay, công ty TBD thực hiện gói thầu được 1,6 tỉ đồng (kể cả khối lượng nghiệm thu giai đoạn 1 và khối lượng đã hoàn thành); đã nhận cấp phát trên 1,359 tỉ đồng (kể cả tiền tạm ứng và nghiệm thu giai đoạn 1). Gói thầu số 3 (km5+817 - km11+800) có giá trị hợp đồng 14,71 tỉ đồng, công ty TBD đã tạm ứng trên 2,777 tỉ đồng.

Theo báo cáo ngày 19/4/2006 của BQL dự án các công trình giao thông tỉnh, do phía công ty TBD không còn đủ năng lực thi công công trình, đề nghị UBND tỉnh cho phép thanh lý hợp đồng hai gói thầu trên và cho tổ chức đấu thầu lại, hoặc chỉ định cho một hay hai doanh nghiệp trong tỉnh có đủ năng lực thi công. Ngày 20/4, Sở GTVT Thừa Thiên-Huế đã có công văn gửi UBND tỉnh thống nhất với đề xuất trên.

Sau khi bị can Tôn Anh Dũng liên quan đến đường dây chạy án cho Bùi Tiến Dũng bị bắt, dư luận tại Huế rất quan tâm đến chất lượng công trình của các dự án do công ty này thực hiện. Và một câu hỏi được đặt ra là tại sao công ty TBD chỉ là một doanh nghiệp năng lực có hạn và không mấy tên tuổi ở Huế lại được "trúng thầu" nhiều công trình béo bở như vậy. Ngoài ra còn được tỉnh Thừa Thiên-Huế "ưu ái" cấp đất  trên đường QL 49, thuộc khu quy hoạch Nam Vỹ Dạ? Phải chăng, ngoài mối quan hệ với Bùi Tiến Dũng và các quan chức của PMU 18, Tôn Anh Dũng còn có mối quan hệ "thân thiết" với các quan chức lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên-Huế? Theo nguồn tin của riêng của báo Thanh Niên, vừa qua một tổ công tác của C14, đã vào Huế để làm rõ nguồn gốc tài sản của Tôn Anh Dũng tại công ty và các mối quan hệ phức tạp này.

Thi công gần 2 năm chưa xong 1km đường!

Năm 2003, để thi công đường tránh Quốc lộ 1A, các đơn vị thi công đã dùng đường Vĩnh Điện - Hội An (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) để chuyên chở vật liệu. Đường xuống cấp nghiêm trọng nên Bộ GTVT quyết định đầu tư để đền bù!

Công ty cổ phần Thái Bình Dương (tên viết tắt PACIFIC, Co.) được Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên-Huế cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 14/6/2001 và đến nay đã qua 4 lần đăng ký thay đổi các chức danh, vốn pháp định, và người đại diện theo pháp luật. Người đại diện theo pháp luật của công ty hiện nay là ông Tôn Đức Minh (anh ruột của Tôn Anh Dũng). Trụ sở chính 88 Yết Kiêu, TP Huế. Vốn điều lệ của doanh nghiệp 45 tỷ đồng; trong đó Tôn Anh Dũng 45.000 cổ phần, Tôn Đức Minh 45.000 cổ phần, Tôn Ánh Dương 10.000 cổ phần và Tôn Trung Sơn 10.000 cổ phần.

Đoạn đường được thi công mở rộng, nâng cấp này chỉ dài có 1km, nhưng được Bộ GTVT duyệt kinh phí lên đến 7,8 tỉ đồng. Tất nhiên, công trình ngon ăn như thế phải do PMU 18 làm chủ đầu tư và công ty TBD của Tôn Anh Dũng thi công. Đầu năm 2005, đoạn đường này được khởi công xây dựng nhưng từ đó đến nay vẫn... ngập tràn bụi! Có mặt tại công trường vào sáng 27/4, chúng tôi chỉ thấy lác đác vài công nhân đang tiến hành đổ bê tông các đoạn cống hộp thoát nước. Trong khi đó, nhiều đoạn đường bị đào bới nham nhở, tập trung chủ yếu ở các hộ dân đang sinh sống. Các hố đào sâu và rộng nên để vào nhà, các hộ dân này không còn cách nào khác là bắc cầu khỉ! Anh Hải - một người dân nói: "Chúng tôi chịu hết nổi với cách làm vừa cẩu thả, vừa coi thường sức khỏe người dân của các đơn vị thi công. Mưa xuống thì sình lầy, còn nắng lên thì bụi mịt mờ. Không biết đến bao giờ mới chấm dứt cảnh này".

Theo lãnh đạo UBND huyện Điện Bàn, đây là công trình đạt kỷ lục về "bán thầu". Công ty TBD đã không trực tiếp thi công mà sang tay cho đơn vị khác. Đơn vị này lại tiếp tục bán thầu. Kiểm tra lại thì 1km đường Vĩnh Điện - Hội An đã qua tay... 6 chủ thầu (!?). Đến nay, cả Tổng giám đốc PMU 18 Bùi Tiến Dũng và Tôn Anh Dũng bị bắt giam nên công trình đã chậm lại càng chậm hơn. Người dân thắc mắc, với cách làm ăn kiểu này đến bao giờ đoạn đường mới được hoàn thành? Câu trả lời vẫn còn mịt mờ y như cảnh người dân phải hứng chịu bụi mù mỗi khi có cơn gió mạnh thổi qua!

* * *

Khi hay tin Tôn Anh Dũng bị bắt, ngôi nhà 83 Yết Kiêu - văn phòng công ty TBD - và 10/14 kiệt 183 Nguyễn Huệ - nơi Dũng sống cùng vợ con - là hai địa điểm thường xuyên được cánh báo chí để mắt. Tuy nhiên, văn phòng công ty chỉ là gian trước của một ngôi nhà cấp 4 nhỏ hẹp, khu sau được Tôn Đức Minh - giám đốc công ty, anh ruột của Tôn Anh Dũng - và gia đình làm nơi trú ngụ. Người chạy xe ôm dẫn chúng tôi đến nói đùa rằng, văn phòng của một công ty có dự án bạc tỷ mà chẳng bằng một gian hàng bán tạp hóa của tiểu thương chợ Đông Ba (!).

Tôn Anh Dũng quê quán ở tận thôn Minh Cầm Ngoại, xã Phong Hóa (huyện miền núi Tuyên Hóa - Quảng Bình), xuất thân trong một gia đình lao động nghèo. Từ giữa những năm 80 thế kỷ trước, Tôn Anh Dũng vào Huế, sau đó làm việc tại bộ phận kế hoạch của công ty đông lạnh Sông Hương (Huế). Khoảng gần 10 năm trở lại đây, Dũng nhảy sang lĩnh vực thầu xây dựng và trở thành Phó giám đốc 2 công ty có trụ sở đóng tại Huế. Danh tiếng của Dũng cũng nổi lên như cồn từ đó. Ông anh ruột Tôn Đức Minh, mặc dù là "cấp trên" của Dũng nhưng ít ai nghe tên tuổi.

Bùi Ngọc Long - Hữu Trà - Văn Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.