Phập phồng chờ bão

07/11/2013 03:25 GMT+7

Tính đến cuối ngày 6.11, chính quyền TP.HCM và huyện Cần Giờ đã sơ tán gần 4.000 người dân ở khu vực xung yếu, nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn, trong đó có gần 2.000 người sinh sống trên xã đảo Thạnh An được đưa vào thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) để đề phòng thời tiết bất lợi.

Siêu bão Haiyan có khả năng vào biển Đông

Phập phồng chờ bão

Nhiều trẻ em ở xã đảo Thạnh An theo cha mẹ vào trú ẩn ở thị trấn Cần Thạnh, H.Cần Giờ, TP.HCM nhằm đề phòng thời tiết bất lợi vào chiều 6.11 -  Ảnh: Diệp Đức Minh

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trên xã đảo Thạnh An đến chiều qua chỉ còn lại lực lượng thanh niên và cán bộ xã. Nhiều gia đình phải bỏ lại nhà cửa trên đảo để đi sơ tán nhưng hầu hết mọi người đều tỏ ra an tâm vì tài sản đã có lực lượng tại chỗ của xã trông coi. Trong khuôn viên trụ sở Nhà thiếu nhi, Trung tâm văn hóa và Liên đoàn Lao động huyện (thị trấn Cần Thạnh), từng nhóm người đi sơ tán quây quần bên nhau được chính quyền phục vụ cơm nước, cấp phát chăn mền, sữa… Gia đình chị Lê Ngọc Hương, 27 tuổi là một trong những gia đình có người đi sơ tán đông nhất. Ngoài vợ chồng chị Hương còn có thêm 3 đứa con, đứa nhỏ nhất mới 1 tuổi. Theo ông Lê Văn Thơm, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, đây là đợt sơ tán lớn nhất từ trước đến nay của huyện, tuy nhiên công tác sơ tán đã diễn ra an toàn, được sự đồng tình của người dân.

Trao đổi với PV Thanh Niên khi đang túc trực ở huyện Cần Giờ chỉ đạo ứng phó trước diễn biến thời tiết bất lợi, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết đối với các cơ sở kinh tế tại các khu chế xuất, khu công nghiệp nói riêng và trên địa bàn toàn TP nói chung, TP đã liên tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, gia cố nhà xưởng và lên phương án bảo vệ tài sản, cơ sở sản xuất. Đặc biệt, TP cũng đã chỉ đạo ngành điện lực TP chủ động có phương án xử lý trong mọi tình huống, chuẩn bị đầy đủ nguồn điện dự phòng, không để điện bị cúp kéo dài nếu như có bão đổ bộ để giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo đời sống, nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Trên tinh thần đó, trong ngày hôm qua, Sở Xây dựng đã phối hợp với UBND các quận, huyện kiểm tra công tác đảm bảo an toàn tại các nhà ở, công trình, công trường đang thi công (nhất là giàn giáo, cần trục tháp), chung cư cũ xuống cấp, công trình ngầm trước khi xảy ra bão, giông gió...

Theo chỉ đạo của UBND TP, Sở GD-ĐT đã cho tạm ngưng mọi hoạt động giảng dạy và học tập tại các cơ sở trường học trực thuộc từ 16 giờ chiều.

Áp thấp nhiệt đới xuyên qua Nam Trung bộ và Nam bộ

 

5 tàu cá gặp sự cố

Chiều 6.11, cơ quan chức năng cho biết có 5 tàu cá của các tỉnh miền Trung gặp sự cố máy, thả trôi trên đường chạy ATNĐ, gồm Khánh Hòa 3 tàu, Bình Định 1 tàu và Đà Nẵng 1 tàu. Trong đó, tàu ĐNa 90297 do ông Hà Văn Thọ, trú tại P.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng là chủ phương tiện, có tới 28 lao động, gặp sự cố tại vị trí cách mũi Sa Huỳnh 22 hải lý, giữa vùng biển có gió mạnh cấp 6. Đến cuối giờ chiều qua, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã điều động phương tiện của Quân chủng Hải quân và biên phòng tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ngãi tiếp cận cứu hộ.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đến 20 giờ ngày 6.11, tại khu vực Khánh Hòa - Ninh Thuận, gió ở mức cấp 5 cấp 6, mưa vừa. Dù vậy, để chuẩn bị ứng phó với cơn áp thấp có khả năng mạnh lên thành bão, cơ quan chức năng của hai tỉnh đã chuẩn bị các phương án để ứng phó.

Tại Ninh Thuận, lực lượng quân đội, dân quân tự vệ đã về các địa phương ven biển giúp người dân chằng chống nhà cửa, sắp xếp bến bãi cho 2.651 tàu thuyền (16.230 lao động) vào nơi trú bão. Cơ quan chức năng cũng chuẩn bị các phương án di dời dân, tập trung lực lượng, phương tiện, lương thực, thuốc men… để ứng phó khi bão đổ bộ. 

Không mạnh lên thành bão như dự báo, tối hôm qua 6.11, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã đổ bộ vào đất liền Nam Trung bộ với cường độ mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, tối hôm qua ở các tỉnh ven biển Nam Trung bộ có gió giật mạnh cấp 6 - 7, ở Nha Trang (Khánh Hòa) và Phan Rang (Ninh Thuận) đã có gió giật mạnh cấp 8. Đêm qua, ATNĐ di chuyển nhanh theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ khoảng 25 - 30 km xuyên sâu vào đất liền các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 8 giờ ngày 7.11, tâm vùng áp thấp ở trên khu vực miền nam Campuchia, cường độ giảm xuống dưới cấp 6. Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao nên ở các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung bộ hôm qua đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Trong khi đó, bão Haiyan tối hôm qua đã mạnh thành siêu bão với cường độ đến cấp 16, cấp 17, giật trên cấp 17. Dự báo siêu bão sẽ di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 25 - 30 km/giờ. Như vậy, khoảng đêm 8.11, cơn bão rất mạnh này có khả năng đi vào biển Đông.

Phập phồng chờ bão

ATNĐ đi xuyên qua Nam Trung bộ và Nam bộ - Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư

Bình Thuận: Hơn 1.000 người dân thuộc các xã Tam Thanh, Long Hải và Ngũ Phụng (đảo Phú Quý) đã được di dời đến nơi an toàn. Cơ quan chức năng cho biết hơn 7.600 tàu thuyền đánh bắt xa bờ (39.000 lao động) cũng đã neo đậu an toàn. Các hồ thủy lợi Sông Quao, hồ Lòng Sông, hồ Ba Bàu, hồ Đu Đủ đều xả tràn từ 100 - 300 m3/giây. Hàng trăm resort ở Mũi Né đã được lên phương án bảo vệ và di dời du khách đến nơi an toàn.

Tiền Giang: Cơ quan chức năng đã liên lạc, kêu gọi hơn 700 tàu thuyền đánh bắt xa bờ và tàu hoạt động gần bờ vào nơi trú bão.

Bạc Liêu: Đến cuối ngày hôm qua, cơ quan chức năng đã liên lạc, kêu gọi được tất cả các tàu thuyền vào nơi đậu tránh bão; đồng thời cấm các phương tiện ra khơi hoạt động. 

Bến Tre: Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh cho biết đã thông báo cho số tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng đi của bão số 13 nhằm chủ động phòng tránh; đồng thời bắn pháo hiệu báo bão theo đúng quy định tại Đồn Biên phòng Hàm Luông.

Cà Mau: Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã thông báo cho 4.489 tàu cá (với 23.637 lao động) biết thông tin thời tiết để chủ động phòng tránh; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra vào hoạt động trên khu vực biển, nhất là các cửa biển không có trạm kiểm soát. Cơ quan chức năng cũng thông báo các chủ đáy biển, rà soát các tuyến đê biển, đê sông, cửa sông để di chuyển dân vào nơi an toàn.

Phú Quốc: Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão H.Phú Quốc (Kiên Giang), cho biết đã thông báo, kêu gọi 1.680 tàu thuyền đang đánh bắt trên vùng biển Tây Nam vào neo đậu an toàn tại các sông Dương Đông, cảng An Thới, Vịnh Đầm, âu tàu Đá Chồng…; xa nhất là xã đảo Thổ Châu có 250 tàu thuyền cũng đã vào khu tránh bão neo đậu an toàn.

Thanh Niên

>> Ninh Thuận, Bình Thuận khẩn trương chống bão số 13
>> Bão số 13: Di dời dân trước 7 giờ tối ngày 6.11
>> Bão số 13 sẽ vào vùng biển từ Khánh Hòa đến Bà Rịa-Vũng Tàu
>> Bão số 13 hướng vào Nam Trung bộ và Nam bộ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.