Phát huy tích cực truyền thống đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương

03/02/2017 07:20 GMT+7

Sự nghiệp đổi mới bắt đầu từ sự trong sạch, vững mạnh của Đảng. Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII nhằm ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... đang là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách.

Phát huy tích cực truyền thống đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương
Ảnh: NVCC
Đó là ý kiến của GS-TS Mạch Quang Thắng (ảnh), nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, hiện là giảng viên cao cấp Viện Lịch sử Đảng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong cuộc trò chuyện đầu năm với Thanh Niên về vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong bối cảnh hiện nay.
Trong những kỳ đại hội gần đây, Đảng đã nhìn nhận việc chưa đẩy lùi một cách hiệu quả nguy cơ về một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất làm giảm niềm tin của nhân dân, ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị, sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Câu chuyện này không chỉ là vấn đề nội bộ của Đảng mà đã trở thành mối quan tâm lớn của toàn xã hội. Ông nghĩ gì về việc xử lý thách thức này?
Đảng Cộng sản VN không những là Đảng của giai cấp công nhân mà đồng thời còn là Đảng của nhân dân lao động và của toàn dân tộc. Vì vậy, thật có lý khi nói rằng, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nói chung cũng như việc cố gắng để ngăn chặn được nguy cơ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... nói riêng không những là công việc nội bộ Đảng mà còn là của toàn xã hội.
Đảng vững mạnh thì chế độ chính trị do Đảng lãnh đạo ngày càng phát triển tích cực. Nhưng, nếu Đảng bị suy thoái, có nơi, có lúc không đảm bảo sự trong sạch, vững mạnh thì sự tồn vong của chế độ chính trị càng bị thử thách nghiêm trọng.
Việc nhìn nhận vấn đề nguy cơ đã được Đảng đề cập trong nhiều nghị quyết; đặc biệt trong các nghị quyết chuyên về xây dựng Đảng lại càng rõ hơn. Xử lý thách thức này, Đảng đã có hẳn các nội dung quan trọng trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII và đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 khóa XII về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Các giải pháp để xử lý đều có đủ, đúng đắn và rất trúng; đã chỉ rõ rất cụ thể những biểu hiện mà tất cả cán bộ, đảng viên cần phải nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi.
Phát huy tích cực truyền thống đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương 1
Lễ kết nạp Đảng tại Công ty điện lực Thường Tín (Hà Nội) Ảnh: Ngọc Thắng
Vấn đề quan trọng bậc nhất trong giai đoạn này là triển khai thực hiện, quyết liệt hành động. Việc tiến hành kiểm điểm nhằm thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 khóa XII sẽ đạt được hiệu quả cao khi trong quá trình kiểm điểm, cán bộ đảng viên không bị sa vào các biểu hiện: nói thì nhiều nhưng làm thì ít, nói thì hay nhưng làm thì chưa tới nơi tới chốn, nói mà không làm; nói một đằng làm một nẻo. Cán bộ chủ chốt thì lại phải càng gương mẫu thực hiện nhằm ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cùng những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Tại một hội thảo về xây dựng đảng, GS Nguyễn Văn Huyên, nguyên Viện trưởng Viện Chính trị học, cảnh báo rằng khi có quyền, cá nhân đảng viên, người lãnh đạo có thể rơi vào tình trạng tự thỏa mãn, dùng quyền lực thay cho chân lý, cho pháp luật trong chỉ đạo. Bên cạnh đó, việc ít chịu học tập, rèn luyện làm một số cán bộ có chức quyền có thể bị tụt hậu, trì trệ dẫn đến hạn chế tầm tư duy chiến lược, hoạch định chính sách, không theo kịp xu thế vận động, thậm chí còn bảo thủ, làm kìm hãm tốc độ phát triển của xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề này được nhìn nhận như thế nào?
Cảnh báo đó hoàn toàn đúng. Không phải người nào có quyền lực thì đều biết sử dụng quyền lực như thế nào cho đúng. Càng quyền cao chức trọng thì sự cám dỗ đến với bản thân càng lớn. Trong các mối quan hệ cơ bản nhất mà con người phải ứng xử hằng ngày, nói như Bác Hồ thì có 3 điều rất cơ bản: đối với người, đối với việc, đối với mình. Trong đó, tự mình đối với bản thân mình là xử lý khó nhất; vì vậy, cần tỉnh táo, làm chủ bản thân mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ từ đầu năm 1946: “Tôi không ham muốn công danh phú quý một chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác cho thì tôi phải gắng sức làm, cũng giống như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi vui lòng lui...”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền lực mà người cán bộ có được là do dân ủy thác, và phải tận tâm phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc chứ không thể nhằm vinh thân phì gia, vun vén cho danh lợi của mình. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là rèn luyện không ngừng trên cơ sở nhận thức đúng đắn và đầy đủ về vấn đề trên.
Đã làm cán bộ, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là phải “chịu khổ trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, và “phải bằng hành động thực tế để làm cho dân tin, dân yêu, dân kính, dân phục”... Người cán bộ phải vừa có tâm, vừa có tầm; muốn thế, phải hằng ngày ra sức tu dưỡng, rèn luyện, ra sức học tập, cống hiến cho đất nước, cho dân.
Tại một cuộc tiếp xúc cử tri năm 2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, điểm mới của Hội nghị T.Ư 4 khóa XII vừa qua là tập trung nhiều về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cùng với sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Do vậy, T.Ư Đảng đã đề ra 4 nhóm giải pháp phòng chống; trong đó có vấn đề kiểm soát quyền lực. Theo ông, cần phải giải quyết vấn đề kiểm soát quyền lực, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa như thế nào?
Theo thiển ý của tôi, đó là việc phải xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, không để tổ chức hoặc cá nhân nào đó lạm dụng quyền lực, gây hại cho Đảng và cho toàn xã hội. Để làm tốt việc này, mà tôi cho là rất hệ trọng, thì cần thiết kế và thực hành tốt cơ chế để: tạo lập quyền lực; trao quyền lực; thực thi quyền lực; trùm lên tất cả là giám sát và kiểm soát quyền lực. Bốn vấn đề này phải được đặt trong một cơ chế, có thể biểu hiện trong một quy định của Đảng và quy định của Nhà nước pháp quyền hiện nay của chúng ta.
Khi nói đến giám sát, phản biện xã hội, xin nhấn mạnh quan điểm có tính nguyên tắc đúng đắn là: Chúng ta không chấp nhận đa nguyên chính trị và đa đảng. Trên cơ sở đổi mới cơ chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, cần thêm các biện pháp để người dân tham gia trực tiếp vào quá trình giám sát này. Mặt khác, cần có thêm cơ chế hữu hiệu để bảo đảm cho người dân “an toàn” trong việc giám sát và kiểm soát quyền lực, nhất là trong việc phát hiện, đấu tranh với những hành vi tiêu cực trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là phát hiện, đấu tranh với nạn tham nhũng, lãng phí.
Mùa xuân Đinh Dậu này, Đảng Cộng sản VN tròn 87 tuổi. Tôi tin tưởng rằng, không có khó khăn, thử thách nào mà Đảng ta không thể vượt qua được, khi mà Đảng ta đang tiếp tục tiếp nối một cách tích cực nhất truyền thống đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương mà ngay từ khi thành lập Đảng đầu năm 1930, Bác Hồ đã dày công xây dựng.
Xin cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.