Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 3: Phấp phỏng từng dòng tin

09/07/2014 09:15 GMT+7

(TNO) Đặc điểm chung của người lính biển là dù khó khăn, vất vả thậm chí hi sinh, bất trắc đến đâu, cũng nghiến răng chịu đựng và sẻ chia cùng đồng đội, không bao giờ hé răng cho người thân trong bờ biết. Chính vậy, khi chúng tôi đến thăm gia đình một số cảnh sát biển, kiểm ngư có hoàn cảnh khó khăn, người thân nào cũng phấp phỏng âu lo.

>> Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 1: Đám cưới chờ người về
>> Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 2: Giấu nhớ thương trong nước mắt

Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 3: Phấp phỏng từng dòng tin – cuộc điện 1
Bà Phạm Thị Dị khóc khi nói chuyện về con trai Lê Minh Phúc (thuyền trưởng tàu KN-22) - Ảnh: M.T.H

Hai lần “vượt cạn” vắng chồng

Chúng tôi tìm đến nhà anh Lê Minh Phúc (thuyền trưởng tàu KN-22) ở vùng bán sơn địa Lĩnh Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An), đúng lúc tàu KN-22 về bờ sửa chữa, tiếp nhiên liệu để ra lại vùng biển Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Biết tôi về thăm nhà, Phúc gấp gáp gọi điện: “Anh chụp nhiều hình bố mẹ, vợ con và gửi em nhé! Mấy tháng rồi, nhớ nhà quá!”, rồi không quên dặn dò: “Đừng nói là em bị thương, kẻo bố mẹ lại ốm lo!”…

Cô giáo Bùi Thị Hiền (37 tuổi, vợ thuyền trưởng Phúc) dẫn 2 đứa con là bé Lê Thị Ngọc Oanh (8 tuổi) và thằng cu Lê Đăng Quân (2 tuổi) ra tận đầu ngõ, nép dưới sườn đồi ngờm ngợp hoa tím chờ chúng tôi đến. Câu đầu tiên Hiền hỏi: “Chồng em có sao không?” và rơm rớm nước mắt, khiến 2 đứa trẻ co người, ôm chặt mẹ, òa khóc theo.

 

Những lúc sắp sinh, anh ấy gọi điện động viên, an ủi vợ mà giọng như muốn khóc. Phải động viên lại anh là bên cạnh có bố mẹ hai bên chăm sóc, anh ấy mới chịu ngừng nói chuyện để mình… sinh!

Cô giáo Bùi Thị Hiền
Sinh năm 1975, năm nay tròn 39 tuổi, nhưng thuyền trưởng Phúc có đến 20 năm gắn bó với các vùng biển đảo của Tổ quốc. Chuyện đi biển dài ngày của chồng, đối với cô giáo Hiền giờ đã trở thành bình thường, bởi tàu KN-22 là một trong những con tàu có “thâm niên” bám biển của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam, có những chuyến bám trụ Trường Sa cả 2 - 3 tháng.

“Dù có đi vài tháng, nhưng chỉ vài ngày là có sóng điện thoại từ các đảo Trường Sa để gọi về nhà, nên yên tâm. Chuyến này, biền biệt cả tháng không 1 cuộc điện thoại, em đoán chồng đang đối mặt với nguy hiểm, bất trắc nào đấy!”, cô giáo Hiền kể vậy và đau đáu: “Hôm xem trên truyền hình, thấy hình anh ấy trong phóng sự tàu Trung Quốc đâm hỏng tàu Kiểm ngư Việt Nam, tay bị băng trắng toát nhưng vẫn chỉ huy con tàu, em biết ngay là bị thương, vậy mà khi về bờ sửa chữa, cứ chối đây đẩy”.

Nói chuyện xa nhà, thuyền trưởng Phúc đứng hạng nhất trong tàu KN-22. Ngay 2 lần sinh con, cô giáo Hiền đều không có chồng ở bên, phải nhờ ông bà nội ngoại và khi bố về, các con đã ọ ẹ 5 - 6 tháng. “Những lúc sắp sinh, anh ấy gọi điện động viên, an ủi vợ mà giọng như muốn khóc. Phải động viên lại anh là bên cạnh có bố mẹ hai bên chăm sóc, anh ấy mới chịu ngừng nói chuyện để mình… sinh!”, cô giáo Hiền ngượng nghịu.

Với bọn trẻ, không ít lần tỵ nạnh: “Các bạn khác có bố, sao chúng con ít gặp?”, cô giáo Hiền thường trực sẵn mấy tấm hình thuyền trưởng đứng cạnh tàu KN-22 ở đầu giường, bàn học đưa các con xem và giải thích: “Bố đang bận lái tàu ở biển xa. Nếu bố về nhiều thì tàu không chạy được. Phải học giỏi, tàu mới cho bố về thăm con!”. Lúc ấy, bọn trẻ mới hí hửng: “Tàu chở bố, bố lái tàu ngoài biển xanh” và hết “ý kiến” lao xao…

Chồng lương thuyền trưởng kiểm ngư, vợ lương giáo viên THCS, có tằn tiện lắm cũng chỉ nuôi đủ 4 thành viên trong nhà. Ấy vậy nhưng bao năm nay, cô giáo Hiền vẫn đảm đang chăm sóc bố mẹ chồng ở cách đó chừng cây số, nhất là mẹ chồng, bà Phạm Thị Dị, bị bệnh tiểu đường suốt 12 năm qua, mỗi tháng phải mua cả triệu tiền thuốc điều trị.

Ngồi nói chuyện với chúng tôi dưới tán cây ngoài sân lao xao nắng, bà Dị tâm sự: “Con Hiền vừa đi làm vừa chăm 2 đứa, nên mấy năm nay tôi phải để ông ấy ở nhà một mình, sang chăm cháu, đỡ cơm nước cho 3 mẹ con!” và chỉ thầm ước: “Khi nào thằng Phúc về phép lâu ngày, có thời gian đưa mẹ xuống TP.Vinh điều trị bệnh, cho các y bác sĩ dưới đó biết là tôi có con trai!”. Nước mắt bà mẹ lại tràn trên gò má sạm nắng.

Có một điều mà bà Dị và cô giáo Hường không biết: Những tấm hình chụp gia đình hôm chúng tôi đến thăm, được PV Báo Thanh Niên mang theo ra biển trong chuyến công tác và gửi cho thuyền trưởng Phúc ngay trên vùng biển Hoàng Sa. Nhận được file hình, anh Phúc chuyển ngay vào điện thoại, treo ngoài màn hình, và mỗi ngày, trước khi làm nhiệm vụ chỉ huy con tàu tiếp cận đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương-981, người thuyền trưởng kiểm ngư kiên cường lại mở màn hình xem ảnh. Hình như với anh, khái niệm “Chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc” hòa cùng sự trân trọng, thương nhớ gia đình.

Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 3: Phấp phỏng từng dòng tin – cuộc điện 2
Gia đình thuyền trưởng Lê Minh Phúc xem hình ảnh của anh - Ảnh: M.T.H

Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 3: Phấp phỏng từng dòng tin – cuộc điện 3
Một tấm ảnh của "bố Phúc" mà chị Hiền vẫn mang ra "khoe" với các con, dặn "phải học giỏi" thì bố mới về thăm - Ảnh: M.T.H chụp lại

Bắt phải… nhìn nhầm

 

“Ngày mai mẹ mua cho con một cái kiếm để con chém đứt mấy cái tàu Trung Quốc...”, cậu con trai của kiểm ngư viên Phạm Hữu Thiệp thủ thỉ vào tai mẹ

Đặng Kim Dung là vợ của kiểm ngư viên (KNV) Phạm Hữu Thiệp (tàu KN-630), nhà ở tít trong ngách 83, Phú Xá, Đông Hải, quận Hải An, TP.Hải Phòng. Dung năm nay 30 tuổi, làm nhân viên lao công cho một khách sạn ở quận Hải An, thu nhập mỗi tháng gần 3 triệu đồng.

Chồng biền biệt ngoài biển từ trước khi lấy nhau, nên cô gái nhỏ người này xác định “là đàn ông thay chồng” và xắn tay áo làm mọi việc điện nước, sửa xe cho đến lợp cả mái nhà dột, mỗi khi bão gió.

Hôm chúng tôi đến thăm căn nhà cấp 4 nằm chơ vơ bên ruộng rau lưa thưa lá, Dung đang xắn quần thình thịch cuốc đất, nhanh nhảu giới thiệu: “Căn nhà này, vợ chồng ở nhờ đất ông bác, các anh đừng chê sơ sài!” và cười nhẹ như không: “Chồng đi biển, phải chấp nhận thôi. Ai cũng sợ chồng đi xa thì các anh ấy ế vợ à?”.

Tàu KN-630 cũng thuộc đội hình chuyên bám biển, nên Dung cũng không lạ việc chồng ngoài biển cả tháng. Giữa tháng 4 vừa rồi, KNV Phạm Hữu Thiệp gọi điện dặn vợ: “Anh đi biển chừng 40 ngày rồi về!”, nhưng biền biệt gần 1 tháng vẫn không có lấy một cuộc điện thoại gọi về như thường lệ, khiến lòng dạ Dung như có lửa đốt. Mấy chị em có chồng trên tàu KN-630 gọi điện hỏi nhau, cứ thì thầm nghi hoặc: “Hay chồng mình đi đuổi tàu Trung Quốc ngoài Hoàng Sa?”, nhưng cũng không dám chắc vì đơn vị chỉ báo ngắn gọn: “Đi làm nhiệm vụ ngoài biển”.

Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 3: Phấp phỏng từng dòng tin – cuộc điện 4
PV Báo Thanh Niên trao tiền ủng hộ của bạn đọc cho chị Đặng Kim Dung (vợ kiểm ngư viên Phạm Hữu Thiệp, tàu KN-630) - Ảnh: Nguyên Dũng

Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 3: Phấp phỏng từng dòng tin – cuộc điện 5
Đại diện Báo Thanh Niên tại miền Trung trao 100 triệu đồng ủng hộ tàu KN-630 khi tàu về cảng Đà Nẵng sửa chữa - Ảnh: Hoàng Sơn 

Mãi đến hôm xem tivi, thấy chồng lờ mờ trong khuôn hình, nằm bất động cho y tế cấp cứu, Dung mới dám chắc điều mình nghi hoặc.

Bố mẹ KNV cùng ngồi xem tivi, mắt kém nên lập cập hỏi: “Ai như cu Thiệp nhà mình!”, khiến Dung phải át đi đây đẩy: “Làm gì có? Chồng con đang ở Trường Sa!”. Riêng cậu con trai 4 tuổi thì nhận ngay ra bố, nhưng thấy mẹ ra hiệu nên biết ý dừng ngay lại giấu ông bà. Mãi đến khi đi ngủ, cậu bé mới ôm mẹ thì thầm: “Ngày mai mẹ mua cho con 1 cái kiếm để con chém đứt mấy cái tàu Trung Quốc!”… 

Hôm tàu KN-630 về lại cảng Đà Nẵng khẩn trương sửa chữa và lại ra biển Hoàng Sa, KNV Phạm Hữu Thiệp mới ngập ngừng qua điện thoại với vợ: “Anh chỉ bị miếng kính đâm sượt qua tay!”. Cả bố mẹ và Dung đều không biết: Đêm 23.5, khi tàu KN-630 cách giàn khoan Hải Dương-981 khoảng 10 hải lý, các tàu hải cảnh, hải giám của Trung Quốc đã vây ép, đâm va và dùng vòi rồng bắn vào buồng hành trình của KN-630 làm hệ thống điện, ra đa, loa tuyên truyền trên tàu hỏng hoàn toàn, hệ thống thanh chống lan can phía sau mạn tàu bị đâm gãy hoàn toàn, 2 bên thân tàu méo mó do vết đâm của tàu Trung Quốc. Ba KNV trên tàu bị thương trong quá trình tàu Trung Quốc đâm va, tấn công trong đó có KNV Phạm Hữu Thiệp.

Tuy nhiên, sau khi được sơ cứu, cả 3 KNV đều kiên quyết xin ở lại Hoàng Sa tiếp tục làm nhiệm vụ, không về bờ điều trị vết thương.

Mai Thanh Hải - Nguyên Dũng

>> Ngư dân vẫn kiên cường giữ biển Hoàng Sa
>> Ngư dân đóng tàu lớn quyết bám biển Hoàng Sa
>> Tình đồng đội trên biển Hoàng Sa
>> Bám biển Hoàng Sa đến cùng
>> Tuyên dương các phóng viên tác nghiệp ở vùng biển Hoàng Sa
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.