Phiền hà cho dân thì nên bỏ

28/10/2020 05:00 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng quy định người lái ô tô kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ hành nghề trong dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi là gây phiền hà cho dân, cần loại bỏ.

Như Thanh Niên thông tin, dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi vừa được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình ra Quốc hội, trong đó quy định người lái ô tô kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ hành nghề. Cụ thể: “Người có giấy phép lái ô tô muốn hành nghề lái ô tô kinh doanh vận tải phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và được cấp chứng chỉ hành nghề lái ô tô kinh doanh vận tải”. Trong khi nội dung đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe (GPLX) được tách khỏi dự luật Giao thông đường bộ đưa sang dự luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông do Bộ Công an quản lý, nội dung quy định về chứng chỉ hành nghề vẫn do Bộ GTVT quản lý. Nói cách khác, muốn hành nghề lái ô tô kinh doanh vận tải, người lái xe vừa phải được đào tạo, sát hạch lái xe theo quản lý của Bộ Công an, vừa phải được cấp chứng chỉ hành nghề theo quản lý của Bộ GTVT.

Thêm phiền hà cho dân

Sau khi thông tin, Thanh Niên nhận được nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. “Thủ tướng đã yêu cầu rà soát bãi bỏ các giấy phép con làm cản trở phát triển, làm phiền hà người dân - đã làm rất mạnh, rất tốt thời gian qua - bây giờ Bộ GTVT lại đề xuất thêm giấy phép con?”, bạn đọc (BĐ) N.Phong thắc mắc.

Sao lại thêm “giấy phép con” làm tốn kém, phiền hà người dân thế?   

Q.T

Tương tự, BĐ Nguyễn Thọ ý kiến: “Sao không tổ chức học lái xe, nghiệp vụ lái xe và chứng chỉ hành nghề luôn một lần như trước đây, lại tách chứng chỉ hành nghề ra riêng? Phải chăng do tách việc đào tạo giấy phép lái xe qua Bộ Công an nên Bộ GTVT muốn đẻ thêm chứng chỉ hành nghề vận tải?”. Còn BĐ Cúc Bùi viết: “Tài xế có bằng lái muốn hành nghề dịch vụ phải đăng ký vào doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Doanh nghiệp người ta đã đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải sao còn vẽ thêm chứng chỉ hành nghề để làm gì?”.

Cải tiến là đừng làm khó dân

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết theo quy định hiện hành tại luật Giao thông đường bộ 2008, lái xe là đào tạo nghề, trừ lái xe hạng B1 (ô tô dưới 9 chỗ ngồi dạng gia đình) không cần đăng ký kiểm tra cấp chứng chỉ nghề. Lái xe chuyên nghiệp (hạng B2 trở lên) được thực hiện theo quy định của luật Dạy nghề; khi học xong chương trình, người học phải qua kỳ thi cấp chứng chỉ nghề, có chứng chỉ nghề mới được dự sát hạch để cấp GPLX.
Người ta tìm cách tinh giản thủ tục hành chính, giấy phép con, Bộ GTVT lại đề xuất tăng thêm?   

Quốc Tâm

“Quy định như luật Giao thông đường bộ 2008 là phù hợp, không cần thay đổi, không nên tách ra thành 2 phần do 2 bộ quản lý, sẽ rất chồng chéo, phiền phức cho người học, tăng thêm chi phí và như một loại giấy phép con, không phù hợp chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ”, ông Quyền nói.

Vậy B1, B2 để làm gì? Đã B2 người ta lấy chủ yếu là để phân biệt người chạy xe gia đình và người kinh doanh. “Đẻ” thêm chỉ phát sinh rắc rối, tốn kém.

N.T.Hiếu

Cùng quan điểm, BĐ Phạm Lam viết: “Ai đi học lái xe cũng biết, các vấn đề mà Bộ GTVT đưa ra học viên đã học hết và có kiểm tra hết môn, bây giờ lại tách thành một chứng chỉ học và thi riêng có phải là gây phiền hà cho người dân không?”.
“Hiện nay quy định nào đã ổn, đã tốt thì nên giữ nguyên đừng thay đổi mà làm khó cho dân. Chỉ khi nào Bộ GTVT chứng minh được sự thay đổi sẽ tốt hơn, ưu việt hơn, giúp ích cho dân thì hãy làm”, BĐ Minh Thiện góp ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.