Phong ba đời thủy thủ viễn dương - Kỳ 2: Thời oanh liệt nay còn đâu

13/12/2014 08:45 GMT+7

(TNO) Bị nợ lương, thậm chí bị quỵt lương, mắc kẹt ở nước ngoài... là những 'thảm cảnh' màu xám về nghề thủy thủ viễn dương trong những năm qua.

>> Phong ba đời thủy thủ viễn dương - Kỳ 1: Kiếm 'vàng ròng' từ... rác

Tàu Cái Lân 4 bị mắc kẹt ở cảng Kolkata (Ấn Độ) hồi tháng 12.2012.
Tàu Cái Lân 4 bị mắc kẹt ở cảng Kolkata (Ấn Độ) hồi tháng 12.2012 - Ảnh: Thủy thủ đoàn cung cấp

Nửa đêm ngày 25.12.2012, chúng tôi nhận được một email của thủy thủ tàu Cái Lân 4 (Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinashinlines) cho biết tàu bị "mắc kẹ"t tại cảng Kolkata (Ấn Độ) sau khi giao hàng. 22 thuyền viên trên tàu bị tòa án Ấn Độ bắt giữ từ tháng 10.2012 vì Vinashinlines nợ tiền một nhà cung cấp dầu tại Singapore nhưng chưa trả.

Việc ăn ở của thuyền viên gặp rất nhiều khó khăn khi hết lương thực, thực phẩm, nước ngọt, dầu DO... Mọi người sống cầm cự qua ngày bằng mì tôm, nhiều người bị ốm. Mặc dù nhiều lần liên lạc về công ty yêu cầu hỗ trợ nhưng thủy thủ đoàn đã không nhận được sự giúp đỡ.

 

Nhiều thủy thủ bị trầm cảm, loạn thần do uống rượu quá nhiều

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ chuyên khoa I Bùi Trọng Lượng, trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng, cho biết do những áp lực công việc, đi biển dài ngày thiếu thốn tình cảm nên nhiều thủy thủ bị chứng trầm cảm, stress, thậm chí loạn thần do uống rượu quá nhiều.

Nhiều thủy thủ nước ngoài khi cập cảng Hải Phòng đã cùng phiên dịch vào bệnh viện để khám và mua thuốc điều trị. Nhưng thủy thủ người Việt không dám đi khám vì sợ mang tiếng bị tâm thần, ảnh hưởng tới công việc.

“Họ chọn cách chữa trị tại nhà nhưng rất khó chữa khỏi hoàn toàn. Có trường hợp bị loạn thần do rượu nên bị ảo giác, toàn nhìn thấy người khổng lồ, người tí hon, nghe thấy tiếng đe dọa văng vẳng bên tai”, bác sĩ Lượng cho biết.

Câu chuyện tàu Cái Lân 4 bị mắc kẹt ở nước ngoài không phải là câu chuyện duy nhất trong thời điểm đó, còn có tàu Hoa Sen, Sea Eagle, New Phoenix kẹt ở Trung Quốc, tàu Diamond Way kẹt ở UAE. Đó cũng là thời điểm “đen tối” của ngành hàng hải Việt Nam khi nhiều lãnh đạo của Vinashin, Vinalines bị khởi tố về tội tham nhũng.

Nợ lương, “quỵt” lương vài trăm triệu

Ông Phạm Trung Dũng là thuyền trưởng tàu hàng trọng tải 25.000 tấn của một doanh nghiệp vận tải biển có tiếng ở TP.Hải Phòng. Con tàu này chuyên chạy tuyến Đông Bắc Á - Trung Đông. Theo ông Dũng, từ khoảng năm 1993 trở về sau này là thời điểm “làm công ăn lương” thực sự của giới thủy thủ, không còn chuyện “chấm mút”, buôn hàng cũ như trước. Nguy hiểm đầu tiên phải nói đến là tình trạng cướp biển hoành hành, khiến dân hàng hải như ông Dũng lo ngại.

“Trước vụ thủy thủ tàu VP ASPHALT 2 bị cướp biển bắn chết ở vùng biển Đông Nam Á thì tàu của tôi cũng bị cướp biển tấn công hôm 20.11 ở đây. Rất may không ai bị thương nên chúng tôi chỉ báo về công ty”, ông Dũng nói.

Đối mặt với cướp biển, bão gió nhiều cũng thành quen, ăn thực phẩm để tủ lạnh nửa năm trời, sống thiếu nước ngọt cũng chẳng ngại gì. Nhưng điều đáng sợ hơn cả của giới thủy thủ là chuyện bị nợ lương, “quỵt” lương. Ông Dũng cho biết đó là “chuyện thường ngày ở huyện” trong mấy năm khủng hoảng vừa qua. Nhiều người bạn của ông đến nay vẫn bị nợ lương từ 6 tháng đến 1 năm. “Tiền không có để gửi về nhà cho vợ con, có lần bạn tôi phải ăn cơm với nước mắm 12 ngày ròng”, ông Dũng kể.

Còn ông Trần Văn Thiệp, đi cùng tàu với ông Dũng, vẫn còn nhớ như in lần bị một công ty vận tải biển tư nhân ở Hải Dương (đã phá sản) nợ 8 tháng lương vào năm 2010. Lương của ông Thiệp là 30 triệu đồng/tháng. Trong chuyến chở hàng sang Indonesia, tàu của ông bị giữ lại nửa năm vì công ty không có tiền trả phí đại lý. Trong khi tiền lương bị nợ liên tục, không có tiền gửi về gia đình, áp lực đè nặng lên vai những thủy thủ.

“Một ngân hàng đã 'ra tay' giải cứu cho tàu trở về. Rất lâu về sau này tôi phải cạy cục mới lấy lại được 4 tháng lương, còn 4 tháng lương bị mất. Một số đồng nghiệp của tôi làm lâu năm ở đây còn bị mất tới 1 năm lương với hơn 300 triệu đồng”, ông Thiệp cho biết.

Thuyền trưởng Phạm Trung Dũng chia sẻ với chúng tôi câu chuyện được giới thủy thủ truyền miệng về một máy trưởng đã chết vì sốc ngay trên tàu vào tháng 6.2006. Người máy trưởng này ở trên tàu chở gạo từ TP.HCM đi Philippines. Sau khi giao hàng xong, thấy gạo còn vương nhiều nên người này đã gom vào và bắt mối với một đầu nậu để bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. Không ngờ bị lực lượng an ninh ở đó bắt giữ 6 tháng vì tội buôn lậu. Ngày nào cũng phải lên trình diện 2 lần nên người này sốc quá dẫn đến đột tử.

“Cách đây vài năm, còn có một đại phó vì quá áp lực với công việc, bài toán kinh tế nên đã bị chứng trầm cảm và nhảy xuống biển tự tử”, người đàn ông có 29 năm trong nghề này tâm sự.

Ông Dũng cho biết, nhiều doanh nghiệp ở nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản... khi thuê lại tàu và thủy thủ Việt từ các hãng tàu trong nước đã rất bức xúc khi biết được thực trạng nợ lương, “quỵt” lương như thế. Để đảm bảo công việc hiểu quả, họ trích một phần tiền trong hợp đồng để trả trực tiếp cho thuyền viên mà không thông qua công ty. (Còn nữa)

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Vũ Ngọc Khánh

>> Đón các thủy thủ tàu Sunrise 689 trở về an toàn
>> Hình ảnh mới nhất về thủy thủ tàu Sunrise 689
>> Mòn mỏi ngóng tin thủy thủ tàu Sunrise 689 mất tích
>> Tiếp tục tìm kiếm thủy thủ tàu Saigon Queen
>> Tạm ngừng tìm kiếm thủy thủ tàu Vinalines Queen
>> Thủy thủ tàu Vinalines Queen sống sót về đến Hà Nội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.