Đời buồn...

06/01/2010 11:25 GMT+7

Hiếm thấy ai có cuộc đời buồn như chị. Vợ chồng đang phụ nhau làm nghề quét rác để nuôi con ăn học thì đùng một cái người bạn đời ngã bệnh nặng. Thui thủi một mình trong đêm quét rác để nuôi chồng con, ngay ngày cuối năm 2009, đùng một cái bị tai nạn giao thông gãy cả hai chân. Vào bệnh viện thì thẻ bảo hiểm y tế vừa hết hạn...

Hiếm thấy ai có cuộc đời buồn như chị. Vợ chồng đang phụ nhau làm nghề quét rác để nuôi con ăn học thì đùng một cái người bạn đời ngã bệnh nặng. Thui thủi một mình trong đêm quét rác để nuôi chồng con, ngay ngày cuối năm 2009, đùng một cái bị tai nạn giao thông gãy cả hai chân. Vào bệnh viện thì thẻ bảo hiểm y tế vừa hết hạn...

“Mất chân, làm sao nuôi con?”

Cú lao xe bất ngờ từ phía sau đúng vào đêm 31-12-2009 đã làm gãy bốn xương cẳng chân chị Phượng - người quét rác dân lập (quét rác tự do - NV) tại ấp Tân Thới 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn (TP.HCM). Gương mặt xanh mét còn chưa hết nét hãi hùng vẫn phảng phất trong câu chuyện chị Phượng kể lại vụ tai nạn đêm cuối năm. Hai chân của chị Phượng hiện đang được cố định xương và truyền máu liên tục bằng các ống dẫn vì mạch máu bị tắc.

Theo bác sĩ Cao Văn Thịnh - trưởng khoa lồng ngực - mạch máu, Bệnh viện 115, đang điều trị cho chị Phượng, phải cần thêm vài ngày nữa mới biết được chị Phượng có giữ lại được đôi chân hay không.

Ông Trang Văn Lâm - trưởng phòng tổ chức hành chính Công ty Môi trường đô thị TP.HCM - cho biết những người thu gom rác dân lập thuộc UBND phường quản lý. Nhưng người gom rác dân lập chỉ đóng phí theo tháng cho phường và không hề có chế độ bảo hiểm gì khi không may bị tai nạn lao động.

Theo giám đốc Công ty Dịch vụ giao thông đô thị quận Phú Nhuận Trần Tấn Ba, những người gom rác dân lập vì không thuộc diện quản lý nên khi bị tai nạn công ty chỉ thăm hỏi, các chi phí điều trị khác đều phải tự chịu.

Người phụ nữ ít học, năm nay 47 tuổi mà đã gần 30 năm quét rác thuê này cứ thảng thốt, bần thần vì cái tin chẩn đoán có thể phải mất đôi chân. Chị Phượng nói trong tiếng nghẹn ngào: “Mất chân, làm sao nuôi con?”. Căn phòng chị Phượng đang nằm điều trị tại khoa lồng ngực - mạch máu khiến chúng tôi lạnh lưng khi bước vào. Có ba giường bệnh với ba bệnh nhân đang điều trị tại đây. Ngoài chị Phượng đang chờ kết quả điều trị trong bảy ngày đầu xem có phải thực hiện ca phẫu thuật cắt chân do mạch máu bị tắc hoàn toàn thì hai bệnh nhân nằm gần chị Phượng đều đã phải cưa chân sát tới đùi.

Bác sĩ Thịnh nói rằng tuy chị Phượng còn đang trong thời gian nguy kịch nhưng chị rất can đảm. Hai chân chị phải cố định bằng hai bộ khung inox nhưng hễ đỡ mệt chút là chị lại ráng ngồi dậy, ngọ nguậy mấy ngón chân liên tục. “Đó là tín hiệu tốt cho ca phẫu thuật sắp tới. Nhiều người vào đây đã không làm được điều đó, chúng tôi buộc phải cắt bỏ chân hay tay có nguy cơ hoại tử của bệnh nhân. Dù biết rằng đó là thử thách lớn khi họ nghèo, lại là lao động chính của gia đình, nhưng giữ được mạng sống là còn có hi vọng” - bác sĩ Thịnh chia sẻ.

Hốc hác, gầy rộc sau năm ngày điều trị nhưng chị Phượng vẫn đau đáu lo cho hai đứa con nhỏ ở nhà. Chồng chị bị bệnh nên đã nghỉ đi lấy rác phụ chị. Bài toán mưu sinh cứ chất chồng lên vai người phụ nữ bé nhỏ nặng chưa tới 40kg với hai con đang ăn học và người chồng đang nằm nhà vì bệnh.

Đây là tai nạn thứ hai trong vòng ba năm trở lại đây của chị Phượng. Chị kể lần trước bị gãy tay cũng do bị mấy người say xỉn tông trúng lúc đêm hôm đang đi thu rác. Sau lần đó chị Phượng tính sang năm sẽ nghỉ làm rác, chuyển sang trông trẻ để đỡ rủi ro nhưng không ngờ lại bị tai nạn đúng vào đêm cuối cùng của năm cũ. Người chị họ đang đi thăm nuôi chị Phượng kể: “Nó lỡ thu tiền rác của bà con trong xóm nên bảo ráng làm cho hết năm mới nghỉ. Ai dè xui quá! Bảo hiểm y tế cũng vừa hết hạn thì gặp chuyện”.

Chị Phượng ứa nước mắt lúc người chị họ dẫn hai con chị vào viện để cho đỡ nhớ mẹ. Chị bảo người chị họ nhớ chỉ cho con bé lớn đang học lớp 9 đi gom tiền rác hằng tháng của các nhà chị lấy rác để đóng học phí và chi tiêu trong lúc mẹ nằm viện.

Nhìn ca chấn thương của chị Phượng, bác sĩ Cao Văn Thịnh cho biết đã điều trị nhiều ca tai nạn nhưng không thể hình dung ra một cú tông có thể làm gãy cùng lúc cả bốn xương cẳng chân của chị Phượng. Nghe những lời dè dặt của bác sĩ, chị Phượng càng trở nên bần thần.

Dang dở giấc mơ... nhà tường

Nửa đời gom rác mưu sinh, chị Phượng cứ một mực bảo rằng gia đình mình là “dòng họ nhà lá”. Niềm vui được lên nhà gạch - nhà tình thương của xã gần một năm nay chưa trọn vẹn thì chị lại bị tai nạn. Giấc mơ về ngôi nhà tường ấy có lẽ nay mai thôi sẽ chấm dứt vì chồng chị đang tính đường bán nhà để duy trì hi vọng cứu được đôi chân cho vợ mình.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với chị Phượng cứ bị ngắt quãng liên tục. Người viết luôn muốn hỏi về tai nạn không may đêm giao thừa, nhưng những câu trả lời và ánh mắt ngấn nước của chị lại cứ phập phồng về hai đứa con và người chồng.

 Đã hai năm nay, những đêm gom rác dọc đường ấp chỉ còn mình chị khi chồng bị lao phổi phải nằm liệt giường. Khi chồng còn khỏe thì mỗi tháng kiếm được 3 triệu đồng, khi chỉ mình chị bươn chải thì còn 2 triệu đồng, cũng tạm đắp đổi. Nhưng năm tới đứa lớn vào lớp 10, quá nhiều khoản chi nên: “Tui tính chỉ làm tới tết này nữa thôi rồi xin đi trông trẻ cho người ta, hi vọng thêm được ít tiền người ta lì xì, đâu có ngờ…” - chị nức nở khi bài toán mưu sinh có lẽ sẽ không bao giờ tìm được đáp số.

Bốn ngày nhập viện, gia đình phải chạy ngược xuôi mới đủ 20 triệu đồng chi phí. Là người thu gom rác dân lập nên chị Phượng không có bất cứ một chế độ nào. Chiếc thẻ bảo hiểm y tế do chính quyền địa phương cấp cho hộ nghèo thì vừa hết hạn đúng ngày 31-12-2009, trước đêm chị bị tai nạn.

Mọi ngả đường mưu sinh phút chốc bị chặn lại trong đêm cuối cùng năm cũ. Câu nói mà chúng tôi liên tục nghe chị Phượng nhắc đi nhắc lại là “Người tính không bằng trời tính…”. Cuộc mưu sinh bằng nghề gom rác của người phụ nữ này đã rơi vào bế tắc. Có lẽ mọi chuyện giờ chỉ còn biết trông chờ vào sự may rủi của số phận...

Cạn đường mưu sinh

Anh Đỗ Hoàng Xuân, nhà ở phường 14, quận Tân Bình, chủ hai đường (hệ thống) gom rác ở phường 12 (quận 5) và phường 5 (quận 11), cho biết: “Mỗi đường rác khoảng 200 hộ như tui tệ lắm cũng phải bỏ ra 80-100 triệu đồng để sang lại. Dính tai nạn kể như bại sản!”.

Rạng sáng 5-1, phóng viên Tuổi Trẻ đã chứng kiến một pha hỗn chiến bằng gạch đá giữa ba xe máy đuổi nhau trước cổng Trường tiểu học Thái Phiên trên đường Minh Phụng (quận 11). Ngồi thụp xuống sát gầm xe ba gác để tránh “văng miểng”, mấy phút sau khi nhóm thanh niên rú ga bỏ đi, bà Thảo và anh Trường, hai mẹ con gom rác dân lập - đang trên đường về nhà mới hoàn hồn.

 
Chị Thực ưu tư khi nhắc tới tai nạn của người chị họ cùng nghề phải về quê, không có tiền điều trị - Ảnh: L.V. 

Bà Thảo kể gần như tuần nào trên đường gom rác từ đường Ba Tháng Hai về nhà ở khu Tân Hóa (quận 11), mẹ con bà cũng đôi ba lần đụng phải đám thanh niên choảng nhau như vừa rồi. “Khuya vầy, đường phố đâu còn ai nên tụi nó đâu thèm kiêng dè, mình không né là lãnh đủ” - anh Trường vừa nói vừa chỉ vào vết sẹo đang liền da trên thái dương, hậu quả của một lần không né kịp và lãnh nguyên cục gạch.

Những tai nạn kiểu “tai bay vạ gió” của những người mưu sinh với rác không chỉ dừng lại ở vết thương hay khoản tiền điều trị, có khi còn làm đứt đoạn những cuộc mưu sinh. Bên lề đường Nguyễn Trãi đoạn gần chợ Nguyễn Thái Bình (quận 1), chị Dương Thị Thực, làm nghề nhặt rác, quê ở Phú Bình (Thái Nguyên), vẫn ngồi thẫn thờ khi tuần trước mới tiễn người chị họ về lại quê nhà vị bị taxi đụng gãy chân. Chị Thực kể tài xế chỉ chở vào bệnh viện, đưa 1 triệu đồng rồi trốn biệt. “Hai năm vào Sài Gòn nhặt rác, lần đầu về quê chắc cũng là lần cuối với cái chân bó bột trắng toát…”.

Trong sự cám cảnh cho người chị họ của chị Thực hình như có cả nỗi âu lo cho sự run rủi đang chực chờ tới mình. Chị Thực cho biết cả xóm trọ đồng hương Thái Nguyên của chị gần Đầm Sen, có trên 100 người mưu sinh đêm với rác. Nhưng may mắn nhất như chị, hai năm qua đã thay ba chiếc xe đạp vì bị đụng xe. Còn nặng hơn phải nghỉ việc nằm viện hay ở nhà dưỡng thương thì trong xóm lúc nào cũng có.

Sài Gòn còn bao nhiêu người mưu sinh đêm từ rác, bao nhiêu tai ương đã chụp xuống họ? Không ai trả lời được. Nhưng có một điều chắc chắn rằng bao nhiêu người gom rác là bấy nhiêu nỗi âu lo về những tai ương đang chực chờ...

Viễn Sự - Lê Vân/ Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.