Đời hàu

14/05/2011 19:40 GMT+7

Dòng Nhật Lệ trong xanh vắt qua thị trấn Quán Hàu (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) án ngự trên con đường thiên lý Bắc - Nam, ở đó hàu sinh sôi nảy nở ken đặc và có vị ngọt béo khác lạ. Hàu như một sản vật thiên nhiên ban tặng bao đời dân làng chài trong vùng. Nhưng chỉ đủ cơm cháo qua ngày, vẫn còn đó những cuộc mưu sinh gian khổ.

Cuốn sách Có một vùng văn hóa của Đỗ Duy Văn ghi rằng: “Nghỉ lại trên Cồn Hàu, du khách sẽ được thưởng thức món tôm, cua luộc. Nhưng có một đặc sản không thể thiếu được truyền tụng: đến Quán Hàu chưa ăn hàu coi như chưa đến. Hàu thường có ở các cửa sông nhưng nhiều người rút ra rằng không có hàu nào ngon hơn hàu ở Cồn Hàu. Và người ta gọi Cồn Hàu là Quán Hàu. Quán có nghĩa là hơn hẳn!”.

Cái tên Quán Hàu có từ bao giờ? Tìm trong sử sách cũ vẫn chưa thấy sách nào chép lại. Sách Đại nam thực lục tiền biên và cương mục có chép năm 1648 chúa Phúc Tần sai tướng Triều Phương đem thủy binh phục ở sông Cẩm La (tức Văn La) tại bến đò Hàu để đón đánh quân Trịnh... Quán Hàu có thể gọi Cồn Hàu. Cồn Hàu nằm rẽ đôi dòng Nhật Lệ như một con tàu neo đậu làm cho thị trấn Quán Hàu thêm xinh đẹp. Cồn Hàu hàng trăm năm vẫn sừng sững, ngày một bồi đắp qua phong ba, bão lụt bởi nền Cồn Hàu là một rạn đá ong vững chãi... 

Kỹ nghệ lặn hàu

Để có hàu ngon và nhiều thì phải lặn xuống đáy sông hoặc dưới chân móng các trụ cầu. Một người nổi danh lặn giỏi trong vùng đó là anh Lê Văn Đáng ở thôn Phú Bình (nay là tiểu khu 3). Gặp tôi lúc chiều muộn, anh nhẩm tính phải xuất phát lúc 5 giờ 30 và đồng ý cho tôi theo thuyền vào sáng sớm mai. Thời gian có thể lặn được hàu rất ít, chỉ có thể lặn khi thủy triều xuống hoặc chưa lên, người địa phương gọi là nước “ròng”. Còn lúc nước “lò” (thủy triều lên) thì không ai có thể lặn được vì độ sâu lớn và nước chảy rất mạnh. Khi đỉnh điểm, mực nước chênh nhau giữa thủy triều lên và xuống có thể đến 1,5m. Nhưng không phải đợi nước xuống hết mới đi lặn mà chớp nhoáng, chọn thời điểm thích hợp mới mong có “gạo”.

Chiếc thuyền nổ máy rền ngược dòng sông, nhóm của anh Đáng quyết định thả neo dưới chân móng cầu Quán Hàu cũ. Họ nhận định, gần 2 tháng chưa lặn ở đấy, bây giờ chắc hàu đã to. Việc đầu tiên là thay áo đến đeo tất chân, tất tay. Tất cũ không hề gì, miễn còn dùng tốt, có người đeo hai chiếc hai màu của hai loại khác nhau. Tất tay được mua ở chợ với giá 2.000 đồng một đôi, loại tất này chỉ dùng cho việc lặn và tách vỏ hàu. Người lặn hay tách vỏ hàu đều phải dùng tất tay nếu không muốn tứa máu, vì hàu rất sắc cứng. Lặn đeo thêm tất chân vì khi quẫy đạp sẽ va chạm vào hàu. Và một vật không thể thiếu đó là cái móc làm bằng một thanh sắt dài độ 50 phân, bẻ cong một đầu. Người lặn dùng móc nạy hàu bám ở các rạn đá, móng cầu và để giữ thăng bằng trong nước hay bám vào móng cầu nghỉ lúc mệt.

Chuẩn bị xong, mọi người quẳng phao (xăm ô tô) đựng rổ tre phía trong xuống nước rồi đeo kính lặn nhảy xuống theo. Sau một hơi thăm dò, anh Đáng bảo: “Có đấy!”. Lúc đó 6 giờ kém 10 phút, nước còn cách mặt dưới mảng móng cầu khoảng 60 phân, lộ rõ mấy trụ chân móng. Hàu đã lọc cho con nước trong xanh, nhìn thấu đến gần 2m. Hít một hơi dài, bịt kính lặn vào, ngụp xuống đáy nước, gần một phút sau đã thấy các anh trồi lên với nắm hàu trong tay. Anh Đáng nói: “Hàu to nhưng hơi “óp” (ốm)”. Đang vịn tay vào phao nghỉ thế mà chỉ cần lấy hơi nhanh, nhún một cái rất nhẹ nhàng như để nhảy lên thì người anh Đáng đã chìm theo phương thẳng đứng rồi quay lộn đầu xuống dưới trong tích tắc. Bóng anh mờ dần trong làn nước. Bình thường anh lặn sâu được 3 sải (1 sải khoảng 1,5m).

Đoạn sông này gần biển, một lúc sau thủy triều dâng chảy thành dòng thấy rõ. Khó khăn bao trùm. Các anh vẫn đùa rằng vợ đã giao khoán mà về không đầy rổ thì không xong, một rổ hàu còn vỏ nặng chừng 20 kg, tách lấy thịt được hơn 1 kg. Hơn 7 giờ, rổ hàu đã đầy 2/3, nước dâng gần liếm mép mảng móng, va vào chân cột xoáy cuồn cuộn. Dây buộc phao liên tục bị sút. Thoáng chút lo lắng nhưng mọi người vẫn quyết tâm lặn tiếp, miếng cơm manh áo đã thúc giục họ. Hàu đầy rổ, tiếng cười lại vang lên xen lẫn trong tiếng máy thuyền ràn rạt mặt sông.

Nắng lên rát cả mặt, thuyền về bến mỗi lúc nhiều hơn. Anh Đáng thổ lộ: “Chân đạp nước giữ thăng bằng, một tay nhanh dùng móc nạy hàu bám chặt vào móng, tay kia giữ hàu đã nạy thật chặt, để rơi coi như công toi, rơi một con cũng tiếc đứt ruột. Nạy hàu chàn (hàu bám trên đá giữa lòng sông, vỏ có màu xanh) cũng vậy, phải lanh mắt, nạy con này nhưng đã để mắt tới con kia và không phải đụng hàu hả miệng, hàu lép. Cùng đi với nhau nhưng có khi chênh lệch đến bốn năm chục nghìn. Khảy hàu lấy thịt cũng không dễ, phải biết cách mới lấy hàu ra được và khỏi đứt tay”.


Thuyền anh Đáng và anh Sơn trở về đầy hàu 

 
Chuyển hàu lên bờ - ẢNH: T.Q.N

Vật lộn mưu sinh

Chiều ở thị trấn Quán Hàu, các chị bưng rổ hàu ra ngồi dưới bóng cây dọc hai bên đường để tách vỏ. Những dịp cao điểm, khan hiếm hàng thì con cái đứa nào đi học về cũng ra phụ giúp mong có thêm tiền mua sách vở. Hiện giá hàu tươi ở Quán Hàu là 60.000 đồng/kg. Một gia đình lặn được khoảng 2-3 kg mỗi ngày, bán được 100-150.000 đồng, chừng đó đã to lắm ở làng chài Phú Bình. Điều lạ là nhu cầu nhiều nhưng không phải lúc nào hàu cũng bán “đắt như tôm tươi”. Vậy nên không phải lúc nào nụ cười cũng nở trên môi người làm hàu.

Chỉ có thể lặn được trong thời gian từ tháng 11 đến tháng 7 âm lịch, mùa mưa bão coi như chịu cứng. Không có nguồn thu từ hàu, người dân phải xoay sang chạy đủ nghề khác. Với gia đình anh Đáng, lặn hàu là nghề gia truyền, từ ông nội, cha đến anh và đứa con trai đang học lớp 12 cũng lặn không kém anh. Ngày chủ nhật, cậu lại theo ba mẹ đi lặn hàu. Anh kể: “Ngày trước, giá hàu bèo bọt lắm. Đầu những năm 1990, đi đập lô cốt 1 công đã 5.000 đồng, gạo 1 lon 700 đồng mà hàu chỉ 300 đồng 1 bát”. Vợ chồng anh chị đã hơn 40 tuổi đời, suốt năm tháng ngụp lặn, làm này làm nọ cũng chỉ bòn đủ tiền nuôi 2 đứa con ăn học để biết cái chữ mong thoát nghèo.

Còn nhiều gia đình khác cùng hoàn cảnh tương tự, như vợ chồng anh Tám chị Lành… Họ đang vật lộn, nương tựa với hàu qua từng năm tháng. Trong khi đó, món hàu xào chính tay người Quán Hàu chế biến đã giật giải nhất lễ hội ẩm thực do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại Hà Nội năm 2005, hàu lên ngôi vàng lấp lánh. Đang có sự nghịch lý ở đấy, Quán Hàu chưa biết cách kinh doanh hay nói cách khác là tận dụng lợi thế; thương hiệu đã có rồi nhưng cần phải đẩy lên tầm khác.

Bây giờ, người dân cũng đã nghĩ cách khoanh nuôi con hàu. Một dự án hẳn hoi được thành lập dưới sự quản lý của UBND thị trấn Quán Hàu, anh Nguyễn Văn Tòng và Lê Hoàng Sơn xung phong thử nghiệm. Được giao 4 ha mặt nước, hai anh mạnh dạn đầu tư 10 triệu đồng tiến hành cắm cọc, thả đá cho hàu bám. 30 hộ chuyên làm nghề hàu có hướng phát triển mới. Bí thư Đảng ủy thị trấn Quán Hàu Lê Bá Trưng chia sẻ: “Đây là mô hình mới và có hiệu quả. Chúng tôi đã nghiệm thu dự án bước đầu. Trên cơ sở đó sẽ đề nghị với cấp trên có chính sách hỗ trợ vốn cho bà con thực hiện”.

Người Phú Bình đang mong một ngày được “phú”. 

Nhớ đến xã đảo Long Sơn ở TP Vũng Tàu, dường như “công nghệ hút tiền” ở đó đã đạt đỉnh khi mà hàng đoàn khách vượt đường xa đến tấp nập. Chỉ với món hàu, ngao chủ đạo cũng đem về cho mỗi quán hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi ngày. Từ đó, người dân cũng được lợi theo.

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.